Thị trường 24/7: Giá vàng SJC đứng yên hơn 30 phiên liên tiếp; Tasco mua lại nhà nhập khẩu xe Volvo tại VN

Giá vàng SJC đã đứng yên hơn 30 phiên liên tiếp: Vào khoảng 9 giờ 30, Công ty SJC vẫn niêm yết vàng SJC ở mức 74,98 triệu đồng/lượng mua vào và 76,98 triệu đồng/lượng bán ra. Các doanh nghiệp khác như PNJ, Doji cũng giao dịch ở mức 74,98 triệu đồng/lượng mua vào và 76,98 triệu đồng/lượng bán ra.

Giá vàng SJC đã đứng yên hơn 30 phiên giao dịch liên tục, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước tăng nguồn cung vàng ra thị trường nhằm bình ổn giá vàng thông qua 5 đơn vị: Công ty SJC và 4 NHTM Nhà nước.

Giá vàng nhẫn 9999 sáng nay cũng được các doanh nghiệp giữ nguyên giá niêm yết so với cuối tuần trước. Công ty SJC niêm yết vàng nhẫn 9999 ở mức 74,6 triệu đồng/lượng mua vào và 76,2 triệu đồng/lượng bán ra. Công ty PNJ giao dịch ở mức 74,6 triệu đồng/lượng mua vào và 76,1 triệu đồng/lượng bán ra. Trên thị trường vàng thế giới, giá chốt phiên tại New York cuối tuần trước vọt lên 2.388,6 USD/ounce, tăng gần 32 USD so với phiên trước đó.

Khối ngoại bán ròng, chứng khoán tăng nhẹ: VN-Index chốt phiên hôm nay ở sắc xanh, nhưng tăng chưa tới 1 điểm, lên 1283,56 điểm. VN30-Index ở chiều ngược lại khi giảm nhẹ, xuống 1.315,83 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index đóng cửa trên tham chiếu.

Cuối phiên, sàn HoSE có 243 cổ phiếu tăng giá, so với 214 mã giảm. GVR là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 1,4 điểm khi mã này tăng 4%, lên 36.500 đồng. Ngược lại, VCB là mã ghì chỉ số xuống nhiều nhất khi giảm gần 1%. Ngân hàng cũng là nhóm áp đảo trong sắc đỏ. Bộ ba cổ phiếu nhóm Vingroup, gồm VIC, VRE và VHM, giảm 1-2%.

Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bán ròng hơn 2.300 tỷ đồng, mức cao nhất hơn một năm, từ ngày 13/1/2023. Hôm nay cũng là phiên thứ 23 liên tiếp nhóm này bán ra.

Giá USD đồng loạt giảm: Giá USD trên thị trường quốc tế và trong nước đang cùng quay đầu giảm trong phiên giao dịch đầu tuần (8/7).

Ngày 8/7, tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam so với USD được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra ở mức 24.243 đồng/USD, giảm 3 đồng so với phiên giao dịch liền trước. Sở giao dịch NHNN vẫn giữ nguyên nêm yết giá mua – bán đồng bạc xanh ở mức 23.400 – 25.450 đồng/USD.

Tại Vietcombank, tỷ giá USD được niêm yết ở mức 25.205 – 25.455 đồng/USD (mua – bán), giảm 3 đồng so với cuối tuần trước. Trên thị trường tự do, giá USD đang được các điểm thu đổi ngoại tệ giao dịch ở mức 25.820 – 25.880 đồng/USD (mua – bán), tăng 20 đồng ở chiều mua vào nhưng giảm 10 đồng ở chiều bán ra.

Nhãn Sơn La mất mùa, được giá: Do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi nên năm nay nhãn Sơn La bị mất mùa nhưng đổi lại có giá cao kỷ lục hơn 50 ngàn đồng/kg.

Thống kê toàn tỉnh Sơn La cho thấy địa phương này hiện có gần 20.000 ha nhãn, diện tích cho thu hoạch gần 17.000 ha, sản lượng ước đạt 81.000 tấn.

6 tháng đầu năm 2024, sản lượng nhãn đã thu hoạch và tiêu thụ của địa phương này khoảng 718 tấn quả, giá trị ước đạt 27,5 tỷ đồng, chủ yếu là nhãn trái vụ tại huyện Sông Mã, giá bán nhãn trái vụ trung bình đạt 40-50 ngàn đồng/kg. Những ngày gần đây, giá nhãn Sơn La tiếp tục tăng, loại đẹp đạt gần 55 ngàn đồng/kg.

