Thị trường 24/7: Dừng đấu thầu vàng miếng; Chuyên gia Nhật sắp sang VN kiểm định vải thiều

Dừng đấu thầu vàng miếng: Ngày 27/5, Ngân hàng Nhà nước thông báo sẽ điều chỉnh phương án bình ổn thị trường vàng.

Theo đó, nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ về việc xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ dừng đấu thầu vàng miếng. Thay vào đó, NHNN sẽ triển khai phương án bình ổn thay thế trong thời gian sớm nhất, dự kiến bắt đầu từ ngày 3/6.

Như vậy, tính từ ngày 22/4 đến nay, đã có 9 phiên đấu thầu vàng miếng SJC được NHNN tổ chức. Với 6 phiên đấu thầu thành công, tổng khối lượng vàng miếng SJC đã được các thành viên trúng thầu là 48.500 lượng (485 lô), tương đương hơn 1,8 tấn vàng đã được các thành viên dự thầu (gồm các công ty kinh doanh vàng và các tổ chức tín dụng) mua vào, từ đó cung ứng ra thị trường.

Giá vàng miếng tăng: Cuối giờ sáng nay, sau hai lần thay đổi, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng ở mức 88,5-90,5 triệu đồng mỗi lượng, tăng 600.000 đồng so với cuối ngày hôm qua. Biên độ mua – bán giữ ở mức 2 triệu đồng.

Tại các nhà vàng khác, kim loại quý cũng điều chỉnh tương ứng. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, Phú Quý, Bảo Tín Minh Châu bán quanh ngưỡng 90 triệu đồng, còn Mi Hồng giao dịch ở mức 90,3 triệu một lượng.

Giá nhẫn trơn cũng nhích nhẹ. Mỗi lượng nhẫn 24K tại SJC tăng 150.000 đồng cả hai chiều mua – bán, hiện giao dịch ở mức 75-76,6 triệu đồng.

Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay đi ngang quanh ngưỡng 2.350 USD một ounce, quy đổi theo tỷ giá Vietcombank tương đương hơn 72,1 triệu đồng mỗi lượng.

5 món ngon Việt Nam lọt top 100 món ăn đường phố hấp dẫn nhất ở châu Á: Bánh mì, phở, cơm tấm, chả giò và bánh xèo là 5 món ngon của Việt Nam được lọt vào danh sách 100 món ăn đường phố hấp dẫn nhất ở châu Á do chuyên trang ẩm thực quốc tế TasteAtlas công bố.

Đứng ở vị trí thứ 3, bánh mì không chỉ là món ăn quen thuộc của người Việt mà còn được thực khách quốc tế vô cùng yêu thích. Bánh mì độc đáo bởi hình thức, hương vị cũng như phương pháp chế biến và sự đa dạng về nguyên liệu.

Xếp ở vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng, cơm tấm là món ăn phổ biến ở miền Nam Việt Nam, là một trong những món ăn đường phố nổi tiếng trong nước và quốc tế.

Không thể thiếu trong danh sách này là phở – tinh hoa ẩm thực Việt. Đây là món ăn được du khách quốc tế ưa chuộng bởi hương vị tinh tế, đặc trưng, độc đáo. Món Phở được xếp thứ 10 trong bảng xếp hạng.

Trái cây Thái giá rẻ tràn ngập chợ Việt: Từ tháng 5 nhiều trái cây nhiệt đới Thái Lan vào vụ thu hoạch. Khảo sát tại TP.HCM cho thấy, trái cây Thái “ngập” chợ, được thương lái nhập về bán với giá hấp dẫn, thấp hơn khoảng 30% so với năm ngoái.

Theo các thương lái, trái cây Thái thường cho thu hoạch trước hàng Việt 1-2 tháng nên thời điểm này nhiều cơ sở nhập về bán để đa dạng mặt hàng. Ngoài ra, chi phí vận chuyển hàng từ Thái Lan sang Việt Nam cũng giảm 20-30% so với năm ngoái. Một số thương lái vận chuyển hàng bằng đường bộ, qua Campuchia, chi phí thấp hơn.

Số liệu từ Hiệp hội rau quả Việt Nam cho thấy 5 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu rau quả đạt 816 triệu USD, tăng trên 14% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, rau quả từ các thị trường quốc tế vào Việt Nam tăng mạnh. Riêng Thái Lan, 4 tháng, xuất khẩu rau quả nước này vào Việt Nam đạt 13,3 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó nhiều loại trái cây tăng ở mức hai con số.

Chuyên gia Nhật Bản sắp sang Việt Nam kiểm định vải thiều xuất khẩu: Ngày 28/5, nói với báo Thanh Niên, ông Nguyễn Quang Hiếu, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho biết ngày 30/5, 2 chuyên gia kiểm dịch thực vật của Nhật Bản sẽ có mặt tại Việt Nam để giám sát các lô vải thiều xuất khẩu.

