
Chitose Bio Evolution – startup đăng ký tại Singapore – đã huy động được 7,3 tỉ yen (49 triệu đô la) từ hãng mỹ phẩm Shiseido, các ngân hàng lớn như Mizuho Bank và Sumitomo Mitsui Banking Corp., công ty đầu tư mạo hiểm Jafco Asia và nhiều công ty khác.
Chitose chuyên nuôi tảo để sản xuất nhiên liệu sinh học, chuẩn bị bước vào sản xuất hàng loạt sau nhiều năm nghiên cứu và phát triển. Hiện tại, công ty có cơ sở rộng 50.000m2 tại bang Sarawak trên đảo Borneo của Malaysia. Chitose đã thử nghiệm công nghệ riêng trên quy mô lớn từ năm 2023, sản xuất 350 tấn sinh khối vi tảo hàng năm được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, như sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), mỹ phẩm và vật liệu sơn.
Nhà sáng lập kiêm CEO Tomohiro Fujita của Chitose cho biết sẽ sử dụng nguồn vốn mới để mở rộng năng lực sản xuất và đầu tư vào các công nghệ liên quan. Startup có kế hoạch mở một nhà máy riêng rộng 1 km2 tại Sarawak trong vòng hai năm tới và mở rộng tổng công suất sản xuất lên 20km2 vào năm 2030. Fujita nói diện tích ở quy mô này “rất quan trọng đối với khả năng thương mại”.
Fujita cho biết các quốc gia như Malaysia có “điều kiện lý tưởng” cho việc sản xuất tảo siêu nhỏ trên quy mô lớn, với diện tích đất rộng và ánh nắng mặt trời quanh năm. Thông qua quá trình quang hợp, tảo dự trữ năng lượng dưới dạng lipid hoặc chất béo, có thể được chiết xuất và chế biến thành nhiên liệu.
Cơ sở sản xuất của Chitose bao gồm nhiều dãy bể chứa đặc biệt trên một cánh đồng ngoài trời, nơi tảo siêu nhỏ được nuôi bằng ánh sáng mặt trời trực tiếp và khí CO2 thu được từ khí thải của một nhà máy nhiệt điện gần đó.
Chitose nói rằng tảo siêu nhỏ là nguồn nguyên liệu sinh khối đầy hứa hẹn cho nhiên liệu sinh học, một loại nguồn năng lượng mới có nhu cầu sử dụng ngày càng tăng trong ngành hàng không và các ngành công nghiệp khác. Không giống như nhiên liệu sinh học sản xuất từ cây trồng thường gây lo ngại về nạn phá rừng, tảo siêu nhỏ có thể được nuôi trồng trong môi trường được kiểm soát tương đối, mang lại giải pháp thay thế bền vững hơn.
Mặc dù nhiên liệu sinh học thải ra CO2 khi cháy, nhưng về mặt lý thuyết nhiên liệu này được xem là trung tính carbon vì thực vật hấp thụ một lượng CO2 tương đương trong quá trình phát triển.
Thành lập vào năm 2011, Chitose ban đầu là hãng nghiên cứu tế bào y tế, có khách hàng bao gồm các hãng dược phẩm lớn tại Nhật Bản – phân khúc mang lại lợi nhuận cho startup. Hiện Chitose đang mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp và sản xuất tảo siêu nhỏ.
Dự án của Chitose tại Sarawak đã được Tổ chức phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng mới (NEDO) – cơ quan R&D thuộc chính phủ Nhật Bản – lựa chọn để đầu tư với tổng chi phí hơn 50 tỉ yen. Hơn 100 công ty và chính quyền địa phương Nhật Bản đang tham gia, bao gồm tập đoàn dầu khí Eneos Holdings, Nippon Fine Chemical và Mitsubishi Chemical Group.
Theo Nikkei Asia
Ricky Hồ / BSA Media