Startup giáo dục Singapore số hóa trường học, trường dạy kèm ở Việt Nam

Manabie vào thị trường Việt Nam năm 2020, Manibie hiện điều hành 30 trung tâm dạy kèm. Ảnh: Manabie

Manabie International đang có kế hoạch mở rộng dịch vụ số hóa trường học và các trung tâm dạy kèm tại Việt Nam và Philippines vào cuối năm nay. Hình thành năm 2019, Manabie có trụ sở tại Singapore, nhưng điều hành từ Nhật Bản. Manabie nói Đông Nam Á là thị trường tiềm năng cho startup công nghệ giáo dục này.

Manabie bước vào thị trường Việt Nam năm 2020. Đây là thị trường nước ngoài đầu tiên của Manabie. Startup đã phát triển hệ thống máy tính riêng, phục vụ cho chuỗi 30 trường dạy kèm tại Việt Nam. Nhà sáng lập Tokuya Homma nói học sinh Việt Nam đi học thêm là phổ biến, bởi áp lực và cạnh tranh thi cử gay gắt. Học phí tại các trường luyện thi Manabie ở Việt Nam khoảng 25-30 đô la/môn/tháng. Manabie hiện phục vụ 13.000 học sinh và Homma hy vọng đạt 20.000 trong năm nay, hướng tới 100.000 học sinh tại 200 trường luyện thi trong 3-4 năm tới.

Giải pháp số hóa toàn diện:

Manabie có nghĩa là “học tập” trong tiếng Nhật, với tiêu chí dạy học xuất phát từ giáo viên nhưng thực học là từ học sinh.

Manabie nổi tiếng với việc điều hành các trường luyện thi, cung cấp bộ sản phẩm và dịch vụ số toàn diện, như bài tập, tài liệu giảng dạy, theo dõi tiến độ học sinh, bảng chấm công giáo viên và quản lý chương trình học.

Vừa gọi được 3,3 tỉ yen (23 triệu đô la) vốn đầu tư, Manabie sẽ đẩy mạnh ứng dụng AI cho các mục đích tự học. CEO Takuya Homma của Manabie nói mục tiêu của công ty khởi nghiệp là “số hóa môi trường giáo dục càng nhiều càng tốt”.

Dược thiết kế để đẩy nhanh chuyển đổi số trong các trường học và trung tâm luyện thi, hệ thống của Manabie sẽ giúp tinh gọn công việc của giáo viên. Ví dụ, chức năng nhắn tin giúp giao tiếp với phụ huynh, chia sẻ lịch học và hay nhắc đóng học phí. Hệ thống cũng lưu giữ dữ liệu điểm số và mức độ chuyên cần của học sinh.

AI được kỳ vọng sẽ giảm tải công việc cho giáo viên và tổ chức việc học của học sinh, giúp ngành giáo dục vốn có nhiều đơn vị nhỏ lẻ trở nên hiệu quả hơn. Hệ thống của Manabie đã được các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục lớn của Nhật Bản như Z-kai và Riso Kyoiku.

Cá nhân hóa việc học bằng AI:

Homma nói rằng, so với các đối thủ khác, thế mạnh của Manabie là hệ thống “tất cả trong một”, bao gồm từ các công việc đặc thù của giáo viên đến việc tạo bài tập về nhà tùy sức học của học sinh. Hệ thống của Manabie phân tích kết quả bài kiểm tra và tạo bài tập về nhà riêng, bao gồm các câu hỏi học sinh chưa trả lời đúng và những phần các em gặp khó khăn.

Manabie còn có chức năng gia sư AI, giúp học sinh tự học và làm bài tập về nhà. Chatbot GenAI (AI tạo sinh) có thể trả lời câu hỏi của học sinh theo thời gian thực (từ văn bản và hình ảnh bài toán), xử lý các truy vấn từ cấp tiểu học đến đại học. “Học viên có thể hỏi ngay lập tức khi không hiểu câu trả lời, dù ở trong lớp hay ở nhà”, Homma nói. Vị CEO hình dung về một tương lai không xa khi “AI sẽ chấm điểm học sinh và tạo tài liệu giảng dạy”.

CEO Tokuya Homma: “Manabie muốn áp dụng và mở rộng thành công mô hình trường dạy kèm Nhật Bản tại các nước Đông Nam Á”. Ảnh: Manabie

Kế hoạch mở rộng:

Thị trường công nghệ giáo dục toàn cầu ước đạt 163,49 tỉ đô la trong năm 2024 và dự kiến tăng trưởng với tốc độ kép (CAGR) hàng năm là 13,3% từ 2025 đến 2030, theo Grand View Research.

Manabie không tiết lộ thông tin tài chính chi tiết, nhưng số lượng người đăng ký trả phí tại thị trường chính Nhật Bản đã tăng gấp sáu lần so với năm 2022. Tại Nhật, ngành luyện thi do 19 nhà điều hành lớn chiếm hai phần ba tổng doanh thu trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3-2024, theo Tokyo Shoko Research. Thị trường cũng luôn có thêm nhiều trung tâm mới mở cửa hoạt động, cạnh tranh gay gắt.

Cuối năm nay, Manabie dự kiến mở rộng sang Philippines – xứ đảo có hơn 110 triệu dân, đứng thứ hai ở ASEAN, với độ tuổi trung bình là 25,3 tuổi. Homma đặt mục tiêu bán hệ thống của Manabie cho các trường quan tâm đến số hóa và đang tìm kiếm đối tác địa phương như các tập đoàn, công ty giáo dục và viễn thông.

Homma cũng đang cân nhắc kế hoạch niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Nhật Bản trong tương lai.

Theo Nikkei Asia, BSA Media

Ricky Hồ