Thái Lan ngừng cấp phép phi công nước ngoài bay nội địa từ năm 2026

Hiện Thái Lan có khoảng 3.700 phi công có kinh nghiệm và mới ra trường đang thất nghiệp. Ảnh: The Nation

Chính phủ Thái Lan đã cam kết không gia hạn thỏa thuận tạm thời cho phép phi công nước ngoài bay trên các tuyến nội địa sau khi các nghiệp đoàn phi công Thái Lan đệ đơn kiện chính phủ hồi tuần trước.

Hiện có hơn 1.700 phi công có bằng và hơn 2.000 sinh viên tốt nghiệp các học viện hàng không đang thất nghiệp tại Thái Lan.

Chấm dứt “thuê ướt”

Tuần trước, Hiệp hội Phi công Thái Lan (TPA) đã đệ đơn kiện Bộ Lao động Thái Lan, yêu cầu cấm các phi công nước ngoài làm việc trên các tuyến bay nội địa. Lá đơn cũng là thách thức với quyết định của chính phủ hồi tháng 12 năm ngoái cho phép các chuyến bay nội địa theo hợp đồng “thuê ướt”, hay ACMI, tức thuê máy bay, phi công và tiếp viên, hoạt động bảo dưỡng và bảo hiểm. Trong khi đó, luật của Thái Lan hiện không cho phép người nước ngoài điều hành các chuyến bay nội địa.

Hôm 20-3, Chủ tịch TPA Teerawat Angkasakulkiat nói rằng hiệp hội bày tỏ sự lạc quan thận trọng về cam kết của Cục Hàng không dân dụng Thái Lan (CAAT) sẽ chấm dứt thỏa thuận tạm thời trong năm 2025 này.

Teerawat nói thêm rằng chính phủ đã thừa nhận những thách thức mà các phi công Thái Lan đang thất nghiệp phải đối mặt trong việc tìm kiếm việc làm. Ông nói chính phủ cũng cam kết sẽ hỗ trợ phi công thất nghiệp, bao gồm các biện pháp hỗ trợ tìm cơ hội làm việc ở nước ngoài.

“Chúng tôi rất vui mừng về các sáng kiến ​​tăng cường việc làm của CAAT dành cho phi công Thái Lan, bao gồm cả việc hỗ trợ những người này tìm kiếm việc làm ở nước ngoài”, ông Teerawat phát biểu.

Chính phủ Thái Lan ban đầu đã đưa ra thỏa thuận tạm thời cho phép phi công nước ngoài bay nội địa nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch hàng không bùng nổ của Thái Lan. Tình trạng thiếu phi công đã gây áp lực lên các hãng bay nội địa, khiến giá vé tăng.

“Điều này là do du lịch hàng không tăng trưởng nhanh chóng, nhưng các hãng hàng không không có đủ máy bay và phi công. Vấn đề này phải được giải quyết bằng cách thuê máy bay cùng với phi hành đoàn và phi công”, thông cáo của chính phủ tháng 12-2024 nêu rõ.

Tính đến tuần trước, theo The Nation, hãng hàng không giá rẻ VietJet Thai – hãng con của VietJet Air, là hãng duy nhất thực hiện hình thức này. Các phi công người Thái nói rằng thỏa thuận này là phạm luật và hạn chế cơ hội việc làm của phi công Thái.

Tờ Bangkok Post trích dẫn số liệu của TPA cho thấy hiện có hơn 1.700 phi công Thái đang thất nghiệp. Đó còn chưa kể hơn 2.000 người tốt nghiệp từ các học viện hàng không vẫn chưa có việc làm.

Hồi tháng 2-2025, Bộ Lao động Thái Lan đã giúp 26 phi công người Thái có được việc làm với hãng hàng không 5 sao Cathay Pacific của Hồng K ông. Bộ Lao động  đang có kế hoạch giúp 100.000 người Thái Lan – bao gồm 1.000 phi công – tìm được việc làm tại các thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Israel, Hồng Kông và Macau.

Xử lý tình trạng phi công “mua bằng”

Trước đó, hồi tháng 9-2024, Chủ tịch Teerawat đã tiếp tục yêu cầu chính phủ có giải pháp thích đáng với mô hình đào tạo Pay to Fly. Theo dó, những người đăng ký phải chi hơn 6 triệu baht (hơn 4,5 tỉ đồng) mỗi người để trở thành phi công. Khoản chi này gồm 3 triệu baht cho khóa đào tạo và 3 triệu baht khác cho chứng nhận xếp loại.

Ông Teerawat nói mô hình đào tạo phi công Pay to Fly này ngăn cản mọi người tham gia ngành hàng không và ảnh hưởng đến chất lượng của phi công. Các chuyên gia hàng không Thái Lan lo ngại rằng mô hình sẽ hạ thấp tiêu chuẩn an toàn bay và tạo ra sự cạnh tranh không công bằng cho các phi công. Việc phi công phải trả tiền để có cơ hội tích lũy giờ bay có thể dẫn đến việc các phi công không đủ năng lực được tuyển dụng, gây nguy hiểm cho hành khách.

Hiệp hội TAP muốn chính phủ xử lý mô hình này nhằm ngăn chặn những tác động đến an toàn bay trong tương lai. Ông nhấn mạnh chính phủ ở nhiều nước đã nhận ra những vấn đề của mô hình này.

Theo The Nation, Bangkok Post, SCMP

Ricky Hồ / BSA Media