Thị trường 24/7: Hai ngân hàng tư nhân vượt quy mô vốn Big 4 quốc doanh; Nhiều DN Nhật Bản tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc

Tỷ giá hạ nhiệt, vàng tiếp tục tăng giá: Sáng 14/2, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng tại 88,3 – 91,3 triệu đồng, tăng 500.000 đồng chiều mua vào và 800.000 chiều bán ra so với hôm qua. 4 nhà băng quốc doanh cũng đồng thời nâng giá bán ra thị trường lên 91,3 triệu đồng.

Sáng nay, SJC cũng nâng giá mua bán nhẫn trơn lên 88,3 – 91,1 triệu đồng, tăng 600.000 đồng cả hai chiều. PNJ nâng giá nhẫn trơn lên 89,2 – 91,2 triệu.

Trong khi đó, giá USD trong nước sáng nay tiếp tục hạ nhiệt. Vietcombank niêm yết giá mua bán USD tại 25.220 – 25.610 đồng, giảm 50 đồng so với hôm qua. Tỷ giá tại BIDV cũng hạ về 25.240 – 25.600 đồng một USD. Còn trên thị trường tự do, giá mua bán đôla neo quanh 25.610 – 25.710 đồng.

Hai ngân hàng tư nhân vượt quy mô vốn Big 4 quốc doanh: Tính đến ngày 31/12/2024, tổng vốn điều lệ của 28 ngân hàng thương mại trong nước đạt trên 823.500 tỷ đồng (tương đương 33 tỷ USD), tăng 15% so với cuối năm 2023.

Tăng trưởng vốn điều lệ nổi bật nhất trong năm 2024 thuộc về Ngân hàng Quốc Dân (NCB) và Techcombank. Theo đó, vốn điều lệ của NCB năm qua đã tăng từ 5.600 tỷ đồng lên 11.780 tỷ đồng, trong khi Techcombank vươn mạnh mẽ từ 35.225 tỷ đồng lên 70.658 tỷ đồng. Nhờ bước nhảy vọt này, NCB đã lọt vào Top 20 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống, trong khi Techcombank nhảy thẳng lên Top 2.

Dù không tăng thêm vốn trong cả năm 2024, VPBank vẫn duy trì vị trí số 1 về quy mô vốn điều lệ toàn ngành ngân hàng, đạt 79.339 tỷ đồng. Đến cuối năm 2024, VPBank và Techcombank đều xếp trên nhóm 4 ngân hàng quốc doanh Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank về quy mô vốn.

Hộp quà kèm Baby Three trở thành ‘cơn sốt’ mùa Valentine: Nhiều cửa hàng tung hộp quà Valentine độc đáo kèm nhân vật này với giá tới hàng triệu đồng vẫn đắt khách.

Theo YouNet, trào lưu săn Labubu và đập hộp Baby Three bùng nổ nửa cuối 2024, thu hút 3,12 triệu thảo luận. Labubu gây sốt toàn cầu nhờ Lisa (BlackPink) và lan rộng tại Việt Nam từ tháng 8, đạt đỉnh với 565.000 thảo luận khi Pop Mart mở bán tại TP.HCM.

Sự hưởng ứng từ người dùng TikTok giúp “xé túi mù” trở thành xu hướng, với 390.000 thảo luận trên Facebook, TikTok. Trong 6 tháng cuối năm, 293.000 sản phẩm Labubu và Baby Three được bán ra trên Shopee, TikTok Shop, trung bình 49.000 sản phẩm một tháng.

Bên cạnh xu hướng này, thị trường quà tặng socola cũng ghi nhận sức mua tăng cao.

Hội An nằm trong Top 10 điểm đến lãng mạn nhất thế giới: Trong danh sách 10 điểm đến lãng mạn nhất thế giới do tạp chí Time Out của Anh bình chọn, Hội An đứng thứ 4.

Nhắc đến Hội An, Time Out nhắc ngay đến những con phố rợp đèn lồng nổi tiếng của Hội An là địa điểm bình dị để đi dạo trong ánh hoàng hôn và trò chuyện lãng mạn, được hỗ trợ bởi kiến trúc cổ xưa được bảo tồn tốt.

