Giá vàng thế giới lao dốc: Mở cửa đầu tuần giao dịch, ngày 17/6, giá vàng hôm nay ở thị trường quốc tế giao dịch phổ biến mức 2.324 USD/ounce, mất gần chục USD so với giá đóng cửa cuối tuần trước.
Giới phân tích nhận định kim loại quý sẽ khó bứt phá mạnh trong ngắn hạn, khi tuần này, thị trường chờ đợi những thông tin mới về cuộc họp chính sách tiền tệ của một số nước ở châu Âu. Giá vàng giảm sau khi phục hồi mạnh trong phiên cuối tuần.
Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá niêm yết vào khoảng 71,3 triệu đồng/lượng. Trong khi giá vàng thế giới đi xuống vào đầu tuần, thì các ngân hàng thương mại và công ty SJC vẫn giữ giá bán vàng miếng SJC ở mức 76,98 triệu đồng/lượng, giá mua vào là 74,98 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn và vàng trang sức 24K các loại giảm nhẹ về 73,3 triệu đồng/lượng mua vào, 74,9 triệu đồng/lượng bán ra tại công ty SJC, giảm 100.000 đồng so với hôm qua.
Giá tiêu quay đầu giảm: Sau khi đạt đỉnh 180.000-200.000 đồng một kg vào ngày 11/6, giá tiêu đã liên tục đi xuống, hiện còn 155.000-156.000 đồng một kg, tức giảm 14-27% chỉ trong vài ngày.
Ông Lê Việt Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), cho rằng việc xác định nguyên nhân chính xác của sự biến động giá tiêu là rất khó. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng giá tiêu tăng nóng, giảm mạnh có thể xảy ra khi lượng lớn nhà đầu tư mua để đầu cơ. Tuy nhiên, giá tiêu sẽ khó xuống dưới 100.000 đồng một kg, nhất là khi mùa thu hoạch đã kết thúc từ tháng 4 và diện tích trồng ngày càng bị thu hẹp để nhường chỗ cho các khu công nghiệp.
5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 114.400 tấn hồ tiêu các loại, với kim ngạch trên 493 triệu USD, giảm 13,2% về lượng nhưng tăng 20,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do thời gian qua, giá hạt tiêu xuất khẩu bình quân đạt 4.308 USD một tấn, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc ồ ạt mua, giá vải thiều Việt Nam cao kỷ lục: Theo thống kê, đến ngày 13/6, đã có hơn 39.400 tấn vải thiều được tiêu thụ trong thị trường nội địa và đã xuất khẩu hơn 23.300 tấn sang Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU, Australia…, trong đó 99% là xuất khẩu sang Trung Quốc.
Nếu như các năm về trước, giá bán vải thiều Bắc Giang bình quân chỉ dao động 30.000-55.000 đồng/kg thì năm nay, giá bán loại trái cây này đã tăng vọt lên mức bình quân 55.000-85.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay. Tại các chợ, cửa hàng bán lẻ thực phẩm ở Hà Nội, giá bán vải thiều dao động 85.000-165.000 đồng/kg, tùy mẫu mã.
Thống kê của Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, tổng diện tích trồng vải năm nay trên địa bàn đạt khoảng 29.700 ha, sản lượng ước đạt 100.000 tấn. Trong đó, vải chính vụ hơn 22.100 ha với sản lượng 49.940 tấn.
Từ 1/7, chuyển khoản trên 10 triệu phải xác thực sinh trắc học: Theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, từ ngày 1/7/2024, chuyển khoản qua tài khoản trực tuyến trên 10 triệu phải xác thực xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt và vân tay.
Cụ thể, các giao dịch cần xác thực sinh trắc học bao gồm:
Chuyển tiền online trên 10 triệu đồng/lần hoặc tổng số tiền giao dịch từ 20 triệu đồng/ngày trở lên.
Giao dịch lần đầu bằng ứng dụng ngân hàng (Mobile Banking) hoặc trước khi giao dịch trên thiết bị khác với thiết bị đang giao dịch lần gần nhất.
Ngoài ra, một số ngân hàng cũng áp dụng với một số giao dịch khác như: Đăng nhập lần đầu sau khi bấm “Quên mật khẩu” và cấp lại mật khẩu mới; Giao dịch thanh toán, tiết kiệm, giao dịch ví điện tử…
Tỷ phú Thái Lan sắp nhận cổ tức hơn nghìn tỷ đồng từ Sabeco: Hội đồng quản trị TCT cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – SAB) vừa thông báo chia trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2023 lần hai. Tỷ lệ là 20%, tức một cổ phiếu tương ứng 2.000 đồng tiền mặt và sẽ được nhận vào cuối tháng 7. Sabeco có hơn 1,28 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến cần chi gần 2.566 tỷ đồng để trả cổ tức.
