Giá vàng vượt 100 triệu đồng/lượng: Vào đầu giờ chiều 19/3, Công ty Bảo Tín Minh Châu tăng mỗi lượng vàng nhẫn thêm 400.000 đồng, lên 98,85 triệu đồng chiều mua vào, bán ra 100,4 triệu đồng.
Tập đoàn Doji cũng tăng vàng nhẫn thêm 400.000 đồng, lên 98,8 triệu đồng chiều mua vào, bán ra 100,3 triệu đồng. Công ty Phú Quý cũng tăng mỗi lượng vàng nhẫn thêm 300.000 đồng, lên 98,5 triệu đồng chiều mua vào, bán ra 100,2 triệu đồng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC tăng thêm 400.000 đồng mỗi lượng vàng, lên 98,2 triệu đồng chiều mua vào, bán ra 99,8 triệu đồng.
Giá vàng miếng SJC cũng đã tăng thêm 400.000 đồng mỗi lượng vào đầu giờ chiều 19/3. Các công ty kinh doanh tăng giá mua vào vàng miếng SJC lên 98,3 triệu đồng, bán ra 99,8 triệu đồng. Trong khi đó, giá vàng thế giới 3 ngày qua tăng 50 USD, lên mức kỷ lục mới ở 3.045 USD/ounce.
Nhà đầu tư chốt lời, chứng khoán giảm điểm: Phiên giảm nhẹ hôm qua, theo nhiều công ty chứng khoán, là cần thiết sau khi chỉ số đại diện cho sàn TP HCM đã tăng mạnh trong thời gian dài. Đó cũng được xem là tín hiệu tốt để phần nào hạn chế rủi ro lao dốc mạnh trong phiên hôm nay.
Đúng như dự đoán, chỉ số giao dịch dưới tham chiếu suốt phiên, nhưng thị trường không xuất hiện tình trạng bán tháo. Nhà đầu tư tập trung chốt lời ở những nhóm cổ phiếu tích lũy nhiều trong thời gian qua, khiến chỉ số mất thêm 6 điểm, xuống 1.324 điểm.
Áp lực xả hàng lan tỏa khiến khối lượng giao dịch tăng lên 949 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch cũng tăng khoảng 4.000 tỷ đồng, lên gần 23.500 tỷ. Khối ngoại giải ngân hơn 2.300 tỷ đồng trong khi bán ra đến 3.728 tỷ, tương ứng giá trị rút ròng hơn 1.400 tỷ đồng.
Xuất khẩu rau quả giảm: Theo Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã mang về 724 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng tháng 2, giá trị xuất khẩu mặt hàng này đạt 350 triệu USD, giảm 7% so với tháng trước đó.
Đáng chú ý, thị trường xuất khẩu chính của các mặt hàng rau quả Việt Nam là Trung Quốc ghi nhận mức giảm mạnh nhất. Giá trị xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đã giảm 39% so với cùng kỳ năm trước, về 306 triệu USD.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, từ đầu năm đến giữa tháng 2, lượng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt khoảng 3.500 tấn, giảm tới 80% so với cùng kỳ năm trước. Điều này tác động lớn đến kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả Việt Nam bởi đây là mặt hàng và thị trường chủ lực.
Xuất khẩu lô xoài tượng da xanh đầu tiên sang thị trường Mỹ: Ngày 19/3, UBND tỉnh Tiền Giang phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T, Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại xuất nhập khẩu Thanh Bình tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô xoài tượng da xanh đầu tiên tại tỉnh Tiền Giang sang thị trường Mỹ.
Tiền Giang hiện có trên 88.000ha diện tích cây ăn quả, sản lượng đạt trên 1,8 triệu tấn, chiếm gần 40% đất sản xuất nông nghiệp; trong đó, diện tích trồng xoài trên 2.000ha, với sản lượng trên 50.000 tấn.
