Thị trường 24/7: Giá xăng tăng thêm gần 400 đồng/lít; UOB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Giá xăng tăng thêm gần 400 đồng/lít: 15 giờ chiều nay (9/1), Liên Bộ Công Thương – Tài chính điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong nước. Theo đó, xăng E5RON92 tăng 374 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành, không cao hơn 20.431 đồng/lít; Xăng RON95-III tăng 273 đồng/lít, lên 21.019 đồng/lít.

Dầu diesel 0.05S tăng 488 đồng/lít, lên 19.243 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 410 đồng/lít, lên 19.244 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 83 đồng/kg, lên 16.182 đồng/kg.

Như vậy, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng lần thứ 2 liên tiếp từ đầu năm 2025 đến nay. Tại kỳ điều hành này, Liên Bộ tiếp tục không trích lập, không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Chứng khoán nhận kỷ lục buồn về thanh khoản: Phiên hôm nay, gần như toàn bộ các nhóm ngành đều tác động tiêu cực lên chỉ số. Từ những nhóm có vốn hóa lớn là ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, thép… cho đến những nhóm ngành có vốn hóa nhỏ như thủy sản, y tế, hóa chất, viễn thông.

Với từng mã cổ phiếu riêng biệt, cả thị trường chỉ ghi nhận 2 mã lớn kết phiên trong sắc xanh là VHM (tăng) và PLX (tăng). Trong khi đó, các mã lớn còn lại bị nhấm chìm trong sắc đỏ trước áp lực bán tháo từ bên nắm giữ. Thống kê, tác động tiêu cực nhất lên chỉ số là các mã ngân hàng như VCB,. BID, HDB, CTG.

Kết phiên hôm nay 9/1, VN Index giảm 5,25 điểm xuống còn 1.245,7 điểm. Toàn sàn HoSE có 263 mã giảm, 126 mã tăng và 64 mã đứng giá. Tuy nhiên, việc chỉ số xuống dưới mốc 1.250 điểm không đáng ngại bằng kỷ lục buồn về thanh khoản với 336 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, tương đương giá trị giao dịch đạt hơn 7.500 tỷ đồng. Đây là phiên giao dịch có giá trị giao dịch thấp nhất của thị trường chứng khoán trong nhiều năm trở lại đây.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh lên mức 86 triệu đồng/lượng: Sáng 9/1, Công ty SJC niêm yết giá mua vào vàng miếng SJC ở mức 84,5 triệu đồng/lượng, bán ra 86 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua. Trong 2 ngày qua, giá vàng miếng tăng tổng cộng 1 triệu đồng/lượng. Đây cũng là mức giá bán vàng miếng tại Công ty PNJ, Mi Hồng, DOJI và một số ngân hàng thương mại như ACB, Sacombank, Eximbank, Vietcombank, Agribank, BIDV…

Ở chiều mua vào, giá vàng miếng có sự chênh lệch giữa các doanh nghiệp và ngân hàng. Cụ thể, ACB mua 85 triệu đồng/lượng, PNJ mua với giá 84,8 triệu đồng/lượng, trong khi Mi Hồng mua vào lên tới 85,4 triệu đồng/lượng. Một số đơn vị khác niêm yết giá mua vào thấp hơn, quanh 84,5 triệu đồng/lượng.

Tương tự, giá vàng nhẫn và vàng trang sức 99,99 cũng tăng mạnh. Công ty SJC giao dịch vàng nhẫn trơn mua vào 84,5 triệu đồng/lượng, bán ra 85,8 triệu đồng/lượng, tăng nửa triệu đồng mỗi lượng. Trong 2 ngày qua, giá vàng nhẫn tăng tổng cộng 1 triệu đồng/lượng.

UOB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Các chuyên gia của UOB nhận định, với hiệu suất mạnh mẽ đáng ngạc nhiên trong 3 quý vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 7,09% trong năm 2024 so với mức 5,1% trong năm 2023, vượt qua mức dự báo chung của thị trường là 6,7% và mục tiêu chính thức là 6,5%. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất kể từ khi phục hồi sau Covid vào năm 2022 (8,1%).

“Xét đến động lực mạnh mẽ được chuyển tiếp từ năm 2024 và tính đến các rủi ro và bất lợi tiềm ẩn từ các cuộc xung đột thương mại tiếp theo từ chính quyền mới của Mỹ, chúng tôi nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 lên 7%. Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% cho năm 2025, trong khi Thủ tướng Phạm Minh Chính gần đây đã kêu gọi đạt mức tăng trưởng ít nhất 8%”, UOB cho biết.

Cũng theo UOB, với lạm phát chung và lạm phát cơ bản vẫn ở mức dưới mục tiêu chính thức là 4,5% trong năm 2024, đặc biệt là vào cuối năm. Điều này mở ra khả năng cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới lỏng lập trường chính sách của mình. Tuy nhiên, tỷ giá hiện là một vấn đề cần cân nhắc khác đối với NHNN và nhiều khả năng NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách để chống lại áp lực mất giá đối với đồng nội tệ.

Trung Quốc chi 11 tỷ USD tài trợ người dân đổi đồ gia dụng cũ lấy đồ mới: Theo báo Financial Times, Trung Quốc tiếp tục mở rộng chương trình hỗ trợ người tiêu dùng đổi đồ điện tử và đồ gia dụng cũ như máy lạnh, máy giặt cũ trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách nước này đang cố gắng cải thiện mức tiêu dùng suy yếu.

Sáng kiến về chính sách hỗ trợ người dân đổi đồ dùng cũ xuất hiện từ năm 2024 nhằm khuyến khích người dân mua ô tô và đồ gia dụng như lò vi sóng, nồi cơm điện, máy rửa chén, máy lọc nước cũng như điện thoại thông minh hay máy tính bảng có giá dưới 6.000 nhân dân tệ (hơn 818 USD).

Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc cho biết tại một cuộc họp báo hôm 8-1 ở Bắc Kinh rằng người tiêu dùng nào đổi đồ cũ sẽ nhận được một khoản tiền “phụ cấp” trị giá từ 15 – 20% giá trị của sản phẩm. Bộ Tài chính Trung Quốc tiết lộ họ sẽ phân bổ 81 tỉ nhân dân tệ (tương đương 11 tỷ USD) cho chương trình thu cũ đổi mới trong năm 2025.

Hơn 40% doanh nghiệp toàn cầu muốn giảm nhân sự vì AI: Ngày 8/1, WEF công bố báo cáo Future of Jobs (Tương lai việc làm). Theo đó, sau khi khảo sát hàng trăm doanh nghiệp lớn trên toàn cầu, họ nhận thấy từ nay đến năm 2030, 41% có kế hoạch giảm nhân sự khi trí tuệ nhân tạo (AI) đảm nhận một số công việc.

Bên cạnh đó, khoảng 77% cho biết có kế hoạch đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho lao động hiện tại trong giai đoạn 2025-2030 để làm việc cùng AI tốt hơn. Tuy nhiên, không như 2023, báo cáo năm nay không còn nhận định các công nghệ mới, gồm AI, “sẽ tác động tích cực” đến số lượng việc làm.

“Các cải tiến về AI và năng lượng tái tạo sẽ định hình lại thị trường việc làm, thông qua tăng nhu cầu với các vị trí về công nghệ hoặc chuyên gia, đồng thời giảm nhu cầu ngành nghề khác, như thiết kế đồ họa”, WEF cho biết trong thông cáo.