Chuyên gia của MAFF sẽ có mặt tại cơ sở đóng gói vải thiều xuất khẩu tại Bắc Giang và Hải Dương. Toàn bộ chi phí đi lại, ăn nghỉ, thù lao trong thời gian làm việc tại Việt Nam sẽ do các doanh nghiệp chi trả theo quy định của phía Nhật Bản.

Theo yêu cầu của MAFF, vải thiều Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng methyl bromide tại các cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và MAFF công nhận với liều lượng tối thiểu là 32 g/m³ trong 2 giờ, đảm bảo loại bỏ toàn bộ vi sinh vật, hóa chất (nếu có) tồn dư.

Trong thời gian xử lý, các chuyên gia kiểm dịch thực vật của Nhật Bản và Việt Nam sẽ giám sát và đóng dấu chứng nhận cho từng lô hàng.

Nhiều vườn trồng vải tại Bắc Giang bị mất 50% sản lượng so với năm 2023. Ảnh: Giáp Quyên/Thanh Niên.

Bộ NN-PTNT đề nghị ngăn chặn nhập lậu con giống ngoại vào Việt Nam: Ngày 27/5, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã ban hành liên tiếp 3 công văn gửi 3 địa phương, gồm: Quảng Ninh, Lạng Sơn và Lào Cai, đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh này chỉ đạo lực lượng chức năng ở địa phương ngăn chặn, xử lý ngay các trường hợp vận chuyển, buôn bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Thời gian quan, cơ quan chức năng ở một số địa phương đã phát hiện, bắt giữ và xử lý một số vụ việc, phương tiện vận chuyển gia cầm giống lậu, nhưng theo thông tin từ các chủ trại chăn nuôi, số bắt được chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Một lượng gia cầm giống lậu đã tuồn từ khu vực biên giới về sâu trong nội địa mới được cơ quan chức năng phát hiện.

Trung Quốc thành lập quỹ hỗ trợ khổng lồ cho ngành chip nội địa: Theo nền tảng trực tuyến Tianyancha giai đoạn thứ ba của Quỹ Đầu tư Công nghiệp Mạch Tích hợp Quốc gia đã tích lũy được 344 tỷ NDT (47,5 tỷ USD) từ chính quyền trung ương và nhiều ngân hàng cùng doanh nghiệp nhà nước khác nhau, trong đó có Ngân hàng Công Thương Trung Quốc. Quỹ mới được thành lập vào ngày 24/5.

Cổ đông lớn nhất là Bộ Tài chính Trung Quốc. Các công ty đầu tư thuộc sở hữu của chính quyền địa phương ở Thâm Quyến và Bắc Kinh cũng đóng góp phần. Chính quyền tỉnh Thâm Quyến đã tài trợ cho một số nhà máy sản xuất chip ở tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc trong nỗ lực giúp Huawei Technologies Co. thoát các lệnh trừng phạt của Mỹ trong nhiều năm.

Công cụ đầu tư mới nhất, được gọi là Big Fund III, cho thấy nỗ lực mới từ Trung Quốc nhằm xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn của riêng mình. Những động thái này được thực hiện trong bối cảnh Mỹ kêu gọi các đồng minh – bao gồm Hà Lan, Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản – thắt chặt hơn nữa các biện pháp hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ chip của Trung Quốc.

Lạm phát cao làm nhu cầu tiêu dùng tại Hàn Quốc sụt mạnh: Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày 27/5 công bố báo cáo “Giá cả tăng cao và tiêu dùng”, trong đó cho biết giá tiêu dùng đã tăng lũy kế 12,8% kể từ sau năm 2021 cho tới gần đây. Mức tăng này cao gấp đôi so với mức tăng 5,5% cùng giai đoạn những năm 2010.

BoK cho biết, trong năm 2021 và 2022, giá cả tăng cao đã làm giảm khoảng 4% tốc độ tiêu dùng. Kể từ cuối năm 2023, mặc dù giá tiêu dùng đã tăng chậm lại, nhưng nhìn chung lạm phát vẫn cao và đây là yếu tố chính khiến nhu cầu tiêu dùng giảm. Lạm phát tăng khiến giá trị tài sản thực tế giảm, tác động trực tiếp đến nhu cầu tiêu dùng và khả năng sở hữu tải sản.

Giá cả tăng đặc biệt ảnh hưởng tiêu cực tới tầng lớp cao tuổi và thu nhập thấp. Tầng lớp cao tuổi chi tiêu cho các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như năng lượng, thực phẩm và đồ uống cao nên giá cả tăng sẽ gây ra gánh nặng lớn. Tỷ lệ tăng giá tiêu dùng theo cảm nhận của những người từ 60 tuổi trở lên cao hơn khoảng 2% so với các nhóm tuổi khác.