Thị trường 24/7: Ngân hàng đẩy giá USD lên kịch trần; Nhật Bản tiếp tục trợ cấp giá xăng tới năm 2025

Ngân hàng đẩy giá USD lên kịch trần: Theo công bố của NHNN, tỷ giá trung tâm hôm nay là 24.267 đồng/USD, tăng 4 đồng so với sáng hôm qua. Với biên độ +/-5%, tỷ giá trần hôm nay là 25.480 đồng/USD và tỷ giá sàn là 23.053 đồng/USD.

Tại các ngân hàng, giá mua USD tăng mạnh trong buổi sáng, giá bán đã lên kịch trần 25.480 đồng/USD. Trưa nay, Vietcombank niêm yết giá mua bán USD ở mức 25.090 – 25.480 đồng/USD, tăng 4 đồng so với cuối phiên trước, tức giá bán đã lên kịch trần cho phép. BIDV công bố giá USD ở mức 25.165 – 25.480 đồng/USD. So với chốt phiên hôm qua, giá mua tăng 32 đồng, giá bán tăng 4 đồng. ACB niêm yết ở mức 25.130 – 25.480 đồng/USD, tăng 20 đồng chiều mua và tăng 5 đồng chiều bán.

Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do hôm nay tiếp tục tăng mạnh 40 đồng chiều mua và 50 đồng chiều bán so với niêm yết trước. Hiện mỗi USD được giao dịch ở mức 25.610 – 25.720 đồng/USD.

Chứng khoán giảm phiên thứ 4 liên tiếp: Thị trường chứng khoán phiên giao dịch ngày 12/11 diễn ra trong ảm đạm, chốt phiên VN-Index đã chính thức thủng mốc 1.250 điểm dù mở phiên VN-Index bật tăng gần 7 điểm.

Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index giảm 5,5 điểm (0,44%) còn 1.244,82 điểm với 236 mã giảm, 120 mã tăng và 79 mã đứng giá. Chốt phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index cũng giảm 0,17 điểm (0,07%) còn 226,69 điểm với 83 mã giảm, 64 mã tăng và 61 mã đứng giá. Thanh khoản giảm mạnh, tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE chỉ hơn 12.200 tỷ đồng, giảm 7.400 tỷ đồng so với phiên cuối tuần trước.

Khối ngoại vẫn chưa ngừng “tháo hàng”, tiếp tục bán ròng phiên thứ 13 liên tục trên sàn HOSE với tổng giá trị bán ròng gần 607 tỷ đồng. TOP 3 cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất thị trường TCB hơn 103 tỷ đồng, PVD gần 66 tỷ đồng và MSN gần 63 tỷ đồng.

Ngân hàng thu lợi lớn từ bán vàng miếng SJC: Theo công bố của NHNN, từ ngày 19/4 – 29/10, NHNN đã tổ chức 9 phiên đấu thầu và 44 phiên bán vàng miếng SJC trực tiếp ra thị trường với hơn 13 tấn vàng. Trong đó, từ ngày 19/4 – 23/5, NHNN đã tổ chức 9 phiên đấu thầu với tổng khối lượng trúng thầu là 48.500 lượng. Sau đó, NHNN chuyển sang bán vàng trực tiếp cho 4 NH thương mại nhà nước và Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC từ ngày 3/6 – 29/10 với 44 phiên, cung ứng ra thị trường 305.600 lượng vàng SJC, tương đương khoảng 11,46 tấn vàng.

Như vậy, cả 4 NH và SJC trong gần 5 tháng qua đã bỏ túi đến 305,6 tỷ đồng tiền chênh lệch 1 triệu đồng/lượng. Đó là chưa kể trong khoảng hơn 1 tháng trước đó (từ ngày 19/4 – 23/5) khi NHNN tổ chức đấu thầu, các NH và SJC cũng đăng ký mua vào. Với mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC với thế giới trong thời gian này vẫn lên đến 10 – 18 triệu đồng/lượng thì lợi nhuận mà các đơn vị này thu hoạch còn cao hơn.

Việt Nam chi gần 1,4 tỷ USD nhập thịt và phụ phẩm giá rẻ: Trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam chi gần 1,4 tỷ USD nhập khẩu thịt và phụ phẩm động vật, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo hải quan, phần lớn nguồn cung đến từ Ấn Độ, Mỹ, Nga và Đức. Thịt nhập khẩu có giá thấp hơn nhiều so với sản phẩm trong nước. Nhiều loại thịt heo, gà đông lạnh có giá bằng một nửa hàng nội địa, tạo sức hút lớn trên thị trường.

Lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng thịt nhập khẩu giá rẻ tràn vào Việt Nam đang tạo sức ép lớn lên ngành chăn nuôi trong nước. Dịch tả heo châu Phi lan rộng từ đầu năm đã làm giảm nguồn cung thịt nội địa và khiến giá thịt trong nước khó cạnh tranh hơn. Nếu không kiểm soát chặt chẽ, hàng nhập giá rẻ có thể tiếp tục gây áp lực, làm suy yếu nỗ lực phục hồi của ngành sau dịch bệnh.

