Thái Lan đã bắt đầu thực hiện các gây mưa nhân tạo và áp dụng các biện pháp chống hạn hán trước khi phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nước tưới nông nghiệp. Lượng mưa trên khắp Thái Lan đã ít đi do biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến Thái Lan và các nước Đông Nam Á phải đối mặt với thời tiết khô hạn.
Sản lượng lúa gạo, sầu riêng sụt giảm
Chính phủ Thái Lan đã tiến hành các hoạt động gây mưa nhân tạo tại tỉnh Lop Buri trong tuần rồi, theo Bangkok Post. Các họat động dùng máy bay gây mưa nhân tạo sẽ được tiến hành thường xuyên hơn tùy thuộc vào dự báo thời tiết.
Các nhà khí tượng học và các nhà kinh tế lo ngại rằng hạn hán kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nông nghiệp vốn thâu dụng đến 40% dân số và tạo ra 10% GDP của đất nước này. Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan ước tính sản lượng gạo sẽ giảm xuống 25,8 triệu tấn trong hai năm 2023-2024, giảm hơn 3% so với niên vụ trước. Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn thuộc Ngân hàng Kasikorn dự báo mức sụt giảm đến 6%, khiến sản lượng lúa chỉ trong mùa vụ tới chỉ còn 25 triệu tấn.
Tương tự là xuất khẩu sầu riêng. Năm ngoái, xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan đạt 110 tỷ baht (3,1 tỷ USD), trong khi xuất khẩu gạo đạt 130 tỷ baht (3,51 tỷ USD). Sản lượng đường mía của Thái Lan trong năm nay dự kiến chỉ đạt 70-80 triệu tấn, giảm từ con số 94 triệu tấn của năm ngoái.
Thái Lan thường chịu cảnh lũ lụt trong mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm, nhưng lượng mưa năm nay đã giảm đáng kể. Theo Cục Thủy lợi Hoàng gia, các đập và hồ chứa chỉ đầy 54%, lưu trữ khoảng 28,3 tỉ mét khối nước tưới tính đến hôm 3-10.
Thái Lan đã khai thác công nghệ tạo mưa cho các mục đích khác nhau, chẳng hạn như ngăn chận và chữa cháy các đợt cháy rừng, lọc bụi mịn trong không khí (PM2.5). Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực gây mưa nhân tạo. Theo dự báo của một nhà khí tượng học Nhật Bản, nhiệt độ dự kiến sẽ ấm hơn bình thường cho đến tháng 2-2024.
Trong quá trình tạo mây, bạc iodide (Agl – hợp chất giữa bạc và iode) và các chất hóa học khác được phun phân tán vào các đám mây để hơi nước ngưng tụ, tạo mưa. Trung Quốc và các nước Trung Đông nằm trên bán đảo Ảrập khô cằn thực hiện trung bình hàng trăm hoạt động tạo mây mỗi năm. Tuy nhiên, công nghệ này phải đối mặt với những thách thức, chẳng hạn như khó khăn trong việc xác định nơi mưa sẽ rơi và kiểm soát lượng nước mưa trút xuống.
Đông Nam Á tăng cường đối phó El Nino
Hồi tháng 6, các nhà khí tượng học Indonesia dự báo rằng nước này có thể đối mặt với tình trạng El Nino tương tự như năm 2019. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), El Nino gây thiệt hại khoảng 5,2 tỉ đô la cho kinh tế Indonesia trong năm 2019 do các đợt cháy rừng, khiến đất canh tác bị hủy hoại.
Cũng trong tháng 6, Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia Malaysia cũng thực hiện các đợt gây mưa nhân tạo ở khu vực phía bắc bán đảo Malaysia nơi được Cục Khí tượng Malaysia cảnh báo rằng nguồn cung cấp nước cho các hồ đập bị cạn kiệt do không mưa. Khu vực này bao gồm Penang, trái tim của ngành công nghệ chip của Malaysia vốn phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước. EL Nino cũng có thể khiến sản lượng dầu cọ niên vụ 2024 của nước này sụt giảm ba triệu tấn, từ mức 18,45 triệu tấn của năm 2022.
Trong khi đó, El Nino gia tăng áp lực an ninh lương thực với Philippines (vốn là nước nhập khẩu lương thực, khi sản lượng lúa và bắp giảm hơn 1%. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. của Philippines đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tiết kiệm trong việc đương đầu với El Nino, đặc biệt ở các tòa nhà dân sự, tiệm rửa xe, sân golf và hồ bơi.
Trong khi đó, Singapore tăng cường giám sát các đám cháy rừng ở Malaysia và Indonesia bởi khói từ các đám cháy này có thể bay lan sang Singapore, gây ra nạn khói mù làm tăng bệnh đường hô hấp.
Ricky Hồ / BSA Media