Thành Lộc: Có những lúc chỉ biết ngửa mặt nhìn trời!

(Vietnamtimes)-“Bây giờ lệ nó lại cũng hay bày đặt ứa ứa mỗi khi nhớ đến cái câu “Tận nhân lực, tri thiên mệnh”; đúng là có những lúc chỉ biết ngửa mặt nhìn trời!” – Thành Lộc chia sẻ. 

Vào tối thứ Năm 14.12, tại nhà hát Bến Thành, Q.1, vở nhạc kịch Tiên Nga sẽ được công diễn, mở đầu cho 20 suất diễn tại đây.

Tiên Nga được phóng tác dựa theo tác phẩm Lục Vân Tiên của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (tác giả: NSND Nguyễn Thành Châu, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Nguyễn Hồng Dung; biên kịch và đạo diễn: NSƯT Thành Lộc).

Nhân dịp này, NSƯT Thành Lộc đã dành cho PV một cuộc trò chuyện thân tình.

NSƯT Thành Lộc với một cảnh diễn cụ Đồ Chiểu trong nhạc kịch Tiên Nga. Ảnh: Duyên Phan

Tiên Nga là vở nhạc kịch được anh thai nghén khá lâu và thời gian trên sàn tập cũng không ngắn. Trước khi làm vở, anh đã về đền thờ thắp nhang vái cụ Nguyễn Đình Chiểu. Vì sao anh lại chọn Lục Vân Tiên, một áng thơ quá quen thuộc trong sách giáo khoa để dựng thành một vở sân khấu nhiều tâm huyết?

Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga là một cốt truyện thuần Việt, được viết bằng thơ Nôm đọc tới đâu hiểu tới đó mà không vay mượn tích truyện từ nơi khác, được viết từ nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu mà tôi rất ngưỡng mộ, không chỉ với truyện thơ Lục Vân Tiên mà còn có Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc rất nổi tiếng với khí phách hào hùng, thật đáng tự hào!

Tôi còn thấy mình hãnh diện được là người miền Nam như ông, nên càng thấy có trách nhiệm quảng bá cho một áng văn học giá trị của miền Nam, mà ngay chính người miền Nam hiện đại ngày nay xem ra đã lãng quên mất rồi!

Nhiều công dân trẻ ở thành phố tôi đang sống bây giờ hỏi ở Hàn Quốc có bao nhiêu nhóm nhạc đang nổi, ở Hoa Kỳ bộ phim nào là bom tấn, hay showbiz Việt có nhân vật nào đang dính scandal thì có khi các bạn ấy rành rọt hơn là biết về cụ Đồ Chiểu và truyện thơ Lục Vân Tiên!

Cũng dám lắm nếu bị hỏi vậy thì bạn sẽ nhận được câu trả lời bằng một câu hỏi ngược lại “Trời! Sao sến vậy?”, trong chiều nhìn từ đối phương bạn sẽ là một sinh vật lạ cũng nên!

Ảnh: Lân Trần

Tôi yêu tác phẩm ca kịch cải lương Kiều Nguyệt Nga của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang với sự dàn dựng tài hoa của cố đạo diễn Lưu Chi Lăng và diễn xuất của hai nữ nghệ sĩ tài danh Bạch Tuyết và Ngọc Giàu cách đây trên 20 năm, vở cải lương đó đã là dĩ vãng, còn có bao nhiêu người nhớ, bao nhiêu người đã lãng quên! Hay như vậy, giá trị như vậy mà để bị lãng quên thì người làm nghệ thuật như chúng tôi xem ra… cũng gọi là “tội” chứ ha?

Còn là vì với ý thơ và sự lãng mạn, thi vị trong câu chuyện này, cả với những tình huống diễn biến đầy kịch tính của nó mới đủ tố chất hình thành một vở nhạc kịch đúng nghĩa mà tôi hằng khao khát thực hiện.

Xem Tiên Nga, có thể nhận ra: với đạo làm người, không thể sống thờ ơ. Với đạo làm nghề, luôn hướng đến những giá trị nghệ thuật. Ảnh: IDECAF

Nhân vật Kim Liên vốn chỉ là một cô hầu, nhưng trong vở nhạc kịch Tiên Nga, anh đã biến cô gái phận mọn ấy trở thành anh hùng, thậm chí trở thành một sức mạnh tâm linh, giúp Kiều Nguyệt Nga nhiều phen thoát hiểm, có được cuộc sống cuối đời bình an. Anh muốn phác họa điều gì khi xây dựng hình tượng những người phụ nữ này trong vở?

