Giá vàng tăng lên mốc 102 triệu đồng/lượng: Tại thời điểm 15h10, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng và vàng nhẫn ở mức 99,9 – 102 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 1,2 triệu đồng/lượng chiều mua vào tăng 800 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên đầu giờ chiều nay (lúc 2 giờ 15 phút).
Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận niêm yết giá vàng miếng và vàng nhẫn ở mức 99,2 – 101,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng miếng ở mức 99,7 – 101,9 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 900 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên đầu giờ chiều nay.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay tăng 1,9%, đạt mức 3.038,54 USD/ounce vào lúc 14 giờ 00 (giờ Việt Nam). Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng tiến 2,2%, lên 3.056,60 USD/ounce. Giá vàng đã tăng gần 2% trong phiên 9/4, giữa bối cảnh đồng USD suy yếu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.
Giá bán USD tự do vượt mức 26.200 đồng: Phiên 9/4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.936 đồng/USD, tăng 38 đồng so với phiên trước. Với biên độ +/-5%, tỷ giá trần hôm nay là 26.183 đồng/USD, tỷ giá sàn là 23.689 đồng/USD.
Theo đó, tỷ giá tại các ngân hàng tiếp tục xu hướng tăng. Chiều nay, Vietcombank niêm yết giá mua bán USD ở mức 25.792 – 26.182 đồng/USD (mua vào – bán ra), tăng 42 đồng cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên hôm qua.
BIDV cũng điều chỉnh tăng 47 ở cả hai chiều, niêm yết ở mức 25.822 – 26.182 đồng/USD. Trong khi đó, VietinBank niêm yết giá USD ở mức 25.820 – 26.182 đồng/USD, tăng 30 đồng chiều mua và 40 đồng chiều bán.
Tỷ giá USD trên thị trường tự do tiếp tục tăng mạnh thêm 70 đồng chiều mua và 80 đồng chiều bán, giao dịch ở mức 26.120 – 26.230 đồng/USD.
VN-Index chưa thể phục hồi: Chốt phiên giao dịch ngày 9/4, VN-Index giảm 38,49 điểm xuống 1.094,3 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 1,6 tỷ cổ phiếu, tương ứng hơn 32.402 tỷ đồng. Toàn sàn có 133 mã tăng giá, 351 mã giảm giá và 51 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 8,46 điểm xuống 192,58 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 143,5 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 1.935,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 63 mã tăng giá, 134 mã giảm giá và 37 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 0,09 điểm xuống 84,41 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 81,9 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 834,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 110 mã tăng giá, 214 mã giảm giá và 66 mã đứng giá.
Hôm nay khối ngoại quay lại mua ròng hơn 229 tỷ đồng trên sàn HOSE, tập trung tại các mã MWG (396,48 tỷ đồng), FPT (249,32 tỷ đồng), TCB (146,14 tỷ đồng) và GEX (89,49 tỷ đồng). Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng hơn 68 tỷ đồng, tập trung vào mã PVS (19,34 tỷ đồng), SHS (15,86 tỷ đồng), IDC (13,29 tỷ đồng) và CEO (6,35 tỷ đồng).
VPI dự báo giá xăng dầu giảm mạnh: Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho thấy, tại kỳ điều hành ngày mai 10/4, giá xăng dầu có thể giảm mạnh 6,5 – 8,6% nếu Liên bộ Tài chính – Công Thương không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
VPI dự báo giá bán lẻ xăng E5 RON 92 có thể giảm 1.624 đồng (8%) về mức 18.746 đồng/lít, còn xăng RON 95-III có thể giảm 1.795 đồng (8,6%) về mức 19.115 đồng/lít.
