Thái Lan: “Bùa chú” trở thành mặt hàng xuất khẩu mới

Bùa hộ mệnh hay bùa yểm đang trở thành mặt hàng xuất khẩu mới của Thái Lan, ảnh hưởng đến tận Trung Quốc và cả giới điện ảnh Hollywood. “Nền kinh tế cát tường” được xem là quyền lực mềm mới của đất nước chùa vàng.
Thị trường bùa hộ mệnh ở Thái Lan có giá trị lên đến hàng chục tỷ baht và tiếp tục tăng trưởng ổn định, đặc biệt là ở thị trường du khách Trung Quốc.
Theo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Kasikorn năm 2019, ước tính thị trường bùa hộ mệnh ở Thái Lan có giá trị khoảng 17-23 tỷ baht. Ước tính này chỉ dựa trên doanh số bán hàng cho cá nhân Thái Lan, không bao gồm doanh số bán hàng cho khách du lịch nước ngoài hoặc xuất khẩu.
Nhà nhân chủng học Thomas Patton từ City University of Hong Kong nói lần đầu tiên các cửa hàng có bán bùa chú Thái Lan xuất hiện ở Hồng Kông là vào khoảng năm 2008-2009. Người d6an Hồng Kông bị quyến rũ bởi thế giới bùa chú và ma thuật Thái Lan, họ xem đây là niềm an ủi tinh thần, nơi nương dựa của đức tin.
Sự quan tâm này đặc biệt đáng chú ý ở tầng lớp lao động, những người chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
BB là nhà cung cấp Thái Lan livestream hoạt động bán hàng Thái Lan sang Trung Quốc trên nền tảng Douyin (phiên bản nội địa của TikTok). BB nói người Hoa, dù đến từ Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Macau, Đài Loan, Malaysia, Indonesia hay Singapore đều có niềm tin và đức tin vào sự độ trì của Phật pháp cho an khang, thịnh vượng của cá nhân và gia đình.
Sự quan tâm đến bùa hộ mệnh Thái Lan tăng lên đáng kể khi nhiều người, đặc biệt là các ngôi sao Hồng Kông, bắt đầu đeo bùa thay cho trang sức thông thường trong các sự kiện lớn.
Mọi chuyện, có thể bắt đầu với ngôi sao điện ảnh Thành Long, người luôn đeo bùa hộ mệnh trong các buổi quay phim, nhất là trong các pha nguy hiểm do chính Thành Long thực hiện nhiều lần. Một lần khi quay phim, tai nạn đã xảy ra, nhưng may mắn không ai bị thương. Đoàn phim ai cũng tò mò về lá bùa hộ mệnh mà Thành Long đeo trên cổ. Lá bùa này của nhà sư Luang Phor Phrae, chùa Wat Phikun Thong.
Nữ diễn viên Hồng Kông Trương Bá Chi (Cecilia Cheung) cũng đến Thái Lan để thỉnh chiếc bùa với giá 150.000 đô la Hồng Kông (gần 20.000 đô la Mỹ), trong đó có cả búp bê Kuman Thong, để cầu may.
Anh chàng Qin Fen là thần tượng (idol) cho giới trẻ Trung Quốc và cả ở Việt Nam. Trong lần dự Liên hoan phim Cannes, Qin Fen đã bận bộ vest đen và đeo chiếc vòng tay Luang Phor Ruay sải bước trên thảm đỏ.
Bùa Luang Phor Ruay đã trở nên vô cùng phổ biến đối với người dân Trung Quốc, được săn đón nhiều nhất. Người ta tin rằng người đeo bùa sẽ có được may mắn, giàu có và nổi tiếng.
Vì thế, các tín đồ Trung Quốc đổ về Wat Tako, một ngôi chùa nổi tiếng ở tỉnh Ayutthaya. Nhà sư Luang Phor Ruay tu hành ở chùa, được mọi người trọng vọng.
Chuyên gia về bùa hộ mệnh có uy tín Jeans Muangnont nói rằng một lượng lớn khách Trung Quốc tìm hiểu về bùa hộ mệnh và bùa chú Thái Lan tại các cửa hàng và kênh trực tuyến. Họ chiếm một tỷ lệ đáng kể bênh cạnh khách hàng địa phương người Thái. Nhưng cũng khó xác định được thật giả của các loại bùa này.
Bùa Thái cũng được nhiều người rao bán ở Trung Quốc.
Bùa hộ mệnh đang trở thành một khía cạnh trong quyền lực mềm, trong lĩnh vực tín ngưỡng của Thái Lan mà không cần quảng bá, The Nation bình luận. Trước đó, những ngôi sao nổi tiếng của Hollywood như Angelina Jolie và Brad Pitt hay huấn luyện viên bóng đá người Ý Fabio Cannavaro hay ca sĩ người Anh Ed Sheeran… đều có những hình xăm kiểu Thái, vừa đẹp vừa huyền ảo.
Theo The Nation
Ricky Hồ / BSA Media

Châu Á chú trọng du lịch tâm linh và du lịch sức khỏe trong năm 2024