Philippines xây thêm 17 cảng nước sâu, củng cố chuỗi cung ứng nông sản

Cảng chính ở thủ đô Manila. Philippines đang có kế hoạch xây thêm nhiều cảng nước sâu mới nhằm củng cố chuỗi cung ứng nông sản. Ảnh: Reuters

Philippines đang lên kế hoạch xây dựng thêm 17 cảng nước sâu mới để củng cố chuỗi cung ứng gạo và các loại nông sản cũng như phân bón. Động thái này có thể giúp Việt Nam được hưởng lợi sau khi chính phủ Philippines thông báo giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% xuống còn 15% vào đầu tháng 6-2024. Đây là những nỗ lực mới của chính phủ Philippines nhằm kiềm chế giá lương thực tăng phi mã ở nước này.

Tại một diễn đàn kinh doanh ở Manila hôm nay 19-6, Bộ trưởng Nông nghiệp Francisco Tiu Laurel Jr. nói đầu tư cho cơ sở hạ tầng của ngành nông nghiệp Philippines đã tụt hậu so với các nước trong khu vực trong 27 năm qua. “Nếu chúng ta muốn giảm chi phí sản xuất bắp, gạo và các loại cây lương thực khác, chúng ta cần xây dựng thêm cảng”, Bộ trưởng Laurel nói.

Philippines đã phân bổ ngân sách khoảng 210 tỉ peso (3,6 tỉ đô la) trong năm tài chính 2024 cho Bộ Nông nghiệp. Ông Laurel hy vọng sẽ được chính phủ tăng gấp đôi ngân sách trong năm 2025 trong bối cảnh Philippines đang gặp sức ép ngày càng gia tăng về an ninh lương thực. Là “ông trùm” trong ngành đánh cá, ông Laurel đảm nhiệm vai trò lãnh đạo ngành nông nghiệp nông nghiệp vào tháng 11-2023, thay thế cho ông Ferdinand Marcos Jr., người từng giữ vai trò bộ trưởng và tổng thống.

Bộ trưởng Laurel kỳ vọng “giá phân bón sẽ giảm tới 15%” sau khi các cảng mới được xây dựng. Tuy nhiên, ông Laurel đã không cung cấp thêm thông tin chi tiết về kế hoạch, bao gồm cả việc liệu chính phủ đã bắt đầu xem xét chi phí và nguồn tài trợ hay chưa.

Giá thực phẩm tăng vọt đã ảnh hưởng nặng nề đến phần lớn người dân Philippines. Đầu tháng 6, chính quyền Marcos đã giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% xuống còn 15%, nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí lương thực. Tuy nhiên, nhiều người lại lo ngại rằng mức thuế này chỉ mang lại lợi ích các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam và Thái Lan.

Robert Dan Roces, nhà kinh tế trưởng thuộc ngân hàng Security Bank có trụ sở tại Manila, gọi mức thuế mới là “con dao hai lưỡi”. Ông nói người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi, trong khi nông dân phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ gạo nhập khẩu rẻ hơn. “Điều này có thể thúc đẩy một số nông dân đa dạng hóa cây trồng, có khả năng phá vỡ các hoạt động nông nghiệp đã hình thành trước đó. Các chương trình hỗ trợ của chính phủ, như trợ cấp và cải thiện hiệu quả trang trại, là rất quan trọng để giảm bớt thiệt hại cho nông dân”.

Philippines là nước đứng đầu thế giới về nhập khẩu gạo. Hồi tháng 2-2024, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã nâng dự báo mức nhập khẩu gạo của Philippines trong năm nay lên 3,9 triệu tấn, tăng 100.000 tấn so với dự báo đưa ra trong tháng 1. Lượng gạo Philippines nhập khẩu có thể đạt 4 triệu tấn trong năm 2024, theo một ước tính khác.

Theo dữ liệu của Liên hiệp quốc, Việt Nam cung cấp khoảng 80% lượng gạo nhập khẩu của Philippines trong năm 2023. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, Philippines nhập 3,13 triệu tấn gạo từ Việt Nam trong năm 2023, chiếm gần 82% trong tổng số 3,82 triệu tấn gạo nhập khẩu.

Cải thiện chuỗi cung ứng nông nghiệp là một trong những cam kết quan trọng được Tổng thống Marcos đưa ra khi tuyên thệ nhậm chức vào năm 2022. Tổn thất sau thu hoạch tại Philippines và chi phí vận chuyển cao đã đẩy giá bán lẻ gạo và các mặt hàng lương thực lên cao ở xứ đảo này.

Nông nghiệp chiếm khoảng 10% GDP của Philippines, sử dụng 25% lao động của nước này. Tuy nhiên,  Philippines đã đưa ra nhiều chính sách quản lý sai lầm trong nhiều thập niên. Nhiều nhà quan sát cho rằng các vấn đề bắt nguồn từ thời kỳ của Tổng thống Ferdinand Marcos (cha) khi ông đã ưu tiên cho bạn bè, thân hữu kinh doanh ngành lúa gạo và nông nghiệp.

Tuy nhiên, ngân sách quốc gia hạn chế có thể là trở ngại lớn cho kế hoạch mở rộng cảng đầy tham vọng mà Bộ trưởng Laurel vừa tuyên bố – theo nhà kinh tế trưởng Roces.

“Việc biến tầm nhìn này thành hiện thực đòi hỏi phải vượt qua các rào cản tiềm ẩn. Chẳng hạn như các hạn chế về ngân sách và tình trạng quan liêu của chính quyền địa phương. Để vượt qua những thách thức này, việc khám phá quan hệ đối tác công-tư hoặc thu hút đầu tư nước ngoài có thể là cần thiết”, ông Roces nói.

Miguel Chanco, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á mới nổi của hãng tư vấn Pantheon Macro Economics có trụ sở tại Anh, cũng tỏ ra hoài nghi về nguồn tài chính, lưu ý rằng việc tìm đối tác tư nhân cho các cảng có thể khó khăn.

Theo Nikkei Asia, Reuters, USDA, baochinhphu

Ricky Hồ / BSA Media

Hồng Kông quyết định vẫn mở sàn chứng khoán trong điều kiện thời tiết xấu