
Cọ và dừa là hai loại cây trồng phổ biến ở Đông Nam Á. Nhiều startup ASEAN đang tìm cách tái chế phụ phẩm từ chế biến trái cọ dầu, trái dừa thành các loại vật liệu sinh học mới, thân thiện môi trường.
Terra Drone, startup sản xuất máy bay không người lái của Nhật Bản, đã hợp tác với startup Midwest Composites của Malaysia giới thiệu loại vật liệu sinh học mới cho drone cuối tháng 5. Loại sợi mới làm từ bã của trái cọ sau khi chiết xuất dầu (hay ép dầu), sợi đay và kenaf (ở Việt Nam gọi là cây đay Java hay kê náp) có độ bền cao. Vỏ mới này bảo vệ các linh kiện điện tử bên trong các drone được sử dụng trong phun thuốc và phân bón.
Nhựa thông thường dễ bị nứt và biến dạng khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiệt đới gay gắt. Nhưng vật liệu sinh học của Midwest cũng đang dùng trong sản xuất linh kiện xe hơi, thiết bị năng lượng năng lượng mặt trời hay điện gió thông qua hợp tác với tập đoàn Petronas và Đại học Quốc gia Singapore (NUS). CEO Sethu Raaj của Midwest nói rằng: “Mặc dù có các đối thủ toàn cầu, như ở Mỹ và Canada, chúng tôi có thể chứng minh sức mạnh của mình bằng cách khai thác nguyên liệu thô ở châu Á”.
Ravelware Technology Indonesia cũng tận dụng nguồn dừa phong phú ở Đông Nam Á. Công ty đã tìm ra cách sản xuất graphene, một vật liệu carbon, từ vỏ trái dừa bỏ đi. Graphene có nhiều ứng dụng tiềm năng, bao gồm trong các linh kiện điện tử. Graphene thường được làm từ than chì, nhưng than chì đắt tiền và việc khai thác, tinh chế nguyên liệu thô này gây ra tác động môi trường rất lớn. Ravelware giúp các nước ASEAN bớt phụ thuộc vào công nghệ xử lý than chì vốn tập trung ở Trung Quốc.
Ravelware thu gom vỏ dừa bỏ đi từ các nhà máy chế biến thực phẩm địa phương và các nơi khác, sử dụng vỏ làm nguyên liệu thô để sản xuất graphene. CEO Randy Budi Wicaksono nói nguyên liệu mới thân thiện với môi trường và chi phí sản xuất thấp.
Tại Indonesia, Ravelware đã bắt đầu cung cấp graphene để sử dụng trong các khối đá lát đường. Graphene được cho là có hiệu quả trong việc ngăn ngừa lũ lụt bằng cách đẩy nhanh quá trình hấp thụ nước vào lòng đất. Ravelware xuất khẩu graphene sang Trung Đông và châu Âu để sử dụng trong pin và các ứng dụng khác. Công ty dự định mở rộng doanh số sang Nhật Bản và các nơi khác. Mục tiêu là tăng doanh số từ dưới 200.000 đô la trong năm 2023 lên ít nhất 7,5 triệu đô la trong năm 2030.

Startup SUDrain của Campuchia sản xuất bộ lọc cho hệ thống lọc nước bằng xơ vỏ dừa. Cellulose trong xơ dừa có tác dụng hấp thụ vi khuẩn và nấm, có thể lọc nước thải công nghiệp và sinh hoạt, tinh lọc thông qua hoạt động của vi sinh vật. Công ty cung cấp máy xử lý nước thải được trang bị bộ lọc cho khu dân cư, khách sạn nghỉ dưỡng, nhà máy, trang trại nuôi heo và nhiều nơi khác ở Campuchia. Các bộ lọc này cũng đang được sử dụng trong các dự án của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và các tổ chức thuộc Liên hiệp quốc.
SUDrain kỳ vọng doanh số đạt 750.000 đô la trong năm nay và đặt mục tiêu tăng 10 lần vào năm 2030. CEO Thary Vorn cho biết công ty đang lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên Sàn giao dịch Singapore vào khoảng năm 2028.
Indonesia và Malaysia đứng đầu về diện tích trồng cọ và sản xuất dầu cọ trên thế giới, trong khi Indonesia và Philippines lại có thế mạnh về trồng dừa và các sản phẩm từ dừa. Đây là thế mạnh mà các nước ASEAN chưa khai thác hết.
Dòng vốn đầu tư vào các startup Đông Nam Á đạt 4,56 tỉ đô la trong năm 2024, giảm 42% so với năm trước đó, theo DealStreetAsia. Đây là năm thứ ba giảm liên tiếp khi các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn khi đầu tư vào startup ASEAN.
Theo Nikkei Asia, BSA Media
Ricky Hồ