Thị trường 24/7: Giá vàng nhẫn trơn rớt xuống 79 triệu đồng/lượng; Việt Nam chi hơn 300 tỷ USD nhập hàng hóa, nguyên liệu

Giá vàng nhẫn trơn rớt xuống 79 triệu đồng/lượng: Sáng 13/11, Công ty vàng SJC niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào 80,5 triệu đồng/lượng, bán ra 84 triệu đồng/lượng, giảm thêm 100.000 đồng mỗi lượng so với hôm trước. Giá vàng miếng giảm ngày thứ 3 liên tiếp, mất tổng cộng gần 2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn và vàng trang sức các loại rớt mạnh hơn. Công ty vàng SJC giao dịch giá vàng nhẫn trơn mua vào 79,5 triệu đồng/lượng, bán ra 82,2 triệu đồng/lượng, giảm thêm 800.000 đồng mỗi lượng. Trong vòng 3 ngày nay, giá vàng nhẫn mất tới 2,7 triệu đồng/lượng.

Các doanh nghiệp niêm yết giá vàng nhẫn có sự cách biệt đáng kể trong bối cảnh thị trường biến động mạnh. Công ty PNJ niêm yết giá vàng nhẫn mua vào 80,8 triệu đồng/lượng, bán ra 82,4 triệu đồng/lượng; Tập đoàn DOJI bán ra vàng nhẫn trơn 83,2 triệu đồng/lượng trong khi Công ty Bảo Tín Minh Châu bán ra 83,12 triệu đồng/lượng.

Giá USD ngân hàng lập đỉnh hơn 25.500 đồng: Ngày 13/11, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm tại 24.288 đồng, tăng 21 đồng so với hôm qua. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng thương mại được phép mua bán USD trong vùng giá thấp nhất 23.073 đồng, cao nhất 25.502 đồng.

Theo đó, các ngân hàng thương mại đã nâng giá USD lên kịch trần, đồng thời cũng vượt qua mức đỉnh lập hồi giữa năm nay. So với đầu năm, hiện giá USD trên thị trường chính thức cao hơn khoảng 4,4%. Cụ thể, Vietcombank niêm yết tỷ giá tại 25.150 – 25.502 đồng, tăng 22 đồng so với hôm qua. BIDV cũng nâng giá USD lên 25.180 – 25.502 đồng. Tại Eximbank, giá mua bán đôla Mỹ lên 25.140 – 25.502 đồng.

Tuy nhiên, giá mua bán USD trên thị trường tự do hôm nay có diễn biến ngược chiều, giảm nhẹ và vẫn cách xa vùng đỉnh. Một số điểm thu đổi ngoại tệ trên thị trường neo tại 25.450 – 25.650 đồng.

Chứng khoán đảo chiều cuối phiên: Thống kê thời điểm đóng cửa, bảng điện HoSE có 203 mã giảm so với 153 mã tăng và 72 mã đứng giá tham chiếu. Tuy nhiên, bảng điện VN30 kết phiên với gam màu trái ngược, với 15 mã xanh, so với 11 mã đỏ.

Sắc xanh từ nhóm VN30 cũng là động lực kéo xanh VN Index trong phút cuối, dù trước đó chỉ số này giảm hơn 10 điểm và rớt khỏi ngưỡng hỗ trợ 1.240 điểm. Kết phiên hôm nay, VN Index tăng nhẹ nhàng 1,22 điểm, lên 1.246,04 điểm.

Mã cổ phiếu tác động tích cực nhất lên chỉ số là VCB (đóng góp 0,8 điểm tăng). Kế đến là HVN, VPB, MGW, FPT, MSN, CTR, KBC, NVL. Chiều ngược lại, chỉ số chịu “kìm hãm” từ các mã HPG, GVR, BID, CTG, PLX, GAS, VJC, HDB. Thanh khoản phiên hôm nay tiếp tục đứng ở mức thấp với 660 triệu cổ phiếu khớp lệnh, tương đương giá trị giao dịch đạt 15.335 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước ra quy định mới về lãi suất tiền gửi: Ngày 13/11, Ngân hàng Nhà nước cho biết nhằm bảo đảm tính thống nhất về căn cứ pháp lý với các thông tư quy định về lãi suất tiền gửi, cơ quan này vừa ban hành các Quyết định 2410/QĐ-NHNN và 2411/QĐ-NHNN quy định về lãi suất tiền gửi. Trong đó chỉnh sửa căn cứ pháp lý ban hành và không thay đổi các mức lãi suất tiền gửi.

