Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan: ‘Hàng Việt Nam Chất lượng cao là một hệ sinh thái đặc biệt’
Đánh giá cao hệ sinh thái Hàng Việt Nam Chất lượng cao (HVNCLC) và hệ sinh thái khởi nghiệp BSA, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cho rằng đây là hai hệ sinh thái đặc biệt, đã đặt được những nền móng vững chắc và tương đối đầy đặn để có thể tự tin bước vào kỷ nguyên mới, với trí tuệ nhân tạo (AI) và nền kinh tế trải nghiệm.
Ông đã có một hành trình rất dài dõi theo sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp HVNCLC, nhân dịp Lễ Công bố HVNCLC 2025 – Do người tiêu dùng bình chọn, ông có điều gì muốn gửi gắm đến cho chương trình cũng như cộng đồng doanh nghiệp?
Ông Lê Minh Hoan: Tôi rất tiếc đã không thể trực tiếp tham dự được buổi Lễ Công bố lần này. Tôi nghĩ rằng đó là một hành trình dài mà tôi đã theo đuổi. Có thể nói một cách không khách sáo rằng, chính hành trình song hành cùng hệ sinh thái HVNCLC – Do người tiêu dùng bình chọn và hệ BSA đã cung cấp cho tôi rất nhiều kiến thức, nhiều cách tư duy, nhiều cách tiếp cận mới.
Có thể nói tôi đã nhận được quá nhiều, nhất là về cách tư duy về kinh tế đất nước, thông qua chương trình HVNCLC, thông qua những gì hệ sinh thái BSA đã kiến tạo nên. Tôi đã nhìn thấy được những giá trị tiềm ẩn của đất nước thông qua chương trình HVNCLC, từ triết lý, cách tiếp cận, cách lan tỏa.
Tôi không nhìn ở sản phẩm cụ thể mà nhìn với tư duy của một cộng đồng, một hệ sinh thái các doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp khởi nghiệp và những doanh nghiệp hỗ trợ khởi nghiệp. Đó là một hệ sinh thái đặc biệt. Đến thời điểm này, tôi nghĩ rằng chúng ta đã có một hệ sinh thái bao trùm toàn diện, không chỉ những doanh nghiệp, mà còn là các chuyên gia tư vấn, không chỉ trong mà còn cả ngoài nước.
Nói riêng về khởi nghiệp, từ Cà Mau cho đến Hà Giang đều có những hình ảnh tiêu biểu sản sinh ra từ hệ sinh thái HVNCLC và hệ sinh thái khởi nghiệp BSA. Đó là một câu chuyện đầy cảm xúc, khi chúng ta thay đổi tư duy quản trị đất nước, từ bao cấp sang thị trường, từ tư duy sản xuất sang kinh tế. Có thể vẫn có những chỗ này chỗ kia thất bại, nhưng rõ ràng ngọn lửa lúc nào cũng được khơi lên. Tôi đi rất nhiều địa phương, gặp các bạn trẻ từ vùng Tây Bắc cho đến Cà Mau, Tây Nguyên, tất cả đều nhắc đến HVNCLC, nhắc đến hệ sinh thái khởi nghiệp BSA. Tôi cảm nhận được chúng ta đã đặt được những nền móng một cách vững chắc và tương đối đầy đặn.
KỂ CHUYỆN ĐỂ ĐỊNH VỊ MÌNH TRONG THẾ GIỚI 8 TỶ NGƯỜI
Một trong những hoạt động rất lớn của Hội DN HVNCLC là xúc tiến, quảng bá cho hàng Việt. Bản thân ông cũng là người quan tâm và gần đây còn trực tiếp viết các bài “Kể chuyện sản phẩm” để quảng bá cho hàng Việt. Từ đâu ông có động lực nào để ông làm việc này?
Ông Lê Minh Hoan: Có lẽ có đến 90% các bài viết của tôi đều bắt đầu bằng các câu chuyện về một sản phẩm nào đó. Bởi vì người Việt Nam chúng ta rất thích kể chuyện, khi gặp nhau đều kể một câu chuyện nào đó, như các câu hò, vè, cổ tích, ngụ ngôn.
Từ những câu chuyện đó người ta mới nhớ dai. Nhớ là điểm cốt yếu mà mỗi người bán hàng phải hướng tới. Hiện chúng ta có quá nhiều các sản phẩm tương đồng để người ta lựa chọn, không chỉ trong nước mà còn có những sản phẩm nước ngoài.
Chúng ta có trà thì người Trung Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka cũng có trà. Chúng ta có dừa thì người Thái Lan cũng có dừa. Chúng ta có sầu riêng thì người Thái Lan cũng có sầu riêng. Bán hàng là bán cảm xúc, do đó để kể một câu chuyện mà tạo ra được cảm xúc thì chúng ta sẽ dễ đi đến thành công. Con người hữu hạn về tiền bạc và hữu hạn về cả sự chú ý, người ta đã chú ý cái này thì không thể chú ý cái khác. Thời gian của người ta cũng hữu hạn, người ta đã đến trải nghiệm ở doanh nghiệp này thì không còn thời gian để trải nghiệm ở doanh nghiệp nghiệp khác.
