Thị trường 24/7: Lãi suất cho vay bình quân giảm; Thủ tướng Thái Lan hủy bỏ đề xuất thu phí du lịch

Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên giá bán vàng miếng: Giá bán vàng miếng SJC của Ngân hàng Nhà nước trực tiếp ngày 10/6 là 75,98 triệu đồng/lượng.

Hôm nay là ngày thứ 6 Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng SJC trực tiếp cho 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank) và Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) để bán cho người dân với mục tiêu thu hẹp chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới. Đây cũng là ngày thứ 3 giá bán vàng miếng SJC của Ngân hàng Nhà nước giữ ở mức 75,98 triệu đồng/lượng.

Ngay sau đó, 4 ngân hàng quốc doanh và SJC cũng thông báo giá bán vàng miếng ngày 10/6 tới tay người dân ở mức 76,98 triệu đồng/lượng. Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá niêm yết khoảng 70,5 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá bán vàng SJC khoảng 6,5 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn 24K khoảng 2,5 triệu đồng.

Lãi suất cho vay bình quân giảm: Vietcombank công bố lãi suất cho vay bình quân kỳ tháng 5 giảm 0,2% so với tháng trước đó, ở mức 5,9%/năm, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng giảm từ 3,3%/năm về 3,2%/năm và chênh lệch lãi suất sau khi trừ các chi phí liên quan hoạt động huy động vốn, sử dụng vốn từ 1,6%/năm về 1,5%/năm.

Cùng xu hướng giảm lãi suất cho vay bình quân còn có Sacombank, OCB… VIB áp dụng giảm lãi suất cho vay bình quân với khách hàng cá nhân từ 7,47%/năm xuống còn 7,33%/năm, khách hàng doanh nghiệp từ 6,98%/năm xuống 6,34%/năm, chênh lệch huy động và cho vay bình quân 3,47%/năm.

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chi nhánh TP.HCM, biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng trong quý 1/2024 đã giảm xuống 3,4% từ mức 3,73% so với cùng kỳ năm ngoái. Xu hướng giảm NIM hiện tại chủ yếu do tăng trưởng tín dụng thấp và việc các ngân hàng phải cắt giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng, đặc biệt là khách hàng doanh nghiệp, vốn đang gặp nhiều khó khăn về dòng tiền và thanh khoản.

Trung tâm dữ liệu đầu tiên của Việt Nam đạt tiêu chuẩn an toàn hệ thống thông tin cấp độ 4: Tập đoàn Công nghệ CMC (CMC) vừa cho biết, CMC Data Center Tân Thuận chính thức là đơn vị đầu tiên của Việt Nam đạt tiêu chuẩn An toàn Hệ thống Thông tin Cấp độ 4. 

Để Data Center (DC) đạt được tiêu chuẩn cấp độ 4, CMC phải trải qua thẩm định trên 3 trụ cột chính: Hạ tầng phần cứng đảm bảo tính liên tục 24/7/365; chính sách giám sát toàn diện, vận hành chặt chẽ; phần mềm quản trị, an ninh thông tin tiêu chuẩn quốc tế.

CMC Data Center Tân Thuận được Tập đoàn Công nghệ CMC đầu tư xây dựng và khai trương đưa vào sử dụng từ tháng 8/2022 với tổng số đầu tư lên tới 1.500 tỷ đồng. CMC Data Center Tân Thuận là đơn vị đầu tiên có chứng chỉ Uptime Tier III cho cả thiết kế kế và xây dựng, là DC duy nhất có chứng chỉ phòng chống rủi ro TVRA và cũng là DC đầu tiên có chứng chỉ PCI DSS dành cho các tổ chức tài chính, ngân hàng.

Giá hồ tiêu tiếp đà tăng mạnh: Hiện giá giao dịch hồ tiêu tăng khoảng 17.000 – 24.000 đồng/kg, xác lập tuần tăng giá mạnh nhất kể từ đầu năm 2024 đến nay.

Cụ thể, ngày 9/6, tại tỉnh Đắk Nông, thương lái thu mua với giá 160.000 đồng/kg, tại Đắk Lắk 157.000 đồng/kg, tăng 24.000 đồng/kg. Các tỉnh Gia Lai, Bình Phước và Đồng Nai ở mức 152.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg so với đầu tuần.

Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 5 tháng đạt 4.197USD/ tấn, tiêu trắng đạt 5.804USD/ tấn, tăng lần lượt 754USD đối với tiêu đen và 849USD đối với tiêu trắng so cùng kỳ năm 2023. Tính chung 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 114.424 tấn hồ tiêu các loại, kim ngạch thu về 493,1 triệu USD, giảm 13,2% về lượng, song kim ngạch xuất khẩu lại tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Xuất khẩu thuỷ sản có thể đạt 4,4 tỷ USD trong 6 tháng: Sáng 10/6, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức hội nghị toàn thể hội viên năm 2024. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho biết 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong số các sản phẩm chính, có mực, bạch tuộc và các loại cá khác (cá biển, cá nước ngọt) có giá trị xuất khẩu thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, giảm lần lượt 1% và 3%. Xuất khẩu tôm và cá tra tăng nhẹ, lần lượt tăng 7% và 4%, trong khi xuất khẩu cua ghẹ tăng mạnh nhất (tăng 84%), cá ngừ cũng tăng tích cực (tăng 22%), xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ (tăng 13%).

VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm 2024 đạt 4,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Kỳ vọng sau quý II, các vấn đề tồn kho và khó khăn vận tải sẽ giảm bớt, nhu cầu sẽ phục hồi và giá sẽ tăng lại vào quý III, là thời điểm nhu cầu cao phục vụ lễ Tết cuối năm.

Thủ tướng Thái Lan hủy bỏ đề xuất thu phí du lịch: Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin ngày 8/6 cho biết ông sẽ hủy bỏ đề xuất của chính quyền tiền nhiệm về việc thu phí du lịch 300 baht (khoảng 8,2 USD) đối với mỗi khách du lịch nước ngoài đến Thái Lan bằng đường hàng không.

Chính phủ của ông Srettha sẽ không xem xét đề xuất được đưa ra vào tháng Hai năm ngoái, vốn vấp phải sự phản đối của khu vực tư nhân.

Người đứng đầu chính phủ Thái Lan cho rằng mặc dù thu phí du lịch có thể tạo thêm doanh thu nhưng nếu nhìn rộng hơn thì nguồn thu này chưa chắc đã bằng số tiền thu được từ các khoản chi tiêu mua sắm của du khách, nếu họ không phải trả khoản phí trên.

Hàn Quốc gia tăng nhu cầu với sản phẩm cà phê giá phải chăng: Trong vài năm qua, các thương hiệu cà phê phát triển theo chuỗi nhượng quyền tập trung vào giá trị như Mega MGC Coffee và Compose Coffee, đã phát triển nhanh chóng ở Hàn Quốc nhờ nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm cà phê giá cả phải chăng.

Theo dữ liệu của Ủy ban thương mại công bằng Hàn Quốc, có 1.184 địa điểm Mega MGC Coffee trên toàn quốc vào năm 2020. Con số đó tăng lên 2.156 vào năm 2022, trước khi vượt qua mốc 3.000 cửa hàng vào tháng 5/2024. Compose Coffee có 725 cửa hàng được cấp phép vào năm 2020, nhưng con số đó hiện ở mức 2.571 chi nhánh.

Báo cáo thu nhập năm 2023 cho thấy tỷ suất lợi nhuận hoạt động của Mega MGC Coffee đứng ở mức 18%, trong khi chỉ số này của Compose Coffee là 41%. Tỷ suất lợi nhuận của các hãng này cao hơn đáng kể so với Starbucks, công ty đạt tỷ suất lợi nhuận hoạt động 6,5% trong cùng kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế 40% ôtô Trung Quốc: Từ 7/7, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ áp mức thuế mới 40% lên ôtô nhập từ Trung Quốc bảo vệ sản xuất nội địa. Mức thuế mới được tính trên giá ôtô Trung Quốc nhập khẩu và tăng 30% so với quy định cũ, trừ xe điện.

Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết quyết định áp dụng thuế bổ sung dựa trên các mục tiêu giảm thâm hụt tài khoản vãng lai và khuyến khích đầu tư, sản xuất trong nước.

Các thương hiệu ôtô lớn của Trung Quốc như Cherry, BYD Skywell, MG, Leapmotor, Seres, DFSK, Maxus, Hongqi, NETA và SWM chiếm gần 10% thị phần xe hơi tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm ngoái, nước này đã áp thuế 40% với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc và đưa ra một số quy định liên quan đến dịch vụ và bảo trì loại xe này. Thổ Nhĩ Kỳ đang khuyến khích sản xuất và xuất khẩu nhiều hơn để giảm thâm hụt thường xuyên, ở mức 45,2 tỷ USD vào năm ngoái.