Giá vàng miếng SJC lên 82,5 triệu đồng: 10h15 ngày 12/3, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá mua bán vàng miếng ở mức 80,5 – 82,5 triệu đồng một lượng, tăng 300.000 đồng so với cuối chiều hôm qua, tiếp tục phá vỡ kỷ lục thiết lập trước đó.
Vàng nhẫn trơn 24K sáng nay tại SJC đắt thêm 100.000-150.000 đồng, lên 69 – 70,25 triệu đồng mỗi lượng. Như vậy, từ đầu năm đến nay, mỗi lượng vàng miếng tăng 8,5-9,5 triệu đồng, tương đương 11,5-13,5%. Nhẫn 24K cũng đắt thêm 11,5%, tức hơn 7 triệu đồng.
Trên thị trường quốc tế, giá kim loại quý lúc 11h30 theo giờ Hà Nội neo quanh 2.178 USD một ounce, quy đổi theo tỷ giá Vietcombank tương đương 65,15 triệu đồng một lượng. Theo đó, vàng miếng trong nước cao hơn 17 triệu đồng, còn nhẫn 24K chênh 5-6 triệu đồng so với thế giới.
Gạo Việt Nam sang Senegal tăng 215%: Năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này đạt 12.392 tấn, kim ngạch đạt 5,35 triệu USD (tăng 215%). Trong 2 tháng đầu năm nay, số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, Việt Nam đã xuất khẩu sang Senegal 414 tấn gạo, kim ngạch đạt 307.820 USD.
Trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và Senegal đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024, khả năng nước này sẽ tăng cường nhập khẩu gạo tấm từ châu Á. Tháng 3/2023, Ấn Độ đã cho phép các doanh nghiệp tư nhân xuất khẩu 250.000 tấn gạo tấm sang Senegal.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal, đây là thị trường tiêu thụ nhiều gạo với khối lượng nhập khẩu từ 900.000 đến 1 triệu tấn, chủ yếu là gạo tấm 100% giá rẻ.
Sẽ thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2024: Theo Bộ Tài chính, năm 2024, bộ có kế hoạch thanh tra với 6 doanh nghiệp bảo hiểm. Trong đó sẽ tiến hành thanh tra việc triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng nêu rõ, trong năm 2022, 2023, bộ đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 10/17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Cơ quan thanh tra của Bộ Tài chính đã kiến nghị xử lý về tài chính tổng số tiền là 21.000 tỷ đồng, trong đó loại ra khỏi chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021, năm 2022 với tổng số tiền là hơn 1.955 tỷ đồng. Cùng với đó, xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 doanh nghiệp bảo hiểm, phạt tiền 310 triệu đồng.
UOB dự báo GDP Việt Nam quý I đạt 5,5%: UOB dự báo kinh tế Việt Nam quý I tích cực hơn cùng kỳ năm ngoái, với tăng trưởng 5,5% và VND vẫn còn khả năng phục hồi nhẹ.
Dự báo được nêu trong Báo cáo dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý I/2024 vừa phát hành của Ngân hàng UOB. Như vậy, tình hình đầu năm nay dự kiến tích cực hơn quý I/2023 khi GDP tăng 3,32%, theo số liệu của Bộ Kế hoạch – Đầu tư.
Ngân hàng Singapore này lý giải trong khi rủi ro từ các sự kiện xung đột bên ngoài tiếp tục đè nặng lên kinh tế toàn cầu, triển vọng của Việt Nam được củng cố nhờ sự phục hồi của ngành bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và khu vực, cũng như sự dịch chuyển chuỗi cung ứng có lợi cho Việt Nam và Đông Nam Á.
Việt Nam sẽ mở văn phòng xúc tiến du lịch đầu tiên ở Lào: “Đây sẽ là văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài đầu tiên của du lịch Việt Nam, trong nỗ lực thay đổi phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch”, ông Nguyễn Trùng Khánh, cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, cho biết.
Theo ông Khánh, năm 2024 ngành du lịch có mục tiêu tham vọng, đón 17-18 triệu khách quốc tế, 110 triệu du khách nội địa. Và một trong nhiều giải pháp thực hiện là cục vừa hoàn tất quy hoạch du lịch 2025-2030 tầm nhìn 2045, đang chờ Thủ tướng phê duyệt, xác định định hướng phát triển cho toàn ngành.
