Lần thứ ba hủy đấu thầu vàng miếng: Ngày 3/5, Ngân hàng Nhà nước lần thứ tư tổ chức phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC. Tuy nhiên, chỉ có một đơn vị duy nhất nộp phiếu tham dự, do đó phiên đấu thầu sáng nay tiếp tục bị hủy.
Như vậy, trong 4 lần Ngân hàng Nhà nước gọi thầu, có tới 3 lần thất bại do không đủ số lượng doanh nghiệp bỏ phiếu. Lần duy nhất tổ chức thành công là hôm 23/4 cũng chỉ bán được 20% số lượng vàng chào thầu cho hai đơn vị.
Mở cửa sáng 3/5, giá vàng miếng SJC gần như đi ngang so với hôm qua. Tuy nhiên càng gần về giờ trưa, giá vàng miếng càng tăng nhanh. Đến 11h30, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) nâng giá mua bán vàng miếng lên 83,5 – 85,8 triệu đồng, cao hơn tới 700.000 đồng một lượng so với hôm qua. Đây là mức giá cao kỷ lục của vàng miếng SJC từ trước đến nay.
Tỷ giá sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài: Đây là nhận định của Bộ phận Nghiên cứu thị trường & Kinh tế toàn cầu của UOB tại Báo cáo dự báo tỷ giá và ngoại hối toàn cầu mới nhất vừa công bố hôm nay 3/5.
Theo báo cáo, ở thị trường Việt Nam, USD/VNĐ giao dịch lên mức cao mới trên 25.463 đồng/USD trong tháng 4 cùng xu hướng với sự mạnh lên của USD so với các đồng tiền châu Á khác. Với kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Fed đang giảm dần, tỷ giá USD/VNĐ có thể sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn.
“Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp vào thị trường ngoại hối trong tháng 4 và điều này có thể giúp kiểm soát biến động. Ngoài những trở ngại bên ngoài trong ngắn hạn, chúng tôi kỳ vọng đồng VNĐ sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản vững chắc và sự phục hồi tiếp theo của đồng CNY”, các chuyên gia của UOB nhấn mạnh.
Doanh thu các hãng hàng không tăng mạnh nhờ giá vé cao: Nhiều hãng bay nội địa ghi nhận tăng trưởng doanh thu hàng chục phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi báo cáo tài chính quý I được công bố. Hai ông lớn nhất ngành – Vietnam Airlines và Vietjet ghi nhận khoản thu hợp nhất tăng lần lượt 25% và 38%, lên gần 28.270 tỷ và hơn 17.790 tỷ đồng.
Với hãng hàng không quốc gia, đây là mức thu một quý cao nhất từ trước đến nay. Trước dịch, thời điểm thu nhiều nhất của Vietnam Airlines (VNA) là quý I/2019, trên 25.500 tỷ đồng. Nhờ khoản thu kỷ lục quý đầu năm nay, công ty này ngắt được mạch thua lỗ 16 quý liền. Hãng lãi hợp nhất sau thuế hơn 4.440 tỷ đồng, riêng công ty mẹ lãi gần 1.500 tỷ trong 3 tháng qua.
Còn Vietjet (VJ) lãi sau thuế gần 540 tỷ đồng, gấp 3 lần quý I/2023. Với hãng bay chi phí thấp này, đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất từ đầu năm 2020 đến nay.
Amazon, Alibaba tham gia hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu: Tiếp nối thành công của năm 2023, Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu chính thức quay trở lại từ ngày 8 đến 11/5 tại SECC.
Năm 2024, hội chợ được mở rộng gấp đôi về quy mô so với năm ngoái, lên 450 gian hàng. Sự kiện dự kiến thu hút khoảng 20.000 khách tham quan, nhà mua hàng; trong đó có hơn 80% khách chuyên ngành là các nhà nhập khẩu, nhà thương mại, hệ thống các siêu thị, chuỗi bán lẻ tại các thị trường lớn Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Trong khuôn khổ các sự kiện diễn ra tại hội chợ 2024, doanh nghiệp tham gia triển lãm sẽ được gặp gỡ, kết nối và giao thương 1:1 với các đại diện lãnh đạo, phòng thu mua từ chuỗi các siêu thị và sàn thương mại điện tử đa quốc gia như Central Retail, MM Mega Market, Amazon, Alibaba.