Tạp chí này miêu tả, những chuyến đi thuyền đèn lồng của nơi này là điều đôi khi chỉ xảy ra trong những giấc mơ lãng mạn – một sự kết hợp tuyệt vời giữa nét tinh tế của thiên nhiên và sự tự tin ấn tượng.

Các điểm đến còn lại trong danh sách lần này của Time Out là Venice (Italia), thác Niagara (biên giới giữa Canada và Mỹ), Marrakech (Morocco), Paris (Pháp), Zanzibar (Tanzania), Prague (Cộng hòa Séc), Kyoto (Nhật Bản) và Montreal (Canada).

Xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh: Nửa đầu tháng 1/2025, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) tăng mạnh 191% so với cùng kỳ năm 2024, đạt hơn 51 triệu USD.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), năm 2024, trong cơ cấu sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc), tôm loại khác chiếm tỷ trọng cao nhất 51,7% do Trung Quốc tăng khá mạnh nhập khẩu tôm hùm từ Việt Nam trong năm 2024. Tiếp đó tôm chân trắng chiếm 36,1% và tôm sú chiếm 12,2% tỷ trọng.

Năm 2024, xuất khẩu tôm sú sang Trung Quốc giảm mạnh hơn tôm chân trắng. Các sản phẩm tôm sú và tôm chân trắng chế biến giảm mạnh hơn các sản phẩm tươi/sống/đông lạnh. Tôm sú chế biến giảm mạnh nhất 44%. Xuất khẩu tôm loại khác ghi nhận tăng mạnh 174%. Tôm khác chế biến tăng 199%, tôm khác sống/tươi/đông lạnh tăng 185%. Hiện Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất tôm hùm của Việt Nam, chiếm đến 98 – 99%.

Nestle và Sources Alma bị cáo buộc lừa dối người tiêu dùng về chất lượng nước: Ngày 13/2, một thẩm phán Pháp đã mở cuộc điều tra gian lận đối với hai “ông lớn” trong ngành nước khoáng Pháp, Nestle và Sources Alma, về cáo buộc liên quan đến phương pháp xử lý bất hợp pháp trong quy trình sản xuất nước khoáng.

Cuộc điều tra được tiến hành sau khi nhóm giám sát Foodwatch đệ đơn khiếu nại chính thức đối với Nestle Waters (với các thương hiệu nổi tiếng như Perrier, Contrex và Vittel) và Sources Alma (nhà sản xuất nước khoáng lớn nhất của Pháp).

Trong những năm gần đây, Foodwatch đã liên tục gây áp lực lên hai công ty này về các phương pháp sản xuất của họ. Nestle Waters cũng từng thừa nhận vi phạm các quy định trong xử lý nước vào năm 2024.

Trong đơn khiếu nại mới nhất, Foodwatch cáo buộc hai tập đoàn trên đã lừa dối người tiêu dùng về chất lượng nước.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc: Theo tờ Global Times, kết quả khảo sát mới được Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc công bố mới đây cho thấy 58% số công ty Nhật Bản được khảo sát tại Trung Quốc cho biết họ có kế hoạch tăng hoặc duy trì đầu tư vào nước này, một trong những thị trường quan trọng nhất của họ trên toàn cầu.

Các doanh nghiệp trên nói rằng kế hoạch đầu tư của họ dựa vào nhiều yếu tố, bao gồm nhu cầu và đơn đặt hàng gia tăng. Ngoài ra, những thay đổi khác cũng củng cố niềm tin của các doanh nghiệp Nhật Bản vào thị trường này trong năm 2025 như môi trường kinh doanh được cải thiện, chính sách miễn thị thực cho công dân Nhật Bản và các biện pháp kích thích khác của Chính phủ Trung Quốc, bao gồm cả chính sách đổi cũ lấy mới.

Khảo sát không khí và môi trường kinh doanh trên được thực hiện từ ngày 9-24/1 với khoảng 8.000 công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Trung Quốc, với 1.484 phản hồi hợp lệ.