Startup công nghệ thực phẩm Prefer của Singapore tạo ra bột cà phê rang xay bằng cách thức rất độc đáo mà không sử dụng hạt cà phê: công nghệ lên men các loại thực phẩm dư thừa, như bánh mì chẳng hạn. Bột cà phê của Prefer được mặc định là loại không có caffeine (loại decaf). Sản phẩm mang lại trải nghiệm cà phê, nhưng với lượng khí thải CO2 chỉ bằng 10% so với cách thức canh tác và sản xuất cà phê thông thường.
Thành công của loại cà phê không hạt Prefer Bean-free Coffee một lần nữa định nghĩa lại cà phê bền vững, bên cạnh quy định không phá rừng để trồng cà phê theo quy định mới nhất của EU hay lợi nhuận công bằng hơn cho nông dân trồng cà phê.
“Tái chế sáng tạo” ra cà phê
Cách thức tạo ra cà phê ít phát thải hay tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có đang là miền đất đầy hứa hẹn của ngành foodtech. Prefer đã giải quyết tốt bài toán nhiều lời giải: Bán loại cà phê decaf cho người muốn uống cà phê nhưng không muốn đưa caffeine vào cơ thể. Đồng thời, bán loại cà phê có nồng độ caffeine như mong muốn của người uống.
Jake Berber và Tan Ding Jie là hai nhà khoa học, nhà đầu tư và đồng sáng lập startup sản xuất loại bột cà phê mới. Hôm 22-2, theo Tech in Asia, Prefer đã công bố huy động thành công 2 triệu đô la Mỹ trong vòng gọi vốn hạt giống do quỹ Forges Ventures dẫn dắt, với sự tham gia của 500 Global, Seeds Capital và Entrepreneur First. Chuỗi cà phê Pickup Coffee của Philippines sẽ hợp tác với Prefer để giới thiệu loại cà phê mới khắp thị trường Đông Nam Á.
Loại cà phê mới của Prefer dựa trên các nguyên lý sản xuất cà phê hòa tan được phát minh từ thế kỷ 18-19. Tuy vậy, công nghệ lên men và tái sử dụng các nguyên liệu dư thừa là nét mới của loại cà phê này.
Prefer sẽ dùng công nghệ lên men các loại thực phẩm dư thừa, như vụn bánh mì, bột đậu nành từ chuỗi sữa đậu nành Mr Bean hay lúa mạch còn dư thừa từ nhà máy bia địa phương như The 1925 Brewing Co và Brewerkz. Công nghệ lên men sẽ đảo ngược, làm lộ ra các phân tử hương thơm chính của cà phê. Sau đó, bột này được rang lần nữa và xay nhuyễn như bột cà phê giao cho khách hàng. Toàn bộ quá trình chỉ mất 48 tiếng, trong khi quá trình trồng cà phê tự nhiên đến khi thu hoạch và chế biến cần 3-4 năm.
Đến lúc này, loại bột này về cơ bản không chứa cafffeine tự nhiên, được gọi là decaf. Một số quán cà phê ở Singapore đã mua loại bột này để phục vụ khách uống decaf. Nhưng Prefer cũng bán cà phê có hàm lượng caffeine thấp, bằng cách mua bột caffeine từ lá trà hay hạt cà phê và pha trộn theo khẩu vị hay mức độ caffeine của khách hàng. Prefer có hai loại bột cà phê rang xay, loại pha bình thường và loại pha lạnh cold brew.
Prefer chủ yếu cung cấp cà phê rang xay sử dụng cho các máy pha esspresso cho khách B2B ở 12 địa điểm ở Singapore, gồm các tiệm SaladStop, Foreword Coffee Roasters, Coexist Coffee và Dough. Prefer không tiết lộ giá cả. Nhưng Berber cho biết loại bột cà phê mới có giá hợp lý so với loại bột arabica hiện nay.
Quê ở Texas, Berber từng là nhà khoa học thần kinh, sau chuyển qua kinh doanh bất động sản tại Mỹ và Israel. Sau đó, Berber đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ thực phẩm thông qua quỹ mạo hiểm Good Seed Ventures của Israel. Trong khi đó, tốt nghiệp thạc sĩ hóa học ở Anh, Tan từng là nhân viên nghiên cứu về ứng dụng thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm tại A*Star, cơ quan nghiên cứu và khoa học của chính phủ Singapore. Tan cũng là chuyên gia lên men vi sinh.