Tasco mua lại nhà nhập khẩu xe Volvo tại Việt Nam: Tasco Auto – thành viên trong hệ sinh thái ôtô của Tasco – vừa sở hữu 100% vốn Công ty Sweden Auto, đơn vị nhập khẩu và phân phối chính hãng xe Volvo tại Việt Nam.

Thông tin này vừa được Công ty cổ phần Tasco (HUT) công bố. Theo đó, việc thâu tóm Sweden Auto giúp Tasco Auto (tiền thân là Savico Holding) có quyền nhập khẩu, phân phối chính hãng xe Volvo tại Việt Nam. Thỏa thuận này cũng giúp Tasco tăng mạng lưới showroom trên toàn quốc, tiếp tục giữ vị trí nhà phân phối ôtô lớn nhất Việt Nam.

Volvo hiện là thương hiệu xe sang trong top đầu tại Việt Nam, sau 5 năm gia nhập thị trường. Năm 2022, Sweden Auto – đơn vị nhập khẩu, phân phối dòng xe này – đạt lợi nhuận trước thuế hơn 330 tỷ đồng. Năm ngoái, lợi nhuận của đơn vị này sụt giảm do khó khăn từ thị trường, song đã tăng trở lại trong nửa đầu năm nay.

Doanh nghiệp thực phẩm kêu trời về quy định bổ sung i-ốt, sắt, kẽm vào bột mì: Đại diện 5 hiệp hội trong lĩnh vực chế biến thực phẩm gồm: Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao và Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc vừa cùng ký tên vào công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế về việc kiến nghị sửa đổi các quy định tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. 

Theo đó, quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 điều 6 Nghị định 0909/2016/NĐ-CP: “Muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt” và “Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm”, các hiệp hội ngành hàng cho là bất cập, đi ngược lại nguyên tắc quản lý rủi ro; thiếu cơ sở khoa học và không chính xác với hướng dẫn của Tổ chức y tế Thế giới; không phù hợp với thông lệ quốc tế và các ngành sản xuất thực phẩm xuất khẩu; gây tốn kém, khó khăn cho sản xuất kinh doanh thực phẩm.

BYD mua lại 20% cổ phần tại nhà phân phối ôtô hàng đầu Thái Lan: Hãng sản xuất ôtô điện BYD của Trung Quốc mới đây tuyên bố sẽ mua lại 20% cổ phần của Rever Automotive – nhà phân phối ôtô của Thái Lan, nhằm tăng cường sự hiện diện của họ tại Đông Nam Á.

Hiện Thái Lan là thị trường xe điện lớn nhất của BYD bên ngoài Trung Quốc. Hãng này đã nhanh chóng trở thành thương hiệu xe điện bán chạy nhất xứ chùa vàng.

Theo công ty nghiên cứu Counterpoint, trong quý đầu năm nay, BYD chiếm 46% thị phần trong phân khúc xe điện ở Thái Lan và là công ty lớn thứ ba trong lĩnh vực xe du lịch.

Nhà sản xuất ôtô có trụ sở tại Thâm Quyến đã khai trương nhà máy đầu tiên ở Đông Nam Á tại Thái Lan trong tuần qua. Nhà máy có tổng mức đầu tư 490 triệu USD, bao gồm 10.000 công nhân và công suất 150.000 xe/năm.

Lượng khách của ngành hàng không Hàn Quốc đạt mức cao kỷ lục: Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc vừa công bố số liệu cho thấy lượng hành khách của các hãng hàng không Hàn Quốc đã đạt mức kỷ lục 47,56 triệu lượt người trong nửa đầu năm nay, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, trong sáu tháng đầu năm 2024, 18,15 triệu lượt hành khách đã di chuyển trên các tuyến nội địa do 10 hãng hàng không Hàn Quốc cung cấp và 29,41 triệu lượt hành khách trên các tuyến quốc tế, tăng lần lượt 12% và 43% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự gia tăng trong lưu lượng hành khách trong nửa đầu năm chủ yếu là do các hãng hàng không giá rẻ tăng chuyến bay đến những điểm đến chặng ngắn tại Nhật Bản và Đông Nam Á trong bối cảnh lạm phát cao và đồng won yếu.

Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục trong nửa cuối năm, con số tương ứng dự kiến sẽ đạt 100 triệu lượt hành khách trong cả năm, vượt mức 93,47 triệu vào năm 2019 trước đại dịch.