Thị trường 24/7: Giá vàng nhẫn vượt mốc 84 triệu đồng/lượng; VN-Index tiếp tục mất điểm

Giá vàng nhẫn tăng từng giờ, vượt mốc 84 triệu đồng/lượng: Chiều 16/10, giá vàng miếng SJC vẫn được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào 84 triệu đồng/lượng, bán ra 86 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn 999,9 và vàng trang sức 24K tăng từng giờ, lên mốc cao mới.

Công ty SJC hiện giao dịch vàng nhẫn mua vào 82,6 triệu đồng/lượng, bán ra 83,9 triệu đồng/lượng, cao hơn buổi 200.000 đồng và tăng tới gần 1 triệu đồng mỗi lượng so với hôm qua. Công ty vàng PNJ bán vàng nhẫn 999,9 do công ty này sản xuất lên tới 84 triệu đồng/lượng, trong khi Công ty Bảo Tín Minh Châu đẩy đẩy giá bán vàng nhẫn 999,9 của công ty này lên 83,13 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 84,08 triệu đồng/lượng ở chiều bán.

Giá vàng trong nước chưa dừng đà tăng mạnh do ảnh hưởng từ giá vàng thế giới. Trên thị trường quốc tế, kim loại quý chiều nay tiếp tục lập thêm mốc cao tới 2.676 USD/ounce, tăng thêm hơn chục USD mỗi ounce so với phiên trước.

Thanh khoản giảm sâu, VN-Index tiếp tục mất điểm: Giai đoạn chờ kết quả kinh doanh quý III thường là thời điểm giằng co của chứng khoán, với tâm lý nhà đầu tư phân hóa. Thị trường mở cửa phiên giữa tuần gần tham chiếu, đi ngang quanh ngưỡng này cho tới trước giờ nghỉ trưa.

Sang phiên chiều, thị trường có nhịp biến động mạnh hơn. Áp lực bán tăng lên khiến VN-Index lùi sâu hơn dưới tham chiếu. Tuy nhiên, lực bán nhanh chóng bị hấp thu bởi cầu mua vào ở vùng giá thấp. Chốt phiên, chỉ số của sàn HoSE giảm 1,6 điểm, về dưới ngưỡng 1.280 điểm. VN30-Index cũng hạ gần 2 điểm (0,15%), xuống 1.354 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index đóng cửa với thay đổi trong biên độ hẹp.

Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 14.600 tỷ đồng. Trong đó, sàn HoSE chỉ đạt hơn 13.000 tỷ đồng, giảm gần 4.000 tỷ so với phiên trước. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 330 tỷ đồng, phiên thứ 4 liên tiếp. Cuối phiên, sàn HoSE có 153 cổ phiếu tăng giá, so với 209 mã giảm giá.

Mỹ có thể điều tra CBPG sản phẩm đúc bằng sợi Việt Nam: Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, nhận được thông tin về việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tiếp nhận đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC) đối với sản phẩm đúc bằng sợi (Molded fiber products) nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc.

Mã HS của sản phẩm gồm: 4823.70.0020; 4823.70.0040; 4823.61.20; 4823.61.40, 4823.69.20; 4823.69.40. Thời kỳ điều tra CBPG/CTC dự kiến 2023, thiệt hại dự kiến 3 năm (2021-2023).

Nguyên đơn cáo buộc các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu sản phẩm đúc bằng sợi của Việt Nam bán phá giá với biên độ 328-602%. Trong vụ việc này, nguyên đơn đề nghị sử dụng Indonesia là quốc gia thay thế do có mức độ phát triển kinh tế tương đồng với Việt Nam và có số lượng đáng kể các nhà sản xuất sản phẩm đúc bằng sợi (Indonesia nằm trong danh sách các nước thay thế mới nhất do DOC ban hành cho Việt Nam).

Úc điều tra CBPG thanh cốt thép cán nóng: Theo tin từ Cục Phòng vệ thương mại (PVTM), Ủy ban Chống bán phá giá Úc (ADC) thuộc Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Úc đã thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với mặt hàng thanh cốt thép cán nóng (hot rolled deformed steel reinforcing bar in lengths) nhập khẩu/có xuất xứ từ Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.

Theo đó, nguyên đơn là công ty Infrabuild NSW Pty Limited của Úc đã đệ đơn yêu cầu điều tra CBPG đối với các sản phẩm nêu trên với mã HS: 7214.20.00; 7228.30.10; 7228.30.90 và 7228.60.10. Thời kỳ điều tra từ 1/7/2023 đến 30/6/2024.

ADC đã ban hành Bản câu hỏi điều tra cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Hạn trả lời Bản câu hỏi là ngày 31/10. Theo lịch trình vụ việc, ADC dự kiến ban hành Kết luận sơ bộ vào ngày 25/11 (có thể gia hạn), ban hành Báo cáo về dữ kiện trọng yếu ngày 13/1/2025 và kết luận cuối cùng vào 26/2/2025.