Cục cũng xác định cần thay đổi phương thức xúc tiến thương mại dựa trên các phân khúc như du lịch cộng đồng, chăm sóc sức khỏe, nông thôn, MICE (du lịch kết hợp hội nghị), golf, du lịch đường sắt. Trong đó, xúc tiến thành lập văn phòng xúc tiến thương mại du lịch ở nước ngoài. Theo ông Khánh, đây là điểm yếu của Việt Nam so với các nước và trước tiên là mở văn phòng tại Vientine (Lào) để kết nối khách các thị trường Thái Lan, Campuchia…
Taylor Swift có thể góp 0,2% tăng trưởng GDP cho Singapore: Theo khảo sát của Bloomberg, GDP của Singapore có thể tăng 2,9% trong quý I – đánh dấu tốc độ nhanh nhất trong 6 quý gần đây.
Tờ Business Times đưa tin rằng tốc độ tăng trưởng này cũng khiến các nhà kinh tế phải điều chỉnh lại kỳ vọng tăng trưởng hàng năm của đảo quốc sư tử. Hiện các chuyên gia đã nâng dự đoán tăng trưởng kinh tế của Singapore lên 2,5% so với mức dự kiến trước đó là 2,3%. Điều này đưa mức tăng trưởng kinh tế của Singapore lên mức cao hơn phạm vi dự báo của chính phủ đảo quốc này từ 1% đến 3% cho năm 2024.
Chặng Singapore trong chuyến lưu diễn The Eras Tour của Taylor Swift, bao gồm 6 đêm diễn được xác định cũng góp phần thúc đẩy nền kinh tế này. Chuyên gia ước tính các buổi biểu diễn của Taylor Swift có thể tăng thêm 300-400 triệu SGD (225-300 triệu USD), tương đương 0,2 điểm % GDP cho nền kinh tế Singapore.
Căng thẳng Biển Đỏ đe dọa kinh tế châu Á: Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chỉ trong hai tháng đầu năm, hoạt động thương mại trên kênh đào Suez đã giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi lên tàu hàng trên Biển Đỏ làm giảm lưu lượng tàu thuyền đi qua kênh đào Suez.
Đây là tuyến hàng hải ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á, đóng góp 15% thương mại đường biển toàn cầu. Để tránh bị tập kích, các tàu hàng phải chuyển hướng sang đi vòng qua Mũi Hảo Vọng ở châu Phi. Việc này làm tăng thời gian vận chuyển trung bình thêm 10 ngày, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có kho hàng hạn chế.
Báo cáo mới đây của EIU – hãng nghiên cứu thuộc Economist Group – cho thấy diễn biến này có thể khiến tăng trưởng kinh tế của châu Á chậm lại, đồng thời thổi bùng lạm phát tại đây.
100.000 USD có thể là mục tiêu tiếp theo của bitcoin: Trong phiên giao dịch ngày 11/3, đồng bitcoin đã có thời điểm tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay, ở mức hơn 72.000 USD/BTC, giữa lúc đồng tiền kỹ thuật số phổ biến nhất thế giới này đang nhận được lực đẩy từ nhiều yếu tố thuận lợi.
Phiên này, bitcoin có thời điểm chạm mức 72.717 USD/BTC, qua đó kéo dài chuỗi ngày liên tục xô đổ các kỷ lục từ tuần trước, khi đồng tiền này phá kỷ lục được xác lập hồi tháng 11/2021 là 68.991 USD/BTC.
Bitcoin được hỗ trợ hơn nữa trong ngày 11/3 sau khi Cơ quan quản lý tài chính Anh (FCA) cho biết sẽ cho phép tạo ra các loại chứng khoán liên quan đến tiền số. Trước đó, giới chức Mỹ đã bật đèn xanh cho các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) bitcoin giao ngay, giúp các nhà đầu tư chính thống có thể dễ dàng đưa bitcoin vào danh mục đầu tư.
Chuyên gia Fiona Cincotta của công ty tài chính City Index cho biết thị trường tiền số đã tăng đến 350% từ mức thấp của năm 2022 và hầu như chưa có dấu hiệu dừng lại. Bà dự đoán 100.000 USD/BTC có thể là “mục tiêu tự nhiên tiếp theo” của bitcoin, song vẫn cảnh báo rằng đồng tiền này có thể rớt giá nhanh như đà tăng của nó.