Startup CarbonEthics chuyên mua bán tín chỉ carbon ở Indonesia có kế hoạch niêm yết sản phẩm trên các thị trường quốc tế như Singapore và Tokyo. Startup này hy vọng rằng các dự án biển và ven biển độc đáo của xứ vạn đảo sẽ thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp toàn cầu.
Thành lập năm 2019, CarbonEthics cung cấp các dự án bù đắp carbon dựa vào thiên nhiên dành cho các công ty muốn bù đắp lượng khí thải ra. Các dự án của họ tập trung vào “carbon xanh dương”, được cánh rừng ngập mặn và cỏ biển (cói) hấp thụ.
Giám đốc dự án Jessica Novia của CarbonEthics nói rằng startup đang phát triển rừng ngập mặn và các dự án khác sẽ được công nhận là tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế trong những năm tới. Dự kiến CarbonEthics sẽ có thể bán các tín chỉ carbon từ năm 2026 trở đi.
Ở châu Á, Singapore đã đi tiên phong trong việc kinh doanh tín chỉ carbon với tham vọng trở thành trung tâm toàn cầu giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo cũng bắt đầu giao dịch các tín chỉ carbon được chính phủ chứng nhận vào tháng 10.
Novia cho biết việc niêm yết tại Singapore là “có thể” và cho biết thêm rằng công ty của cô cũng đang xem xét thị trường Tokyo. Novia nói startup cần tìm hiểu xem Nhật Bản có chấp nhận các tín chỉ carbon của CarbonEthics hay không.
Tính đến năm 2023, CarbonEthics đã giúp hấp thụ 12.500 tấn CO2 qua các dự án rừng ngập mặn ở tỉnh Maluku phía đông Indonesia và cánh đồng lúa trên đảo Java. Startup đặt mục tiêu giành được 10% thị phần tín chỉ carbon ở Indonesia vào năm 2030. “Indonesia có trữ lượng carbon xanh lớn nhất trên toàn cầu. Đây là lợi thế cạnh tranh của Indonesia khi tập trung vào carbon xanh”, Novia nói.
Các hoạt động kinh doanh tư vấn về thị trường tín chỉ carbon và lợi nhuận từ dịch vụ trồng rừng ngập mặn hiện là nguồn doanh thu chính của CarbonEthics. Novia cho biết việc bán trực tiếp các tín chỉ bù đắp carbon thông qua các dự án thiên nhiên mà không thông qua thị trường tín chỉ carbon cũng sẽ tạo doanh thu trong năm nay trong bối cảnh các doanh nghiệp ngày càng chịu áp lực về bù đắp khí phát thải.
Chính phủ Indonesia dự kiến sẽ thực hiện thuế carbon với ngành khai thác mỏ vào năm tới. Vì thế, nhu cầu bù đắp carbon của ngành khai thác mỏ sẽ gia tăng, ngoài nhu cầu hiện có của các ngành như hậu cần, ngân hàng, dầu khí.
CarbonEthics đặt mục tiêu tạo ra lượng tín chỉ carbon trị giá 150 triệu tấn. Để đạt được điều này, công ty dự định phát triển các dự án bù đắp ở các quốc gia Đông Nam Á khác từ năm 2026. Novia nói mở rộng sang các thị trường Đông Nam Á khác là một phần trong chiến lược tăng trưởng của CarbonEthics.
Theo Nikkei Asia, One Young World
Ricky Hồ / BSA Media
Đồng yen mất giá, thanh niên Nhật có xu hướng tìm việc ở nước ngoài