Thị trường 24/7: 5 doanh nghiệp xuất khẩu bị ‘rút ruột’ gần 20 tấn cà phê, hồ tiêu; Giá dầu tăng mạnh gần 3%

Vàng miếng ngân hàng tương đương giá cửa hàng: 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV) và SJC công bố giá vàng miếng bán ra thị trường hôm nay là 76,98 triệu đồng/lượng. Các doanh nghiệp trên thị trường cũng giữ mức giá tương đương.

Ở chiều mua, công ty SJC hiện niêm yết giá vàng miếng ở mức 74,98 triệu đồng/lượng. Trong khi PNJ, DOJI cũng đang mua vào với mức 74,98 triệu đồng/lượng.

Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý mua vào với giá 75,5 triệu đồng/lượng. Mi Hồng mua vào với giá 76 triệu đồng/lượng.

Trên Kitco, giá vàng giao ngay hiện niêm yết ở mức 2.303 USD/ounce. Theo quy đổi, giá vàng miếng SJC hiện cao hơn thế giới 5,6 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn SJC sáng nay cùng chiều thế giới, tăng 100.000 đồng lên mức 72,7 – 74,3 triệu đồng/lượng.

NHNN sẽ không tăng lãi suất trong năm 2024: Đây là dự báo được đưa ra tại Báo cáo dự báo tăng trưởng kinh tế quý II của Bộ phận nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu UOB.

Trong báo cáo này, các chuyên gia UOB kỳ vọng NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách chủ chốt trong thời gian còn lại của năm 2024 trên cơ sở cân bằng giữa các yếu tố phục hồi kinh tế trong nước ổn định, áp lực lạm phát vừa phải và đồng VNĐ yếu đi so với USD.

Thay vì thay đổi lãi suất, NHNN đang tập trung thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ các hoạt động kinh tế, các lĩnh vực tăng trưởng mới, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và nhà ở xã hội. Hướng dẫn mới nhất của NHNN vào ngày 31/5 nhằm mục đích tăng trưởng tín dụng 5-6% vào cuối quý II và giảm lãi suất cho vay 1-2%, thông qua thủ tục cho vay đơn giản hóa, các biện pháp tiết kiệm chi phí và ứng dụng công nghệ kỹ thuật số.

Các hãng tàu bất ngờ miễn cước vận chuyển từ Việt Nam sang Trung Quốc: Ngày 11/6, ông Đặng Đình Long, Tổng Giám đốc Công ty Logistics Mega A (TP.HCM), cho biết cước tàu biển từ Việt Nam sang Mỹ, châu Âu đều đang tăng mạnh so với tháng 3, mức tăng phổ biến khoảng 2 lần.

Tăng nóng nhất là cước tàu biển từ Trung Quốc về Việt Nam với mức tăng khoảng 5 lần. Từ 100 – 200 USD đã lên mức 800 – 900 USD/container 40 feet. Tuy nhiên, cước tàu chiều ngược lại, từ Việt Nam sang Trung Quốc thì về 0. Hãng tàu chỉ thu phụ phí địa phương (local charges), theo ông Đặng Đình Long.

Lý giải về hiện tượng lạ này, ông Long cho hay phía Trung Quốc đang hút container rỗng về để doanh nghiệp của họ chủ động trong việc xuất khẩu. “Thay vì tốn tiền chuyển container rỗng, hãng tàu đưa chính sách cước 0 đồng để thu được phụ phí” – ông Long phân tích.

5 doanh nghiệp xuất khẩu bị ‘rút ruột’ gần 20 tấn cà phê, hồ tiêu: Đầu tháng 6, năm doanh nghiệp hồ tiêu phản ánh hàng xuất khẩu đi các nước bị “rút ruột” khiến đối tác nước ngoài không nhận đủ số lượng như đã giao.

Theo thông tin từ Hiệp hội hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam gửi tới Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, số lượng bị rút ruột khoảng 18,5 tấn hàng với trị giá 2,7 tỷ đồng. Trong đó, số lượng tiêu bị mất hơn 8,2 tấn, còn cà phê là 10,3 tấn.

Các doanh nghiệp cho hay, phiếu cân container có hàng tại nhà máy và phiếu cân hàng lúc vào cảng là trùng khớp. Do đó, doanh nghiệp nghi ngờ khả năng hàng bị mất trong lúc container hạ bãi chờ xuất khẩu. Các chứng từ liên quan khác cũng được doanh nghiệp cung cấp làm cơ sở để chứng minh hàng hóa được niêm phong và đảm bảo an toàn từ lúc hàng được đóng vào container tại nhà máy cho đến lúc container vào cảng.