Sản phẩm nghệ thuật trình diễn bao giờ cũng có ngôn ngữ thể hiện khác biệt và độc lập với tác phẩm văn học.

Tác phẩm văn học chỉ là nền tảng xuất phát, trong điện ảnh điều này càng được thể hiện rõ ràng hơn nữa, tác phẩm sân khấu và điện ảnh từ kịch bản văn học trên giấy phải mang dấu ấn của người sáng tác lần thứ hai. Nó chính là thông điệp thể hiện quan điểm thời đại mà người nghệ sĩ của thời đại đó gởi gắm vào.

Thế mới đáng để làm chứ, nếu chỉ minh họa lại lịch sử hay minh họa lại một tác phẩm văn học thì với tôi nó chán lắm và ai cũng có thể làm được. Làm cái điều mà người khác không nghĩ tới hoặc chưa nghĩ tới thì mới đáng mà bõ công.

Trở lại với vở cải lương Kiều Nguyệt Nga xưa, ta đã thấy có phần thay đổi cấu trúc câu chuyện rồi, ở đó nhân vật Nguyệt Nga là chính, câu chuyện chỉ kể về phần đời của nàng Nguyệt Nga mà thôi.

“Với Tiên Nga, chúng tôi cố gắng trả mọi thứ trở về với giá trị thật của nghệ thuật trình diễn trong khả năng có thể nhất của mình…” – Thành Lộc

Ở Tiên Nga của tôi, chuyện kể về phần đời của cả ba con người: Nguyệt Nga, Vân Tiên và nàng hầu Kim Liên. Và không chỉ có thế, cả cụ Đồ Chiểu cũng là một nhân vật trong vở diễn đảm trách vai trò người dẫn chuyện.

Nhà thơ chính là chiếc cầu nối để dẫn khán giả vào câu chuyện kể của ông, trong đó ta thấy Nguyệt Nga cũng chính là ông, Vân Tiên chính là ông và cả cô hầu Kim Liên cũng chính là trí tưởng tượng của ông (mà thật ra là trí tưởng tượng của đạo diễn!); là khát vọng quật cường muốn “Đạp rào lướt tới coi giặc cũng như không, xô cửa xông vào liều mình như chẳng có”; với cái khí phách dân Nam “Nào đợi ai đòi ai bắt. Phen này xin ra sức đoạn kình. Chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ!” (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc).

Ở đây, với cách nhìn của tôi, chỉ có nhân vật Kim Liên mới có thể đảm nhận trọng trách ấy: thích khách vua Phiên!

Trailer nhạc kịch Tiên Nga: IDECAF

Thích khách vua Phiên chỉ là một hành động nông nổi của một người con gái chân yếu tay mềm, không có nền tảng giáo dục khuôn phép nhưng lại có lòng yêu nước sâu sắc và biết căm thù giặc cướp nước đúng lúc cần thiết khi tổ quốc lâm nguy. Điều nầy thì Nguyệt Nga lại không có được ngoài việc ôm tượng Vân Tiên tự vẫn để giữ gìn tiết hạnh. Kim Liên đã chết thảm thương và bị giặc phanh thây ném xuống biển. Người Việt mình có câu “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh!”, vậy ai có thể làm được chuyện này ngoài Kim Liên?

Một người phụ nữ nhảy xuống biển vì tình và một người phụ nữ bị ném xác xuống biển vì tổ quốc, hình ảnh đối lập này đã ám ảnh tôi phải cả mười năm nay khi trong đầu tôi luôn nung nấu muốn làm lại tác phẩm này, đã làm lại thì phải có ý mới.

Đất nước mình sống trong chiến tranh nhiều hơn hòa bình, có mấy ai đếm được đã có bao nhiều người phụ nữ vô danh, không có học thức đã nằm xuống vì chiến tranh và cho nền hòa bình mà chúng ta đang thụ hưởng và gặm nhắm nó? Một Kim Liên dám giả ra cô chủ mình để thích khách kẻ cướp nước, nghe thì ghê đó, khó tin đó nhưng như vậy thì có là bao?

Thôi thì… cái gì nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu chưa làm được, Nguyễn Thành Lộc không làm được thì nhờ cô hầu Kim Liên làm giùm!