Indonesia gia hạn điều tra thuế tự vệ hàng may mặc: Theo thông tin Cục Phòng vệ thương mại nhận được từ Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, ngày 7/11, Ủy ban Tự vệ Indonesia (KPPI) đã khởi xướng điều tra gia hạn áp thuế tự vệ toàn cầu đối với một số sản phẩm may mặc thuộc 131 mã HS.

KPPI yêu cầu các bên quan tâm nộp yêu cầu bằng văn bản và theo phương thức điện tử tới KPPI chậm nhất ngày 15/11 để được xem xét là bên liên quan. Đơn đăng ký cần bao gồm tên, địa chỉ, email, điện thoại, số fax của các bên quan tâm.

KPPI cho biết sẽ tổ chức phiên điều trần để tạo cơ hội cho các bên quan tâm trình bày ý kiến, bằng chứng lập luận vào ngày 21/11. Trước đó, ngày 22/10/2021, Bộ Tài chính Indonesia đã ban hành Quyết định áp thuế tự vệ toàn cầu đối với các sản phẩm may mặc. Thời hạn áp thuế trong 3 năm với các mức thuế giảm dần từng năm.

Giá cà phê đồng loạt xanh sàn: Giá cà phê robusta trên sàn London kỳ hạn tháng 1/2025 tăng 100 USD lên 4.476 USD/tấn, kỳ hạn tháng 3/2025 tăng 94 USD đạt 4.412 USD/tấn, kỳ hạn tháng 5/2025 tăng 95 USD lên mức 4.358 USD/tấn.

Giá cà phê arabica trên sàn New York cũng đồng loạt xanh sàn, kỳ hạn tháng 12 tăng 62,7 USD lên 5.650 USD/tấn, kỳ hạn tháng 3/2025 tăng 60,5 USD lên 5.640 USD/tấn, kỳ hạn tháng 5/2025 tăng 59,4 USD đạt 5.610 USD/tấn.

Giá cà phê Tây nguyên tăng 800 đồng/kg, ở Đắk Nông 110.000 đồng/kg, Đắk Lắk 109.800 đồng/kg, Gia Lai 110.300 đồng/kg, Kon Tum và Lâm Đồng 109.300 đồng/kg. Giá cà phê nội địa đang ở mức cao kỷ lục ngay trong vụ thu hoạch, nên trở thành mục tiêu của kẻ gian. Trong thời gian qua, ở nhiều nơi đã xảy ra tình trạng kẻ gian hái trộm cà phê của nông dân.

Bitcoin lên 89.000 USD: Một tuần sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đà tăng giá của Bitcoin (BTC) vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại. Khoảng 21h45 hôm qua (tức 9h45 giờ địa phương), tiền số này vượt 82.000 USD một đơn vị và tiến thẳng lên mốc 84.000 USD chỉ trong một tiếng đồng hồ. Sau đó, BTC liên tiếp thiết lập cột mốc mới trong đêm.

Khoảng 6h15 hôm nay, tiền số lớn nhất thế giới vượt 89.250 USD một đồng, tăng hơn 11% trong 24 giờ. Vốn hóa thị trường ghi nhận hơn 1.770 tỷ USD.

Điều này giúp Bitcoin vượt bạc để trở thành tài sản lớn thứ 8 trên thế giới. Nó chỉ sau vàng và các công ty công nghệ hàng đầu như NVIDIA, Apple, Microsoft, Alphabet, Amazon hay “đại gia” dầu khí Saudi Aramco.

Theo thống kê của một trong những sàn giao dịch phái sinh phổ biến nhất thế giới Deribit, có hơn 2,8 tỷ USD vốn cược vào việc Bitcoin sẽ vượt qua 90.000 USD, tức đặt lệnh quyền chọn mua (call option).

Nhật Bản tiếp tục trợ cấp giá xăng tới năm 2025: Tờ Nikkei ngày 12/11 đưa tin, Chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch tiếp tục trợ cấp giá xăng vào năm 2025, với các đợt cắt giảm theo từng giai đoạn.

Trong dự thảo kế hoạch kích thích kinh tế, các khoản trợ cấp sẽ được tiếp tục vào năm 2025. Tuy nhiên, Nikkei cho biết, giới hạn giá trần cho người tiêu dùng sẽ được nâng từ khoảng 175 yen (1,14 USD) một lít lên 185 yen.

Trước đó vào tháng 6/2024, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định gia hạn trợ cấp xăng cho đến cuối năm và tạm thời áp dụng lại biện pháp giảm giá hóa đơn tiện ích trong suốt mùa Hè.

Chương trình trợ cấp giá xăng đã được triển khai cho các nhà bán buôn nhiên liệu kể từ tháng 1/2022 để giảm giá bán lẻ. Chính phủ Nhật Bản đã gia hạn chương trình này bảy lần, bất chấp những chỉ trích về tác động của nó đối với tài chính công.