Thị trường 24/7: Giá vàng miếng SJC tăng mạnh; Indonesia yêu cầu Apple, Google chặn Temu

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh: Lúc 9 giờ ngày 14/10, giá vàng miếng SJC được Công ty SJC niêm yết mua vào 83 triệu đồng/lượng, bán ra 85 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua. Giá vàng miếng tăng trở lại vùng đỉnh trong 4 tháng qua.

Cùng lúc đó, giá vàng nhẫn và vàng trang sức 24K được Công ty SJC giữ ổn định quanh mức 81,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 83 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty PNJ cũng niêm yết giá vàng nhẫn mua vào ở mức 82,3 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 83,3 triệu đồng/lượng.

Diễn biến giá vàng trong nước có phần trái ngược với xu hướng của thị trường thế giới. Vào sáng nay, giá vàng thế giới đã giảm mạnh hơn 10 USD/ounce, xuống mức 2.646 USD/ounce, bất chấp kỳ vọng của giới phân tích về đà tăng tiếp của kim loại quý trong tuần này.

VN Index mất điểm phiên đầu tuần: Ngay khi thị trường mở cửa, lệnh mua VHM ào ạt đẩy lên bảng điện giúp mã cổ phiếu này tăng vọt lên gần sát mức giá trần 46.650 đồng. Sắc xanh của VHM đã tạo nên sự sôi động cho cả thị trường khi bảng điện HoSE tràn ngập trong sắc xanh tăng giá. Giao dịch trong sự hưng phấn của nhà đầu tư, VN Index cũng bật mạnh lên sát mốc 1.300 điểm.

Tuy nhiên, sự lạc quan này chỉ duy trì trong thời gian đầu khi bên mua ở thế “thượng phong”. Ở những phút sau đó, nguồn cung giá rẻ bất ngờ tăng nhiệt khiến cho bảng điện dần chuyển sang sắc đỏ. Càng về cuối phiên, áp lực bán càng tăng khiến VN Index không duy trì được đà tăng. Kết phiên, chỉ số này giảm 2 điểm xuống còn 1.286,3 điểm.

Toàn sàn HoSE có 222 mã giảm 146 mã tăng và 69 mã đi ngang. Áp lực bán tháo phiên hôm nay có một phần nguồn cung từ khối ngoại. Theo thống kê, nhà đầu tư ngoại bán ròng 615 tỷ đồng trên sàn HoSE.

Năm 2025 Chính phủ dự kiến vay 815.238 tỷ đồng: Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV về tình hình nợ công năm 2024 và dự kiến năm 2025.

Năm 2025 theo phương án Chính phủ đang báo cáo Quốc hội, dự báo đến cuối năm 2025 dư nợ công ở mức khoảng 36-37% GDP, nợ Chính phủ ở mức khoảng 34-35% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức khoảng 33-34% GDP.

Tổng nhu cầu vay của Chính phủ dự kiến 815.238 tỷ đồng, tăng 20,6% so với kế hoạch năm 2024. Gồm vay của ngân sách trung ương là 804.242 tỷ đồng, tăng 21,9% so với dự toán năm 2024, còn lại là vay nước ngoài về cho vay lại.

Nguồn huy động gồm phát hành trái phiếu Chính phủ, vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Trường hợp cần thiết sẽ huy động từ các nguồn tài chính hợp pháp khác.

Doanh thu bảo hiểm nhân thọ tiếp tục đi xuống: Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm (gồm nhân thọ và phi nhân thọ) 9 tháng đạt 165.500 tỷ đồng, giảm 0,41% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 58.540 tỷ đồng, tăng gần 12,8%. Còn doanh số bảo hiểm nhân thọ vẫn đi lùi sau cuộc khủng hoảng vào năm ngoái, khi giảm 6,4% sau 9 tháng, đạt 106.980 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, 9 tháng đầu năm, các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả quyền lợi khoảng 64.070 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 821.240 tỷ đồng, tăng gần 10%. Tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 978.900 tỷ đồng, tăng 9,8%.

Một báo cáo khác của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), cho thấy thị trường bảo hiểm nhân thọ chưa hết khó khăn khi doanh thu phí khai thác mới của khối này trong 7 tháng đầu năm giảm tới 18,7% so với cùng kỳ, đạt 13.960 tỷ đồng.