Diễn viên Lê Khánh trong cảnh diễn Kim Liên thích khách vua Phiên. Ảnh: IDECAF

Âm nhạc, giọng ca đóng vai trò gần như quyết định trong một vở nhạc kịch. Anh có “liều” quá không khi trao trọng trách này cho các diễn viên không có sở trường về ca hát, mà lại hát sống xuyên suốt vở, không hát nhép với nhạc thu sẵn như những vở trước đây.  Anh và nhạc sĩ Đức Trí hướng tới điều gì qua phần sáng tác nhạc và ca khúc cho vở?

Dĩ nhiên là phải tìm những diễn viên có khả năng ca hát thì mới dám giao vai, giọng hát nghe hay thì quá tốt, không hay thì cũng phải… “kêu” nghe cho được. Nhưng quan trọng là phải có hồn, cái này mới quan trọng vì hát hay nhưng vô hồn thì khó chuyển tải được thần thái nhân vật.

Các diễn viên của Tiên Nga đều là những người diễn giỏi nên khi họ ca diễn tôi có thể an tâm, Lê Phương và Dương Cường đều có giọng hát tuy âm vực không rộng (cái này thì mệt cho nhạc sĩ sáng tác) nhưng họ hát truyền cảm nên thành ngọt ngào.

Nhạc sĩ Đức Trí sáng tác chủ đạo giai điệu toàn bộ dựa trên thang âm ngũ cung mang âm hưởng của nhạc tài tử Nam bộ. Vì đây là câu chuyện của người Nam bộ trên nền tảng nói vè Vân Tiên rất nổi tiếng từ xưa của người dân đồng bằng sông Cửu Long, nói giọng Nam bộ thì hát cũng phải giọng Nam bộ, đây là điều tôi rất tâm đắc với Đức Trí.

Nhân đây xin nói thêm: nhạc kịch hoàn toàn là những sáng tác mới chỉ độc quyền cho kịch bản đó, vở diễn đó, tuyệt nhiên không phải là cải lương, mặc dù cải lương vốn là một thể loại ca nhạc kịch nhưng nó là truyền thống, các bài bản đều có sẵn, mỗi vở tuồng chỉ đắp lời mới lên nền bài bản cũ đã có từ bao đời (hát bội và chèo cổ cũng vậy).

Trong vở diễn này, chúng tôi hoàn toàn hát thật với dàn nhạc sống chứ không hát trên nhạc nền thu sẵn (playback), chúng tôi cố gắng trả mọi thứ trở về với giá trị thật của nghệ thuật trình diễn trong khả năng có thể nhất của mình.

Tiên Nga là chuyện kể về phần đời của cả ba người: Nguyệt Nga, Vân Tiên và Kim Liên. Ảnh: IDECAF

Anh từng nói Tiên Nga không chỉ là tình yêu thủy chung và nhân nghĩa mà còn là tính công dân, lòng yêu nước… Điều đó được anh thể hiện tương đối rõ ở cả bản thân anh, vốn được biết đến là một người trung thực, thẳng thắn, không ngại bày tỏ thái độ trước những bất bình trong xã hội cũng như trước những nguy hại của đất nước. Nhưng cũng có người quan niệm rằng, đã là nghệ sĩ thì chỉ lo làm nghề cho tốt là được, anh nghĩ sao?

Người ta hay loại nghệ thuật ra khỏi cuộc sống cho dù bản thân họ luôn cần đến nghệ thuật một cách hữu ý hay vô tình, nghĩa là họ cần nó nhưng luôn coi thường nó, đánh giá thấp nó, như vậy là không công bằng và vô trách nhiệm. Chúng ta cùng trải nghiệm chuyện này cho vui:

– Người bình dân làm sai thì bị mắng là vô học!

– Người có học làm sai thì bị mắng là mọt sách!

– Người có chức làm sai thì bị mắng là quan ngu!

– Người có sắc làm sai thì bị mắng là thiếu não!

Vân vân và vân vân… Ôi thôi là trăm ngàn cách để thóa mạ người khác mà mình thì vô hại, chửi đổng mà, nên đôi khi chửi chính mình lại không biết!

Nghệ sĩ, bác sĩ, kỹ sư, doanh nhân, hay công nhân, hay người lao động bình thường… thì trước hết hãy cứ làm người tử tế đi đã, mà người tử tế là người trước khi đánh giá ai hãy nhìn mình trong gương trước.