Prefer mới chỉ có mặt trên thị trường được ba tháng. Tuy nhiên, Berber nói rằng startup này đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh số gấp hai lần so với tháng trước. Cả hai nhà sáng lập nói thêm rằng công ty sắp đạt điểm hòa vốn và có kế hoạch gia tăng lợi nhuận khi mở rộng quy mô.
Hiện các loại latte pha bằng sữa yến mạch (oat milk) của Prefer được bán tại các tiệm như Dough với giá từ 5,5 – 7,5 đô la Singapore, theo Straits Times. Chuỗi Pickup Coffee từ Philippines có thể là người thay đổi cuộc chơi trên thị trường cà phê công nghệ khắp ASEAN. Tháng 4-2023, Pickup đã huy động được 40 triệu đô la Mỹ. Berber cho biết trong nửa đầu năm nay, Prefer sẽ mở rộng khắp Đông Nam Á, ban đầu thông qua quan hệ đối tác với chuỗi cà phê Philippines.
Prefer sẽ ưu tiên dùng nguồn tiền mặt gọi được để tăng năng lực sản xuất. Berber cho biết sẽ tận dụng năng lực sản xuất ở Mỹ và Israel khi nhu cầu ngày càng gia tăng và Prefer sẽ tập trung cho thị trường mới từ Philippines.
Tuy nhiên, hai nhà sáng lập nói rằng sản phẩm của Prefer không chỉ dừng ở cà phê, mà còn là ca cao, vani và hạt phỉ (hazelnut). Prefer sẽ lên kế hoạch “tấn công” từng thị trường và dự kiến mở rộng vào năm 2025. Nhưng hiện giờ Prefer đang tập trung mang lại những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng khi uống loại cà phê không từ hạt cà phê.
Cà phê bền vững
Phá rừng để trồng cà phê được xác định là một trong những nguyên nhân làm biến đổi khí hậu Trái đất. Các quy định cấm phá rừng của châu Âu để trồng các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê, đậu nành, bắp… khiến các nước xuất khẩu cà phê và các loại cây công nghiệp khác như Brazil, Việt Nam hay Indonesia gặp khó khăn. Một số chuyên gia dự báo đến năm 2050, các hình thức canh tác các loại cây công nghiệp như hiện nay không còn được khuyến khích.
Nhưng không chỉ Prefer Coffee cho ra đời loại cà phê không từ hạt cà phê. Startup Atomo có trụ sở tại Seattle đã phát triển một loại “cà phê phân tử” đầy hứa hẹn mà không cần phải trồng cây cà phê, thu hoạch, rồi chế biến. Loại cà phê này khi pha lại không cần thêm đường hoặc sữa, bởi Atomo nói rằng sản phẩm mới được thiết kế có hương vị và mùi thơm hoàn hảo của một tách cà phê chuẩn.
CEO Andy Kleitsch và nhà vi sinh vật học Jarret Stopforth của Atomo nói rằng đã xác định được khoảng 40 hợp chất trong protein và dầu của cà phê. Các hợp chất tạo ra mùi, vị và màu sắc của tách cà phê, nhưng lại mang thông điệp của phát triển bền vững và cà phê thiên nhiên.
Nhưng với nhà khoa học công nghệ thực phẩm như Berber, thách thức lớn là sản phẩm mới có giá thành phải chăng, tốt cho sức khỏe, tươi mới và không bị chế biến quá mức. “Không ai sẵn sàng hy sinh sở thích của mình vì bất cứ điều gì. Cà phê của chúng tôi phải ngon, hay ngon hơn bình thường. Nếu có thể đạt mức giá ngang nhưng ngon hơn, người tiêu dùng sẽ ưu tiên chuyển sang sản phẩm ngon hơn”, Berber nhấn mạnh nhân buổi ra mắt bột cà phê Prefer tại Dough.
Ricky Hồ / BSA Media