Startup Hồng Kông đổ về Thâm Quyến tìm cơ hội

Lu Xinyi - một trong những doanh nhân - đang làm việc tại vườn ươm Bays Work tại Thâm Quyến. Ảnh: Nikkei Asia

Thâm Quyến như thỏi nam châm thu hút nhân tài từ Hồng Kông đến lập nghiệp.

Năm 2021, Sisley Cheng và một đối tác đã đầu tư 10 triệu nhân dân tệ (1,4 triệu USD theo tỷ giá hiện tại) để ra mắt vườn ươm khởi nghiệp Bays Work tại Thâm Quyến.

Cơ sở rộng 3.700m2, có quán cà phê và khu vực ngắm mèo để thư giãn. Hiện có khoảng 50 startup làm việc tại đây, chủ yếu trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và các vấn đề môi trường và xã hội. Mỗi công ty sử dụng trung bình khoảng 7-8 nhân viên, nhiều người trong số họ là người Hồng Kông ở độ tuổi 20.

Cheng chuyển đến Hồng Kông từ đại lục cùng gia đình khi cô 9 tuổi và vẫn giữ hộ chiếu Hồng Kông. Tại xứ cảng, cô điều hành một công ty thu gom và xử lý các thiết bị điện tử bị lỗi, đồng thời đầu tư vào các công ty công nghệ. Khi tham gia một sự kiện kết nối được tổ chức tại Thâm Quyến, Cheng nhận ra sự hấp dẫn của Thâm Quyến và quyết định chuyển đến đây.

“Hồng Kông có sự phân biệt đối xử hay phân chia đẳng cấp rõ rệt, với các tổ chức tài chính và công ty thương mại ở vị trí cao nhất. Chúng tôi có ít cơ hội làm quen với các công ty lớn. Còn tại Thâm Quyến, mối quan hệ giữa các công ty lớn, các công ty khởi nghiệp và các quan chức chính phủ rất bình lặng”, Cheng nói.

Tháng 4-2023, Lui Yan Yi Amy, một doanh nhân tại Bays Work, đã thành lập một công ty để giám sát quá trình phát triển và sản xuất máy ảnh Yashica vốn là một thương hiệu Nhật Bản trước đó. Lui chọn Thâm Quyến vì nơi đây “có nhiều cơ hội như một trung tâm công nghệ và khởi nghiệp”.

Lui sinh ra ở Hồng Kông, học trung học ở Anh và tốt nghiệp một trường cao đẳng tại Úc vào năm 2022. Nhiều người đã chọn rời khỏi xứ cảng, nhưng Lui đã chọn trở về Hồng Kông, rồi sau đó dọn sang Thâm Quyến. “Kinh tế toàn cầu không dễ dàng tách rời khỏi Trung Quốc. Tôi muốn tự mình chứng kiến mọi thực tế”.

Thâm Quyến đã phát triển thành một trung tâm công nghiệp công nghệ sau chính sách cải cách và mở cửa của nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, một phần là nhờ vị trí gần trung tâm tài chính và thương mại Hồng Kông. Hiện tại, thành phố này có GDP cao hơn Hồng Kông và dân số tăng gấp đôi với 17 triệu người.

Thâm Quyến nhanh chóng rút ngắn khoảng cách về mọi mặt với Hồng Kông.

Thành phố này cách Hồng Kông một giờ đi tàu điện ngầm hoặc xe buýt, và chưa đầy 20 phút đi tàu cao tốc. Từ tháng 1 đến tháng 5-2024, số người qua cửa khẩu biên giới từ Hồng Kông đến Thâm Quyến đã tăng gấp đôi, đạt 31,44 triệu. Nhiều người đến đó để mua đồ ăn và dịch vụ giá rẻ.

Doanh nhân Roger Yiu có văn phòng tại một cơ sở do chính quyền Thâm Quyến thành lập dành cho các doanh nhân trẻ từ Hồng Kông và Macao. Công ty của anh, Team Concepts, sản xuất máy theo dõi sinh trắc học đeo cổ tay và phần mềm cho công nhân xây dựng và nhà máy để tránh tai nạn và các rủi ro khác.

Giống như Lui, sau khi tốt nghiệp trung học, Yiu đi Mỹ và học chuyên ngành kinh tế và kỹ thuật điện và rồi trở về Hồng Kông để khởi nghiệp.

Yiu cho biết anh chuyển đến Thâm Quyến vì thành phố này có “chuỗi cung ứng linh kiện điện tử đã được thiết lập, tốc độ và hiệu quả về chi phí sản xuất là đặc biệt”. Team Concepts đạt doanh số hàng triệu nhân dân tệ mỗi năm, chủ yếu với các công ty cơ sở hạ tầng ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục. Yiu đặt mục tiêu tăng doanh thu lên hàng chục triệu nhân dân tệ.

Chính phủ Trung Quốc và chính quyền Thâm Quyến luôn hỗ trợ cho các doanh nhân Hồng Kông hội nhập sâu hơn với Thâm Quyến, bao gồm cả kế hoạch phát triển lớn hơn dành cho tam giác Hồng Kông, Macau và bảy thành phố của Quảng Châu, thường được gọi là Greater Bay Area.

“Theo quan điểm của tôi, Thâm Quyến giống như một quận của Hồng Kông. Tôi nghĩ nơi đây có rất nhiều cơ hội cho những người trẻ từ Hồng Kông “, theo Kong Fanxi, người điều hành Diandiantong Supply Chain Technology điều hành nền tảng thương mại điện tử kết nối nông dân trồng ngô với các nhà chế biến và người bán.

Kong chuyển đến Thâm Quyến hơn 30 năm trước cùng cha mẹ khi cô mới 4 tuổi. Sau khi tốt nghiệp một trường đại học ở Anh và làm việc tại một ngân hàng đầu tư ở Hồng Kông, Kong đã thành lập Diandiantong tại Thâm Quyến vào năm 2018. Cô vẫn giữ quốc tịch Hồng Kông và điều hành công ty cùng với người chồng người Đài Loan của mình.

Công ty đã phát triển ổn định, thu hút được những khách hàng lớn như Coca-Cola. Kỹ sư phần mềm đóng vai trò quan trọng. “Thâm Quyến có rất nhiều kỹ sư, vì vậy rất dễ tuyển dụng. Chi phí lao động chỉ bằng một phần ba so với Hồng Kông”, cô nói.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng của Thâm Quyến chậm lại trong các năm Covid-19 nhưng thành phố này đã hồi phục, thu hút hơn nữa nhân tài khắp nơi. Nhiều người Hồng Kông đã mô tả đặc khu là “theo truyền thống và chậm đổi mới”.

Theo Nikkei Asia, China Daily

Các hãng dược toàn cầu đầu tư lớn vào sản xuất thuốc ở Singapore