Trở lại với câu nhận định “làm nghề cho tốt là được”, tôi muốn hỏi lại: thế nào là làm nghề cho tốt, tốt ở đây hàm ý gì? Là mua vui giải trí an lành và an toàn? Tôi không phủ nhận một trong những chức năng quan trọng của nghệ thuật chính là giải trí, nhưng nếu chỉ có chức năng giải trí thôi thì cũng là khiếm khuyết, không bình thường. Đó không còn là nghệ thuật, đó là tuyên truyền.

“Bây giờ lệ nó lại cũng hay bày đặt ứa ứa mỗi khi nhớ đến cái câu “Tận nhân lực, tri thiên mệnh”; đúng là có những lúc chỉ biết ngửa mặt nhìn trời!” – Thành Lộc

Có làm nghệ thuật, hay bất kỳ một nghề nghiệp nào khác thì chúng ta vẫn cứ là công dân của một quốc gia. Ta được cưu mang từ hơi ấm đất mẹ thì phải biết đền đáp theo cách của mình cho đất mẹ, ai chỉ có thể xòe tay ra nhận mà không biết đáp đền? Ta có thể làm nghề của mình một cách bình an nếu mảnh đất ta sống không được an lành? Trừ khi ta là kẻ sống thỏa hiệp hoặc bán đứng nó, đã vậy thì miễn luận bàn.

Ở đâu, nơi nào, người làm công việc gì cũng đều có người tốt kẻ xấu, mảnh đất nào cũng có người trách nhiệm với quê cha đất tổ, người phủ nhận an nhàn và có cả kẻ mưu mô trục lợi… nên trong nghệ thuật trình diễn mới có vai chính diện và phản diện, đó là hai mặt của cuộc đời mà chỉ có nghệ thuật mới đủ khả năng chuyển tải.

Con người hình thành ra xã hội, xã hội là nguồn cảm hứng tạo ra nghệ thuật, nghệ thuật khai sáng tâm hồn con người, một cái vòng tròn hỗ tương làm ra cái đẹp, cái giá trị của Chân, Thiện, Mỹ.

Chúng ta luôn phải cần đến nhau dù muốn hay không, ai trong đời không một lần thích nghe một bản nhạc hay, xem một bộ phim ưng ý? Là bạn đã chạm đến nghệ thuật như nhu cầu ăn một bát cơm, uống một chén nước, bao giờ cũng cần mà không nhận ra giá trị của cái mình cần. Xem thường công việc của người khác suy cho cùng là tự hạ thấp nhân cách của mình. Đạo làm người không dạy vậy.

Ảnh: Lân Trần

Không ít người mong muốn lại được thấy anh xuất hiện trên ghế giám khảo ở một số gameshow, bởi ít nhiều anh cũng là bảo chứng cho sự nghiêm túc trong các gameshow đó. Anh có cực đoan quá không khi từ chối tất cả các lời mời, vì anh quá bận hay vì anh thất vọng về chất lượng các gameshow hiện nay?

Cả hai đều đúng, tôi quá bận rộn với các dự án sân khấu của đơn vị mình để nó luôn có sự sống, anh chị em nhân viên có thu nhập, có nồi cơm mà nấu ăn chung. Như vậy tôi dĩ nhiên phải chấp nhận hy sinh bỏ bớt nguồn thu nhập thêm khá béo bở từ những game truyền hình mà người ta mời mọc. Diễn viên của mình bỏ đơn vị đi chơi gameshow mà tôi là chủ nhà cũng bỏ đi chơi vậy luôn thì… anh em ở lại với tôi người ta còn coi tôi ra cái gì nữa.

Người ta chịu khổ với mình thì mình cũng phải chịu khổ với người ta. Thôi kệ, thu nhập ít lại một chút nhưng được có cái tình cái nghĩa. Tiên Nga mà được các em bỏ việc riêng theo mình như vậy cũng còn là vì tôi đã chịu bỏ nhiều thứ đó chứ.

Bây giờ nếu có gameshow nào đủ hay để thuyết phục thì tôi vẫn tranh thủ nhận lời được. Làm giám khảo mà tăng thêm uy tín nghề nghiệp cho mình thì mới dám nhận chứ nó làm giảm giá trị mình trong sự tín nhiệm của khán giả thì tôi không đánh đổi.

Tôi biết tánh khí tôi nó cũng khác người chút vậy đó, cái mà nhiều người thích thì chắc gì tôi đã ưng!

Nhìn lại mấy mươi năm sống chết với sân khấu, anh mỉm cười với điều gì và ứa lệ với điều gì?