Mô hình của VPI dự báo giá dầu hỏa và diesel bán lẻ kỳ này cũng có xu hướng giảm mạnh, cụ thể dầu diesel có thể giảm 6,7% mức 17.234 đồng/lít, dầu hoả có thể giảm 6,5% về mức 17.516 đồng/lít, dầu mazut có thể giảm 6,9% về mức 15.841 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá dầu thế giới chạm mức thấp nhất trong 4 năm trong phiên giao dịch ngày 8/4 (giờ Mỹ), trong đó giá dầu Brent giảm 2,16%, xuống còn 62,82 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ WTI cũng giảm 1,85%, chốt phiên ở mức 59,58 USD/thùng.
Đồng NDT Trung Quốc tiếp tục suy yếu: Trong phiên giao dịch buổi sáng 9/4, đồng NDT tại thị trường trong nước đã giảm xuống 7,3505 NDT đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2023.
Tại thị trường châu Á, đồng NDT đã phần nào phục hồi với mức tăng khoảng 0,62% lên 7,3812 NDT/USD, sau khi đã giảm hơn 1% trong phiên trước đó và chạm mức thấp kỷ lục 7,4288 NDT đổi 1 USD.
Sự sụt giảm này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang và sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) nới lỏng kiểm soát đối với đồng nội tệ. Các nhà phân tích cho rằng đây là một nỗ lực nhằm chống lại tác động tiêu cực của thuế quan đối với xuất khẩu.
PBoC ngày 9/4 đã thiết lập tỷ giá tham chiếu trung tâm, mà đồng NDT trong nước được phép giao dịch trong biên độ 2%, ở mức 7,2066 NDT đổi 1 USD, mức yếu nhất kể từ ngày 11/9/2023.
Hàng Temu, Shein sắp phải nộp thuế 90% khi vào Mỹ: Theo sắc lệnh ông Trump ký ngày 8/4, mức mới sẽ là 90% giá trị món hàng hoặc 75 USD mỗi món, áp dụng từ 2/5. Kể từ ngày 1/6, mức 75 USD sẽ nâng lên gấp đôi.
Trước đó, đầu tháng 4, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh chấm dứt quy định de minimis (quá nhỏ để có ý nghĩa). Mỹ sẽ thu thuế 30% hoặc 25 USD mỗi món, áp dụng từ ngày 2/5.
Động thái này đã lấp lại lỗ hổng tồn tại nhiều năm qua. De minimis là chính sách cho phép các gói hàng dưới một ngưỡng giá trị nhất định được miễn thuế và kiểm tra hải quan. Mức này tại Mỹ là 800 USD.
Các ứng dụng thương mại điện tử Trung Quốc, như Temu, Shein, AliExpress gây dựng mô hình kinh doanh theo lỗ hổng này. Việc nới lỏng quy định và miễn thuế với sản phẩm giá trị thấp cho phép người tiêu dùng mua cả tỷ gói hàng giá rẻ mỗi năm, từ quần áo đến đồ dùng gia đình.
Mỹ bắt đầu áp thuế đối ứng lên tới 84% với các nước: Từ 0h01 ngày 9/4 (giờ Mỹ), thuế đối ứng áp dụng với hàng chục đối tác thương mại lớn của Mỹ sẽ được nâng lên, từ mức chung 10% có hiệu lực cuối tuần trước. Mức thuế mới là 11-84%.
Ví dụ, hàng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ chịu 20-26%. Việt Nam bị áp mức thuế 46%. Cao nhất là Trung Quốc với 84%, nâng tổng mức thuế bổ sung nước này phải chịu trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Donald Trump lên 104%.
Ông Trump công bố kế hoạch thuế đối ứng với hơn 180 quốc gia từ ngày 2/4. Thuế này áp dụng với hầu hết hàng nhập khẩu vào Mỹ.
Tuy nhiên, hàng trăm sản phẩm không trong diện chịu thuế đối ứng. Ví dụ, nhôm, thép, xe hơi, phụ tùng ôtô đã bị Mỹ áp thuế 25% trước đó sẽ tiếp tục áp dụng mức này. Vàng, đồng, dược phẩm, sản phẩm bán dẫn và gỗ cũng vậy. Một số loại năng lượng và khoáng sản không có tại Mỹ không phải tuân thủ thuế này.