Chè ba màu vào Top món tráng miệng ngon nhất châu Á: Theo Taste Atlas, chè ba màu là món ăn nhiều màu sắc, thường là xanh – vàng – đỏ, là món tráng miệng phổ biến ở Việt Nam. Thành phần gồm trân châu, hạt sen, đậu đỏ, hạt dẻ, thạch. Món chè không thể thiếu nước cốt dừa và trang trí thêm với chuối, đậu phộng nghiền hoặc các loại topping khác. Món ăn được phục vụ cả nóng và lạnh.

Chè ba màu đứng thứ 82, được đánh giá 4,1/5 điểm trong top 100 món tráng miệng ngon nhất châu Á.

Đứng đầu top 100 món tráng miệng châu Á là Dondurma – kem Thổ Nhĩ Kỳ, món ăn được cho là có nguồn gốc từ thành phố Maraş. Món kem ngoài thành phần cơ bản là hỗn hợp sữa đặc, đường còn có thêm kẹo cao su Arab và salep – loại bột làm từ rễ của hoa lan tím nên có kết cấu dẻo, đặc, chống tan chảy. Món kem cũng đặc biệt khi ăn do phải dùng cả dao và nĩa.

Goldman Sachs nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc: Trong báo cáo ngày 13/10, ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) kỳ vọng GDP Trung Quốc tăng 4,9% năm nay, cao hơn so với dự báo gần nhất của họ là 4,7%. Số liệu năm sau cũng được cải thiện, từ 4,3% lên 4,7%.

“Đợt kích thích mới nhất của Trung Quốc rõ ràng cho thấy giới chức có bước ngoặt về chính sách và ngày càng tập trung hơn vào kinh tế”, Hui Shan – nhà kinh tế học tại Goldman nhận định.

Động thái của Goldman Sachs được đưa ra trong bối cảnh các nhà kinh tế học và nhà đầu tư đang đánh giá tác động tiềm năng của loạt chính sách kích thích mà Bắc Kinh tung ra từ cuối tháng 9. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện đối mặt với áp lực giảm phát và tâm lý tiêu dùng yếu. Quý II, GDP Trung Quốc tăng 4,7%, chậm hơn đầu năm và thấp hơn dự báo của giới phân tích.

Indonesia yêu cầu Apple, Google chặn Temu: Ngày 11/10, Indonesia đã yêu cầu Alphabet (công ty quản lý Google) và Apple chặn ứng dụng thương mại điện tử Temu của Trung Quốc trên các cửa hàng ứng dụng tại nước này, theo Reuters.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông của Indonesia, Budi Arie Setiadi, cho biết động thái này nhằm bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, trước “làn sóng” sản phẩm giá siêu rẻ của Temu thuộc PDD Holdings.

Nhận định về mô hình kinh doanh của Temu, Bộ trưởng Budi cho rằng việc nền tảng này cho phép người tiêu dùng kết nối trực tiếp với các nhà máy ở Trung Quốc để giảm mạnh giá thành là một dạng “cạnh tranh không lành mạnh”.

“Chúng tôi không bảo vệ ngành thương mại điện tử, mà đang bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có hàng triệu doanh nghiệp tại Indonesia cần được bảo vệ ngay lúc này”, ông nhấn mạnh trong chia sẻ với Reuters.

Giá dầu châu Á trở lại xu hướng giảm: Chiều 14/10, giá dầu tại thị trường châu Á để mất gần như toàn bộ đà tăng trong tuần trước, giữa những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu của Trung Quốc. 

Vào lúc 13 giờ 49 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 1 USD xuống còn 78,04 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1 USD (1,3%) xuống 74,56 USD/thùng. Tuần trước, giá dầu Brent đã tăng 99 xu Mỹ, trong khi dầu WTI tăng 1,18 USD.

Theo số liệu chính thức, sức ép giảm phát tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã gia tăng trong tháng Chín và các nhà đầu tư băn khoăn về quy mô của gói kích thích nhằm hồi phục nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được công bố hôm 12/10.

Theo báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố tuần trước, tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ của thế giới trong năm tới sẽ không đạt như dự báo trước đây, do hoạt động kinh tế tại Trung Quốc và Bắc Mỹ giảm tốc.