Tôi hài lòng về sự lựa chọn nghề nghiệp của mình, chưa hề ân hận, vì tôi biết chắc rằng nếu làm nghề khác, chắc năng suất tôi sẽ tệ! Ứa lệ hả? Dạo này tôi phải xài đến nước mắt nhân tạo rồi đó, ngày nhỏ bốn lần, nhỏ đến suốt đời!

Mà bây giờ còn ứa lệ với mọi thứ diễn ra xung quanh mình là còn mừng, chỉ sợ mình bị chai sạn cảm xúc thì khó mà hưng phấn trong sáng tạo nghề nghiệp. Cũng may là tuyến lệ của tôi cũng còn xài được nên mới có Tiên Nga… Bây giờ lệ nó lại cũng hay bày đặt ứa ứa mỗi khi nhớ đến cái câu “Tận nhân lực, tri thiên mệnh”; đúng là có những lúc chỉ biết ngửa mặt nhìn trời!

 Ảnh: Lân Trần

Sân khấu bây giờ khó khăn mọi bề, ngoài việc nỗ lực đem đến cho công chúng những tinh hoa của nhạc kịch như vở Tiên Nga, anh có ý tưởng làm mới gì cho thể loại kịch nói?

Nhạc kịch chỉ là những cuộc chơi nghề mang tính xa xỉ một chút, thoại kịch vẫn là sở trường, là công việc chính của chúng tôi. Tìm kiếm nguồn kịch bản hay từ nhiều cách (tự sáng tác hoặc đặt hàng) trong đó có cả việc phục hồi các tác phẩm giá trị, những tác phẩm kinh điển. Khán giả cũng thay đổi thế hệ nên chúng tôi cũng không để cho họ thiếu cơ hội chiêm ngưỡng những tác phẩm hay của quá khứ. Các nhà hát trên thế giới cũng điều làm như vậy.

Tuy nhiên bên cạnh việc phải có những sản phẩm mới thì ngay cả việc phục dựng tác phẩm cũ cũng phải mang một diện mạo mới phù hợp với thời đại, Ngôi nhà không có đàn ông là một ví dụ.

Anh và NSƯT Hữu Châu hiện vẫn là cái tên của phòng vé, ngoảnh lại phía sau nhìn lớp đàn em, anh có tin họ kế tục được để giữ cho thương hiệu IDECAF được trường tồn với những gì đã có?

Hồi đó cả tôi và Hữu Châu cũng đâu có biết tên tuổi mình mà bán vé được đâu. Làm nghề là làm nghề thôi. Cái câu hỏi này làm ứa lệ nữa rồi…

Hiện anh sống thế nào? Cuộc sống riêng của anh có viên mãn? 

Tôi không thoải mái lắm về tài chánh, nhưng mình muốn viên mãn thì là viên mãn thôi. Viên mãn chỉ là khái niệm theo chủ quan và hoàn cảnh sống, góc nhìn nhận vấn đề của mình thôi. Tôi không thấy mình viên mãn, nhưng tôi biết ơn và trân trọng những gì đang có.

Từ truyện thơ của Thi Hào Nguyễn Đình Chiểu, Tiên Nga được hợp soạn bởi: NSND Năm Châu, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Nguyễn Hồng Nhung. Biên Kịch: Nguyễn Thành Lộc. Đạo Diễn: Thành Lộc. Âm Nhạc: Đức Trí.

Với sự góp mặt của các diễn viên: NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, Lê Khánh, Lê Phương, Vân Trang, Dương Cường, Lương Thế Thành, Đình Toàn, Bạch Long, Hương Giang, Huỳnh Quý, Nguyễn Quốc Trường Thịnh, Quốc Trung, Nguyễn Huy, Bảo Cường, Mai Phượng, Thanh Phong, Ngọc Thủy, Hanty Nguyễn, Xuân Mai…

Tiên Nga là tác phẩm thứ 8 do Thành Lộc đạo diễn dàn dựng. 7 tác phẩm trước đều đã đi vào lòng người mộ điệu những xúc cảm sâu đậm: Lôi Vũ (Tào Ngu); Tin Ở Hoa Hồng (Lưu Quang Vũ); Trắng Xanh Vàng Đỏ (Lê Hoàng); Ngôi Nhà Anh Túc (Nguyễn Mạnh Tuấn); Những Con Ma Nhà Hát (Lê Hoàng); Bí Mật Vườn Lệ Chi (Hoàng Hữu Đản); Ngàn Năm Tình Sử (Nguyễn Quang Lập).

Cát Vũ thực hiện

(Theo Người Đô Thị)