Cuộc khủng hoảng cà phê đang lan rộng ở châu Âu, để lại các kệ hàng trống trơn ở siêu thị nhiều nước.
Các nhà bán lẻ lớn của Hà Lan như Albert Heijn và Jumbo cho đã ngừng dự trữ một số sản phẩm từ gã khổng lồ JDE Peet’s NV — hãng sản xuất một số thương hiệu phổ biến nhất châu Âu. Tình hình tương tự ở các siêu thị ở Đức như Edeka và Aldi Nord.
Giá cà phê arabica và robusta đã tăng gần gấp đôi trong năm qua, do thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng đến mùa màng ở Brazil và Việt Nam – hai nước sản xuất cà phê chính trên toàn cầu.
Tình hình này đang gây áp lực lên các nhà rang xay và ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Các nhà sản xuất như Folgers J.M. Smucker Co. đã tăng giá, Nestlé SA đang đóng gói nhỏ hơn, Pret A Manger đã hủy bỏ chương trình đồ uống “miễn phí”. Giờ đây các nhà bán lẻ phản đối nỗ lực tăng giá của các nhà rang xay. Các cuộc đàm phán đang đôi co, khiến một số sản phẩm biến mất khỏi các kệ hàng ở một số siêu thị.
“Các nhà rang xay cà phê đang cố gắng tăng giá đối với các siêu thị, và các siêu thị về cơ bản đang nói ‘Không’,” theo lời Cyrille Filott, chiến lược gia toàn cầu về thực phẩm tiêu dùng, đóng gói và hậu cần tại Rabobank.
Hạt cà phê chiếm khoảng 70% chi phí của các nhà rang xay, và việc tăng giá mạnh gần đây là một thách thức, Anders Fredriksson, CEO của hãng cà phê Thụy Điển Löfbergs nói.
Jumbo cho biết một số sản phẩm của JDE Peet’s tạm thời không có sẵn do đàm phán giá cả, nhưng họ hy vọng sẽ có đủ các mặt hàng trở lai trong thời gian sớm nhất. Albert Heijn cho biết đang đàm phán với nhà rang xay Hà Lan và không phải tất cả các sản phẩm của JDE hiện đều có sẵn trong cửa hàng. Siêu thị trực tuyến Picnic của Hà Lan cho biết họ đã hủy niêm yết các thương hiệu của JDE.
“Các nhà cung cấp thương hiệu A muốn tăng lợi nhuận bằng cách buộc người tiêu dùng móc thêm tiền. Các cuộc đàm phán sẽ kéo dài nếu bên chào hàng không thể chứng minh việc tăng các chi phí cơ bản là hợp lý”, đồng sáng lập Picnic Michiel Muller cho biết.
Truyền thông Đức đưa tin vào đầu năm nay rằng các sản phẩm như cà phê Jacobs không còn được bổ sung trên kệ của Aldi Nord, và một số sản phẩm bị thiếu ở một số cửa hàng Edeka. Aldi cho biết họ không cung cấp thông tin về mối quan hệ với nhà cung cấp và Edeka từ chối bình luận.
JDE Peet’s, công ty sở hữu các thương hiệu Jacobs, Douwe Egberts và L’OR, cho biết các cuộc đàm phán với một số nhà bán lẻ ở Hà Lan và Đức đang diễn ra “lâu hơn chúng tôi mong đợi”, nhưng họ đã hoàn tất đàm phán được 80% doanh số bán hàng vào giữa tuần trước.
“Hầu hết các nhà bán lẻ đều hiểu rằng cà phê là một mô hình chuyển giao chi phí. Thực tế là việc tăng giá đáng kể là không thể tránh khỏi”, CEO Rafael Oliveira của JDE Peet’s nói trong buổi báo báo cáo kinh doanh tuần rồi.
Công ty cho biết họ tiến hành đàm phán với hầu hết các nhà bán lẻ hàng năm, nhưng đôi khi phải làm việc này thường xuyên hơn nếu điều kiện thị trường thay đổi.
Vị thế vững chắc của JDE Peet’s trên thị trường theo truyền thống đã cho phép họ chuyển chi phí lớn hơn cho các nhà bán lẻ, theo Michiel Declercq, một nhà phân tích tại KBC Securities. Nhưng mức độ tăng giá kể từ cuối năm ngoái có nghĩa là các cuộc đàm phán giá năm nay sẽ đầy thách thức, ông nói.
“Nếu bạn có mức tăng giá 70% thì bạn không thể làm gì khác ngoài việc tăng giá ít nhất 20% để giữ lợi nhuận ổn định,” Declercq nói.
Tình trạng gián đoạn đơn hàng đang xảy ra ở một vài nơi khác ở châu Âu. Tờ Belga của Bỉ đưa tin tuần trước rằng tập đoàn bán lẻ Colruyt đã giải quyết các cuộc đàm phán với Jacobs Douwe Egberts, sau khi ngừng đặt hàng do các vấn đề về giá cả.
Đầu tháng 2 vừa rồi, nhà rang xay Ý Illycaffe SpA nói có khả năng giá bán lẻ có thể tăng tới 25% trong vài tháng tới.
Đó là tin không mấy vui vẻ đối với những người yêu thích cà phê vốn đang chịu áp lực chi phí sinh hoạt gia tăng.
“Cà phê chắc chắn sẽ đắt hơn. Câu hỏi là đắt hơn bao nhiêu” ,” Filott của Rabobank nói.
Theo Bloomberg
Ricky Hồ / BSA Media