Algeria cấm nhập khẩu một số sản phẩm sắt thép: Theo Thương vụ Việt Nam tại Algeria, trong số những sản phẩm từ nay không được phép nhập khẩu vào nước này có thép cuộn và các loại thép hợp kim khác sử dụng nhiều trong ngành công nghiệp và xây dựng, ván làm bằng sắt, thép dùng trong hoạt động đào đắp đất và chống đỡ, các loại máy móc, thiết bị tưới nước dùng trong nông nghiệp, các loại thép ống, thép hình, thép cán, thanh sắt, thép.

Đáng chú ý là lệnh cấm không áp dụng đối với các hoạt động nhập khẩu đã tiến hành trước thời hạn trên (có giấy tờ chứng minh ví dụ như vận đơn), do vậy, những doanh nghiệp đã đặt hàng trước ngày 1-10 vẫn có thể hoàn thành việc giao nhận sản phẩm.

Biện pháp này nằm trong khuôn khổ chính sách chung của Algeria nhằm giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và thúc đẩy sản xuất trong nước.

Giá cà phê đồng loạt giảm trên cả 2 sàn giao dịch quốc tế: Giá cà phê robusta trên sàn London, kỳ hạn tháng 11 giảm 60 USD xuống 4.909 USD/tấn, kỳ hạn tháng 1/2025 giảm 65 USD xuống 4.778 USD/tấn và kỳ hạn tháng 3/2025 giảm 63 USD còn 4.638 USD/tấn.

Giá cà phê arabica trên sàn New York, kỳ hạn tháng 12 giảm 117,7 USD xuống 5.663 USD/tấn và kỳ hạn tháng 3/2025 mất 111,1 USD còn 5.634 USD/tấn, kỳ hạn tháng 5/2025 giảm 108,9 USD xuống 5.691 USD/tấn.

Giá cà phê Tây nguyên giảm 500 đồng/kg, ở Đắk Nông 117.800 đồng/kg, Đắk Lắk 117.700 đồng/kg, Gia Lai 117.500 đồng/kg, Kon Tum và Lâm Đồng 116.700 đồng/kg.

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, thời gian gần đây giá cà phê hạ nhiệt ngoài việc EU hoãn thực hiện quy định chống phá rừng thì thị trường còn bị tác động bởi yếu tố giá đồng USD tăng.

Ấn Độ tính chi 109 tỷ USD phát triển hạ tầng truyền tải điện sạch: Ấn Độ công bố kế hoạch nâng cấp hệ thống lưới điện trị giá 9.150 tỷ rupee (109 tỷ USD) để phục vụ truyền tải năng lượng tái tạo.

Bộ Năng lượng Ấn Độ cho biết nước này đặt mục tiêu tăng công suất năng lượng tái tạo lên 500 GW vào năm 2030, tương đương 50% tổng công suất lắp điện toàn ngành điện. Do đó, cần phát triển hạ tầng truyền tải để đáp ứng sự mở rộng này.

Sau 2030, nền kinh tế này dự kiến lắp đặt thêm 100 GW công suất điện sạch trong hai năm tiếp theo để đạt tổng công suất 600 GW vào 2032. Không chỉ năng lượng tái tạo, Ấn Độ cũng có kế hoạch bổ sung thêm các nhà máy điện than và điện hạt nhân, tất cả đều gây thêm áp lực lên lưới điện. Vì vậy, kế hoạch dự kiến phát triển khoảng 51.000 km đường dây truyền tải và 4,3 triệu MVA (megavolt-amperes) công suất biến đổi, bổ sung cho lưới điện cao thế liêng bang Ấn Độ (ISTS).

Các ngân hàng Trung Quốc sắp giảm lãi suất: Ngày 15/10, Bloomberg trích nguồn tin thân cận cho biết mức giảm tiền gửi kỳ hạn 1 năm của Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) hay Ngân hàng Xây dựng (CCB) có thể là 20 điểm cơ bản (0,2%) trở lên. Các kỳ hạn dài hơn giảm ít nhất 25 điểm cơ bản.

ICBC, CCB dự kiến hạ lãi suất trong tuần này, theo kế hoạch của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC).

Hồi tháng 9, Thống đốc PBOC Pan Gongsheng cho biết họ có kế hoạch giảm lãi suất tiết kiệm thêm 20-25 điểm cơ bản. Nếu được thực hiện, đây là lần giảm quy mô lớn thứ hai của nước này năm nay, sau đợt tháng 7. Lượng tiền gửi tại các ngân hàng hiện là 300.000 tỷ nhân dân tệ (42.200 tỷ USD).

Các nhà băng Trung Quốc đang chật vật với nhu cầu vay yếu và nợ xấu tăng cao, do hầu hết lĩnh vực trong nền kinh tế giảm tốc và khủng hoảng bất động sản kéo dài.