Giá dầu tăng mạnh gần 3%: Ngày 11/6, giá xăng dầu giữ đà tăng, giá dầu Brent tăng 2,01 USD, tương đương 2,5%, lên 81,63 USD/thùng; giá dầu WTI của Mỹ tăng 2,21 USD, tương đương 2,9%, lên 77,74 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa cao nhất đối với cả hai mặt hàng dầu chuẩn từ cuối tháng 5 đến nay.

Nhận xét về sự tăng tốc bất ngờ của giá dầu trên Reuters, các nhà phân tích tại Công ty tư vấn năng lượng Gelber and Associates cho biết, kỳ vọng về nhu cầu mùa hè đang hỗ trợ giá. Trong khi đó, các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết họ kỳ vọng giá dầu Brent sẽ tăng lên 86 USD/thùng trong quý 3. Trong báo cáo của mình, các nhà phân tích này cho rằng nhu cầu vận tải trong mùa hè sẽ đẩy thị trường dầu mỏ rơi vào tình trạng thâm hụt 1,3 triệu thùng/ngày trong quý III.

Trong nước, ngày 11/6, giá bán lẻ xăng dầu phổ biến trên thị trường như sau: xăng E5 RON92 không quá 21.141 đồng/lít, xăng RON 95-III không quá 21.977 đồng/lít, dầu diesel không quá 19.422 đồng/lít, dầu hỏa không quá 19.557 đồng/lít và dầu mazut không quá 17.285 đồng/kg.

Malaysia khởi động chiến dịch siêu giảm giá thu hút du khách quốc tế: Cục Xúc tiến du lịch Malaysia vừa công bố khởi động chiến dịch Malaysia Mega Sale 2024, kéo dài từ ngày 15/6 đến 31/7 nhằm thu hút thêm nhiều du khách quốc tế đến với Malaysia.

Chiến dịch Malaysia Mega Sale 2024 là một trong những sáng kiến chủ đạo nhằm xúc tiến các hoạt động quảng bá du lịch mang tính bứt phá của du lịch nước này. Sáng kiến không chỉ quảng bá Malaysia là điểm đến mua sắm hàng đầu mà còn hướng đến mục tiêu phục hồi kinh tế bao gồm các lĩnh vực lưu trú, ẩm thực và du lịch.

Theo Cục Xúc tiến du lịch Malaysia, chương trình có được nhờ sự hợp tác cùng Hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines và ba đối tác là những công ty du lịch trực tuyến, gồm Trip.com, Agoda.com và Traveloka.com.

Châu Âu sắp tăng thuế với xe điện Trung Quốc: Chưa đầy một tháng sau khi Washington tăng 4 lần thuế với xe điện Trung Quốc lên 100%, Liên minh châu Âu sẽ nối bước nhưng gần như chắc chắn thấp hơn nhiều so với Mỹ, theo Reuters.

EU đang áp dụng thuế suất 10% với xe điện “made in China” nhập khẩu. Giới phân tích dự đoán mức thuế mới sẽ trong khoảng từ 10% đến 25%. Dựa trên dữ liệu thương mại năm 2023, cứ thêm 10% thuế suất so với mức hiện hành, các nhà nhập khẩu xe điện Trung Quốc tại châu Âu phải trả thêm khoảng một tỷ USD.

Quyết định tăng thuế công bố tuần này là biện pháp tạm thời trong lúc EU đang tiếp tục cuộc điều tra chống trợ cấp với xe điện Trung Quốc, dự kiến kéo dài đến tháng 10. Sau khi có kết quả, mức thuế chính thức sẽ được áp dụng, trừ khi bị các nước thành viên phản đối.

Indonesia bắt đầu áp dụng Wi-Fi 7: Hãng Telkomsel, phối hợp với Bộ Truyền thông và Thông tin Indonesia (Kominfo), đã hoàn thành việc xác nhận công nghệ Wi-Fi 7 đầu tiên ở nước này. Điều này đánh dấu bước tiến đáng kể trong việc đưa Indonesia bước vào kỷ nguyên Internet tốc độ cao, lên tới 10 Gbps.

Wi-Fi 7, là thế hệ công nghệ Wi-Fi mới nhất, mang lại nhiều lợi ích vượt trội. Tốc độ Internet cao hơn nhiều, dung lượng người dùng nhiều hơn, độ trễ thấp hơn và tiết kiệm năng lượng tốt hơn là một số điểm quan trọng được đưa ra.

Chính phủ Indonesia hy vọng rằng những đổi mới bền vững đang phát triển trên phạm vi toàn cầu cũng có thể được áp dụng và mang lại lợi ích cho Indonesia. Một trong số đó là đóng góp bổ sung cho hệ sinh thái thiết bị liên quan đến ngành công nghiệp trong nước.