4 tháng, xuất khẩu hồ tiêu thu về 353 triệu USD: Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 4/2024, Việt Nam xuất khẩu 27.000 tấn hồ tiêu, thu về 117 triệu USD. So với tháng cùng kỳ năm ngoái, hồ tiêu xuất khẩu chỉ tăng nhẹ 2,2% về lượng nhưng lại tăng mạnh 40,4% về giá trị.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu đạt 83.783 tấn, với kim ngạch hơn 353 triệu USD, giảm 18,3% về lượng nhưng tăng 11,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Giá hồ tiêu xuất khẩu bình quân tháng 4/2024 tăng tháng thứ 4 liên tiếp, đạt ngưỡng 4.342 USD/tấn, tăng 37,4% so với tháng 4/2023. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, giá tiêu xuất khẩu bình quân đạt 4.214 USD/tấn, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, có nhiều thị trường mới gia tăng nhập khẩu hồ tiêu của Việt Nam, trong đó nổi lên là Pakistan, Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ đều ghi nhận tăng trưởng ở mức 3 con số.
Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế GTGT đến hết năm 2024: Chính phủ vừa có Tờ trình số 177/TTr-CP trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trong 6 tháng cuối năm.
Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giải pháp giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số 110/2023/QH15, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024 (từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12) và giao Chính phủ tổ chức, thực hiện.
Theo tính toán, việc áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT cho 6 tháng cuối năm 2024 giảm thu khoảng 24.000 tỷ đồng (khoảng 4.000 tỷ đồng/tháng; trong đó giảm ở khâu nội địa dự kiến là 2.500 tỷ đồng/tháng và giảm ở khâu nhập khẩu khoảng 1.500 tỷ đồng/tháng).
Đồng yen Nhật có thể lặp lại kỷ lục của 38 năm trước: Chuyên gia Alvin Tan, người đứng đầu mảng chiến lược ngoại hối châu Á tại ngân hàng RBC Capital Markets, dự báo đồng yen có thể suy yếu xuống mức 165 yen đổi 1 USD lần đầu tiên kể từ năm 1986, bất chấp những nỗ lực của Nhật Bản nhằm ngăn chặn sự suy giảm của đồng tiền này.
Đồng yen Nhật Bản là “nạn nhân” rõ ràng nhất của sự chênh lệch lãi suất ngày càng lớn giữa Nhật Bản với Mỹ, và thậm chí cả hoạt động đầu cơ. Việc các cơ quan chức năng can thiệp để hỗ trợ đồng nội tệ của Nhật Bản vẫn chưa đủ để đảo ngược hoàn toàn xu hướng giảm giá.
Trong tuần qua, đồng yen đã rơi xuống mức thấp mới của 34 năm trong một tuần giao dịch sôi động, với nhiều đồn đoán rằng Chính phủ Nhật Bản đã buộc phải can thiệp hai lần để kiếm chế đà sụt giảm của đồng tiền này.
Nhiều “ông lớn” của Mỹ đang chuẩn bị hàng tỷ USD để mua TikTok: Theo NYPost.com ngày 2/5, một số ông trùm tài chính và công nghệ Mỹ đang chuẩn bị hàng tỷ USD để mua TikTok sau khi Tổng thống Joe Biden ký đạo luật buộc chủ sở hữu Trung Quốc phải bán ứng dụng này.
Đứng đầu trong số những ông trùm tài chính và công nghệ này phải kể tới cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Stevan Mnuchin, cựu Giám đốc điều hành (CEO) Bobby Kotick của hãng phát triển trò chơi điện tử Acltivision Blizzard, CEO Sam Altman của Open AI, CEO Bill Ackman của quỹ đầu tư Pershing Square và những nhà đầu tư triệu USD như Kevin O’Leary.
Theo đạo luật do Tổng thống Biden ký ban hành gần đây, ByteDance – công ty mẹ có trụ sở tại Trung Quốc của TikTok có một năm để thoái vốn khỏi nền tảng này, hoặc TikTok sẽ bị cấm hoàn toàn tại Mỹ. Tuy nhiên, việc mua bán TikTok sẽ gặp nhiều khó khăn khi Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết việc ByteDance thoái vốn khỏi TikTok cần sự phê duyệt của cơ quan này và họ phản đối mạnh mẽ bất kỳ thương vụ mua bán nào.