Theo ông Nguyễn Đình Mười – phó tổng giám đốc Công ty TNHH TMDV xuất nhập khẩu Vina T&T, để có lô hàng xuất khẩu chính ngạch này, công ty đã cử cán bộ kỹ thuật xuống hỗ trợ nông dân một thời gian dài, hướng dẫn người trồng bao trái; xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; liên kết với tổ hợp tác… Sau lễ công bố, các doanh nghiệp đã chính thức xuất 1 tấn xoài tượng da xanh đầu tiên sang Mỹ và 6 tấn sang thị trường Úc.
EU thắt chặt kiểm soát đối với nhập khẩu thép và nhôm: Theo Euronews, Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch thắt chặt kiểm soát đối với việc nhập khẩu thép và nhôm để ngăn chặn tình trạng bán phá giá trên thị trường và xem xét áp thuế đối với xuất khẩu phế liệu kim loại của EU để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất nội địa.
Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến sẽ trình bày kế hoạch này trong ngày 19/3 (giờ địa phương), đưa ra các giải pháp trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ và sự cạnh tranh khốc liệt trên toàn cầu.
Bản dự thảo nêu rõ, cơ quan điều hành EU đang quan ngại tình trạng dư thừa công suất sẽ làm trầm trọng thêm tình hình thị trường thép sau khi các biện pháp bảo vệ hiện tại hết hạn vào ngày 30/6/2026.
“Vấn đề có thể trở nên tồi tệ hơn khi nhiều quốc gia hạn chế nhập khẩu, khiến EU trở thành điểm đến chính của lượng thép dư thừa”. Vì lý do này, “muộn nhất là vào quý III/2025, EC sẽ đề xuất một biện pháp dài hạn nhằm cung cấp mức độ bảo vệ tương đương cho ngành thép của EU”, Euronews trích thông tin từ bản dự thảo.
Alphabet chi 32 tỷ USD mua lại công ty khởi nghiệp Wiz: Alphabet (công ty mẹ của Google) ngày 18/3 đã công bố thương vụ mua lại công ty khởi nghiệp Wiz với mức giá “khủng” 32 tỷ USD. Đây là thương vụ lớn nhất từ trước đến nay của Alphabet, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của “gã khổng lồ công nghệ” này trong việc củng cố vị thế trên thị trường điện toán đám mây đầy cạnh tranh, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh mạng.
Mức giá 32 tỷ USD cao hơn đáng kể so với con số khoảng 23 tỷ USD mà Google từng đề xuất cho Wiz vào năm ngoái. Khi đó, những lo ngại về chống độc quyền đã buộc startup này phải gác lại thương vụ. Tuy nhiên, bối cảnh pháp lý khắc nghiệt của năm 2024 đã dần thay đổi khi Phố Wall kỳ vọng chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ nới lỏng các chính sách chống độc quyền, tạo điều kiện cho các thương vụ lớn dễ dàng được thông qua.
Với việc mua lại Wiz, Alphabet sẽ tích hợp các giải pháp an ninh mạng dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) của công ty này vào hệ sinh thái Google Cloud.
Nhiều khả năng Fed giữ nguyên lãi suất: Ngày 18/3, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu cuộc họp lãi suất kéo dài 2 ngày. Cuộc họp được dự báo sẽ không có biến động lớn trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về tăng trưởng kinh tế, lạm phát và sự bất ổn trong thương mại.
Các nhà phân tích hầu hết kỳ vọng Fed sẽ giữ lãi suất ở mức từ 4,25%-4,50%, mức đã được duy trì từ tháng 12.
Kể từ khi trở lại cầm quyền vào tháng 1, Tổng thống Donald Trump liên tục điều chỉnh thời gian và mức thuế quan áp với các đối tác thương mại hàng đầu như Canada, Trung Quốc và Mexico cũng như đe dọa áp thuế đáp trả với các quốc gia khác.
Theo kế hoạch, sau cuộc họp ngày 19/3, Fed cũng sẽ công bố các dự báo kinh tế mới nhất cùng với quyết định lãi suất. Trong các báo cáo trước đó, Fed dự báo sẽ giảm lãi suất 2 lần trong năm 2025 và lạm phát sẽ vẫn vượt mục tiêu trong năm nay và năm tới.