Cụ thể, Quyết định số 2410/QĐ-NHNN ngày 1/11 quy định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD của tổ chức và cá nhân đều là 0%/năm. Quyết định số 2411/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VNĐ đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng ở mức 0,5%/năm; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 4,75%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VNĐ tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô ở mức 5,25%/năm.

Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ấn định trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường. Các quyết định này có hiệu lực từ ngày 20/11/2024.

Tổng cục Hải quan cấm thông quan hàng hóa mua online qua ‘sàn chui’: Tổng cục Hải quan vừa có công văn yêu cầu cục trưởng cục hải quan các tỉnh, thành phố quán triệt, chỉ đạo các đơn vị thuộc cục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử.

Cụ thể, chi cục hải quan cửa khẩu nhập không thực hiện thủ tục hải quan đối với các tờ khai vận chuyển độc lập: không khai thông tin về tên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, tên website thương mại điện tử bán hàng, ứng dụng bán hàng tại ô “Ghi chú” trên tờ khai vận chuyển độc lập.

Hoặc có khai thông tin website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, website thương mại điện tử bán hàng, ứng dụng bán hàng nhưng các website, ứng dụng này chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam hoặc chưa được thông báo trên Hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử tại trang online.gov.vn của Bộ Công Thương.

Giá cam ở ĐBSCL còn 2.000 đồng/kg, thương lái vẫn không mua: Cam sành được trồng tập trung ở các tỉnh như Vĩnh Long, Hậu Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, Đồng Tháp. Có thời điểm giá cam tăng cao, lợi nhuận cao hơn trồng lúa rất nhiều nên người dân ồ ạt chuyển đổi sang trồng cam.

Vì vậy diện tích trồng cam tại ĐBSCL tăng nhanh nhưng đầu ra không ổn định dẫn đến nguồn cung vượt cầu khiến giá cam lao dốc, nhà vườn lao đao. Thời điểm này, thương lái thu mua cam tại vườn giá chỉ từ 2.000 đồng/kg. Để giảm chi phí, nông dân để cây ra trái tự nhiên, hạn chế xử lý ra trái nghịch vụ, nhưng đầu ra không ổn định dẫn đến tình trạng tồn đọng do nông dân sợ lỗ công thuê thu hoạch, cam chín phải bỏ đi.

Theo ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long, nguyên nhân giá cam giảm là do cam sành hiện nay chủ yếu tiêu thụ nội địa, chưa có thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, các tỉnh ĐBSCL liên tục mở rộng diện tích nên cung vượt cầu.

Việt Nam chi hơn 300 tỷ USD để nhập hàng hóa, nguyên liệu: Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 10/2024 đạt 33,6 tỷ USD, tăng 5,8% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu tháng 10 năm nay tăng 13,6% (chủ yếu nhờ mức tăng 18,6% của khu vực kinh tế trong nước, trong khi khu vực vốn đầu tư nước ngoài tăng 10,7%).

Tính chung 10 tháng năm 2024, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam là 312,28 tỷ USD, ghi nhận mức tăng trưởng 16,8% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, trong số các mặt hàng nhập khẩu, có 42 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 92,1% tổng kim ngạch nhập khẩu, với 4 mặt hàng vượt 10 tỷ USD, chiếm 48,3%. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 88,25 tỷ USD, tăng 23,7%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 39,7 tỷ USD, tăng 17%. Các mặt hàng như thép, cao su và nguyên phụ liệu dệt may, da giày cũng tăng mạnh, với mức tăng lần lượt là 23,2%, 30,1% và 19,3%.

Giá dầu thô có thể giảm còn 30-40 USD một thùng: Giá dầu năm sau được dự báo còn 30-40 USD nếu OPEC+ rút lại chính sách hạn chế sản xuất đã áp dụng 2 năm qua.

Hiện tại, giá dầu Brent là 72 USD một thùng. Dầu thô Mỹ WTI là 68 USD một thùng. Nếu nhu cầu dầu năm tới không tăng thêm hơn 1 triệu thùng mỗi ngày, việc OPEC+ rút chính sách giảm sản xuất “chắc chắn khiến giá lao dốc”, Henning Gloystein – Giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại Eurasia Group – cho biết trên CNBC. Ông cũng dự báo giá dầu về 40 USD một thùng năm 2025.

OPEC+ đã ghìm sản xuất 2 năm qua, nhằm ngăn dư cung trên thị trường, khiến giá giảm gây thiệt hại cho các nước thành viên vốn phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ. Tuy nhiên, giá năm nay lại giảm gần 6%. Nguyên nhân là các nước ngoài OPEC+, như Mỹ, tăng sản xuất. Trong khi đó, nhu cầu nhiên liệu tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, yếu đi.