Thế giới 8 tỷ người, biết bao nhiêu doanh nghiệp cũng như chúng ta, không chỉ Thái Lan mà còn Indonesia, Campuchia… làm sao mình có thể vượt lên người ta, bằng câu chuyện. Câu chuyện của người tạo ra sản phẩm. Anh tạo ra sản phẩm để bán lấy tiền, hay tạo ra sản phẩm mang đến giá trị dinh dưỡng, sức khỏe cho cộng đồng, tạo ra sản phẩm không ảnh hưởng đến môi trường… Trong xu hướng người tiêu dùng xanh hiện nay thì nhiều khi những giá trị đó bao bì nhãn mác không lột tả hết được, khi đó mình phải kể được câu chuyện của mình.
Để định vị, đứng chân trong thế giới này thì anh phải tư duy thế nào. Chẳng hạn, có bài tôi viết về tơ chuối. Nếu chỉ bán tơ chuối để làm túi hay áo quần gì đó thì quá đơn giản. Nhưng nếu chúng ta lại nói được rằng cái tơ chuối này nếu không sử dụng thì những bẹ chuối bị bỏ đi sẽ gây ô nhiễm môi trường. Nếu chúng ta phân tích được thêm rằng sự ô nhiễm này có thể tạo ra khí metan tác động đến chuyện biến đổi khí hậu nữa… thì khi đó tầng giá trị của câu chuyện chúng ta kể sẽ nâng thêm lên được một nấc nữa. Tôi hay nhắc các bạn trẻ mình đang làm được những chuyện như thế thì mình phải biết cách kể cho người ta nghe, mỗi câu chuyện để người ta nhớ.
Nhiều khi người ta không nhớ được tính năng, dược tính hay độ ngon của sản phẩm, nhưng người ta lại nhớ được câu chuyện của mình, nhất là câu chuyện về con người, con người chủ thể tạo ra sản phẩm. Bởi vì kỳ cùng quan hệ của chúng ta là con người với con người chứ không phải con người và sản phẩm.
BƯỚC VÀO NỀN KINH TẾ TRẢI NGHIỆM VỚI ‘ĐÔI CÁNH’ AI
Ở cương vị Phó Chủ tịch Quốc hội – cơ quan lập pháp, trường quan tâm của ông có lẽ cũng sẽ khác so với trước đây, ông có muốn gửi gắm điều gì khác đến cộng đồng doanh nghiệp, nhất là cộng đồng doanh nghiệp HVNCLC?
Ông Lê Minh Hoan: Giai đoạn vừa qua chúng ta đã làm tốt, nhưng sắp tới thì phải tốt hơn nữa. Hiện tôi được phân công công tác trong một cơ quan lập pháp, nhưng thực ra đó là một chuỗi không độc lập mà có tính liên quan đến nhau. Nói riêng về góc độ lập pháp, Hệ sinh thái HVNCLC hay hệ sinh thái khởi nghiệp BSA, có thể là đơn vị không chỉ tư vấn cho các doanh nghiệp, doanh nông khởi nghiệp mà còn có thể tư vấn chính sách trong bối cảnh mà Tổng bí thư vừa đưa ra thông điệp đẩy mạnh kinh tế tư nhân như một trong những quyết sách hàng đầu để phát triển kinh tế. Doanh nghiệp HVNCLC và các doanh nghiệp khởi nghiệp trong hệ sinh thái BSA chính là một góc của kinh tế tư nhân.
Do đó, tôi mong muốn thứ nhất Hội DN HVNCLC và Trung tâm BSA sẽ trở thành một không gian để khuyến nghị chính sách, để làm sao chúng ta thúc đẩy tạo ra thêm nhiều sản phẩm HVNCLC để cạnh tranh với thế giới, hay làm sao thúc đẩy tạo ra nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp.
Hoặc là chúng ta có thể trở thành một không gian tư vấn ở cấp độ cao hơn. Kinh tế hiện nay không chỉ là cung – cầu theo kinh tế học cổ điển, mà là kinh tế trải nghiệm, giải trí. Chính tầng nấc kinh tế đó sẽ viết tiếp câu chuyện về sản phẩm khởi nghiệp hay sản phẩm HVNCLC. Nếu chúng ta tiếp cận nó ở góc độ của trí tuệ nhân tạo nó sẽ thúc đẩy hàng Việt đi lên, bằng cách tìm ra các từ khóa tốt hơn, giảm chi phí sản phẩm. Trí tuệ nhân tạo có thể gợi ý cho chúng ta từ một nguyên liệu tạo ra rất nhiều sản phẩm, không chỉ thực phẩm, mà có thể là dược phẩm, sản phẩm dinh dưỡng…
Chúng ta có thể tìm các chuyên gia để nhìn sản phẩm từ những góc độ như thế. Thông qua đó, chúng ta có thể khuyến nghị Nhà nước làm sao để trí tuệ nhân tạo có thể trở thành sản phẩm đời sống bình thường, mỗi doanh nghiệp có thể tối ưu hóa sản phẩm và nâng cao giá trị sản phẩm của mình. Tôi đặt hàng Hội DN HVNCLC và Trung tâm BSA để làm tất cả việc này. Tôi tin rằng với đội ngũ hiện nay các bạn có thể làm được.
Cuối cùng, tôi xin chúc mừng 562 doanh nghiệp HVNCLC 2025 – Do người tiêu dùng bình chọn tiếp tục phát triển bền vững, giữ vững niềm tin của người tiêu dùng!