Hiện Công ty TNHH Vietnam Berverage thuộc Tập đoàn Thai Beverage của tỷ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi, đang sở hữu gần 53,6% vốn Sabeco. Như vậy, cổ đông lớn này sẽ nhận về hơn 1.375 tỷ đồng cổ tức.
Đây là lần thứ bảy liên tiếp cổ đông người Thái nhận cổ tức nghìn tỷ đồng từ Sabeco. Cuối năm 2017, Tập đoàn Thai Beverage mua lại 53,6% cổ phần Sabeco. Kể từ đó, cổ đông xứ chùa vàng hưởng hàng nghìn tỷ đồng cổ tức mỗi năm, lũy kế đến kỳ này nhận được hơn 10.655 tỷ đồng.
Thép Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam: Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), với đà phục hồi hiện nay, dự báo sản xuất thép thành phẩm năm 2024 có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023. Tuy nhiên, sự phục hồi này không chắc chắn, doanh nghiệp thép còn gặp nhiều khó khăn.
Khó khăn đầu tiên mà VSA nhắc đến đó là việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng xuất khẩu thép, các nhà sản xuất thép Việt Nam đối diện với nguy cơ mất thị trường nội địa. Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, 5 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc xuất khẩu 45 triệu tấn thép, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023.
Thép Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu ồ ạt vào thị trường Việt Nam. Riêng 4 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu thép hơn 5,4 triệu tấn, tăng 42% so với năm trước. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu thép từ Trung Quốc 3,7 triệu tấn, chiếm 68% tổng lượng nhập khẩu.
Châu Á ưa chuộng ví điện tử: Ví điện tử hiện là phương thức thanh toán phát triển nhanh nhất trên thế giới với sự đi đầu của châu Á. Đó là thông tin được đưa ra trong báo cáo mới nhất của Công ty xử lý thanh toán Worldpay (Mỹ).
Hiện ví điện tử chiếm 50% giao dịch mua hàng thương mại điện tử và chiếm 30% giao dịch mua hàng tại cửa hàng trên thế giới trong năm 2023. Giá trị tổng giao dịch là 14.000 tỷ USD và con số này dự kiến tăng lên 25.000 tỷ USD vào năm 2027. Người tiêu dùng ở châu Á – Thái Bình Dương sử dụng ví điện tử nhiều nhất, chiếm 70% giao dịch trực tuyến và 50% giao dịch tại cửa hàng tại đây vào năm ngoái, với tổng chi tiêu là gần 10.000 tỷ USD.
Trung Quốc là quốc gia đi đầu thế giới về sử dụng ví điện tử với 82% chi tiêu thương mại điện tử và 66% giao dịch mua hàng tại cửa hàng, tổng giá trị giao dịch khoảng 7.600 tỷ USD. Còn tại Ấn Độ, ví điện tử tiếp tục là lựa chọn thanh toán chính, dự kiến chiếm hơn 70% tổng doanh số bán hàng vào năm 2027.
Lần đầu tiên ô tô Trung Quốc vượt qua các đối thủ của Mỹ về doanh số: Lần đầu tiên các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc vượt qua các đối thủ của Mỹ về doanh số bán hàng trong năm ngoái.
Cụ thể, trong năm ngoái, các hãng xe của Nhật Bản đứng đầu với doanh số 23,59 triệu xe. Tiếp đến là các thương hiệu của Trung Quốc, dẫn đầu là BYD có trụ sở tại Thâm Quyến, với 13,4 triệu xe mới được bán ra, trong khi con số này của các nhà sản xuất ô tô Mỹ vào khoảng 11,9 triệu xe, xếp thứ ba.
Trong báo cáo được công bố ngày 13/6, công ty chuyên cung cấp dữ liệu ô tô toàn cầu Jato Dynamics cho biết thành tích trên có được nhờ sự bùng nổ của hãng sản xuất xe điện BYD và sự tăng trưởng tại các thị trường mới nổi.
Nhà phân tích cấp cao Felipe Munoz của Jato Dynamics nhận định sự thờ ơ của các hãng xe truyền thống trong việc cải thiện tính cạnh tranh đã dẫn đến việc giá xe liên tục ở mức cao. Điều này vô tình đẩy người tiêu dùng hướng đến các lựa chọn thay thế từ Trung Quốc với mức giá phải chăng hơn.