Thị trường 24/7: Giá vàng miếng mất mốc 90 triệu đồng; Người Úc ‘bạo chi’ nhất khi du lịch nước ngoài

Giá vàng miếng mất mốc 90 triệu đồng: Sau nhiều ngày tăng nóng, giá vàng thế giới đã hạ nhiệt vào phiên giao dịch sáng nay 17/5 (theo giờ Việt Nam) khi đồng USD tăng giá.

Biến động cùng chiều với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước hôm nay cũng giảm nhẹ với cả mặt hàng vàng miếng SJC và vàng nhẫn.

Cụ thể, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) hiện niêm yết giá vàng miếng ở mức 87,4 – 89,9 triệu đồng/lượng (mua – bán), giảm 100.000 đồng so với kết phiên liền trước.

Với mặt hàng vàng nhẫn, Công ty SJC hiện niêm yết giá vàng nhẫn 99,99% loại 1-5 chỉ ở mức 75,1 – 76,8 triệu đồng/lượng (mua – bán), thấp hơn 250.000 đồng so với cuối ngày hôm qua.

Hàn Quốc tiếp nhận đơn đề nghị điều tra thép Việt Nam bán phá giá: Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) vừa có văn bản gửi các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất thép xuất khẩu sang Hàn Quốc, lưu ý việc Ủy ban Thương mại Hàn Quốc đã có thông báo tiếp nhận hồ sơ của các doanh nghiệp Hàn Quốc đề nghị điều tra chống bán phá giá mặt hàng thép không gỉ cán nguội có xuất xứ từ Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Cục Phòng vệ thương mại, sau khi tiếp nhận hồ sơ (đơn) đề nghị của các doanh nghiệp Hàn Quốc, hiện nay, cơ quan chức năng của nước này mới chỉ đang dừng ở bước “xác minh hồ sơ đề nghị điều tra”. Nếu nhận thấy có dấu hiệu thép Việt Nam bán phá giá ở thị trường Hàn Quốc, cơ quan chức năng của nước này mới ra quyết định “khởi xướng điều tra”.

Cục Phòng vệ thương mại đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, xuất khẩu thép không gỉ cán nguội cần rà soát lại hoạt động xuất khẩu sang Hàn Quốc trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay; đồng thời chuẩn bị hồ sơ và phương án ứng phó nếu Hàn Quốc chính thức khởi xướng điều tra vụ việc này.

Hoa cúc Đà Lạt tăng giá mạnh trước đại lễ Phật đản: Ngày 17/5, theo ghi nhận của PV, thị trường hoa cúc ở TP.Đà Lạt và H.Lạc Dương (Lâm Đồng) tiếp tục sôi động, giá hoa tăng mạnh do nhu cầu sử dụng cho dịp đại lễ Phật đản tăng cao.

Ở làng hoa Thái Phiên (phường 12, TP Đà Lạt), nhiều nhà vườn phấn khởi thu hoạch, đóng thùng chuyển hoa đi TP.HCM và các tỉnh để kịp phục vụ dịp đại lễ Phật đản. Hiện nay, thương lái mua các loại hoa cúc như đại đóa, kim cương, saphia với giá từ 35.000 – 40.000 đồng/bó 10 cành, tăng gấp đôi so với ngày thường (chỉ từ15.000 – 20.000 đồng/bó). Giá hoa cúc chùm hiện cũng ở mức từ 18.000 – 20.000 đồng/bó 5 cành tùy màu, tăng gần gấp đôi so với trước.

Kiểm tra 35 cơ sở kinh doanh vàng tại TP.HCM: Cục QLTT TP.HCM vừa có báo cáo về tình hình kiểm tra hàng hóa và các hoạt động kinh doanh trên địa bàn.

Cụ thể, Cục QLTT TP.HCM, thông tin đã kiểm tra 35 cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn, tạm giữ 719 đơn vị sản phẩm các mặt hàng là nhẫn, dây chuyền, lắc đeo tay, mặt dây chuyền… Toàn bộ số hàng trên đều không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ (trong đó có một số mặt hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu) để thử nghiệm xác định trọng lượng, hàm lượng vàng. Tổng giá trị số hàng khoảng 1,3 tỷ đồng.

Cơ quan này đã xử lý, xử phạt 21 vụ, với số tiền 1,28 tỷ đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm. Các vụ việc còn lại, đang được tiếp tục xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định.

Cũng theo Cục QLTT TP.HCM, trường hợp sản phẩm vàng đang kinh doanh tại các cửa hàng, không có hóa đơn chứng từ theo quy định, được xác định là hàng hóa nhập lậu hay hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, sẽ bị tịch thu và xử phạt vi phạm hành chính.

Người Australia “bạo chi” nhất khi du lịch nước ngoài: Báo cáo thường niên về xu hướng du lịch toàn cầu được Viện Kinh tế Mastercard công bố ngày 17/5 cho thấy du khách Australia là những người chi tiêu nhiều nhất thế giới cho các trải nghiệm và cuộc sống về đêm, với 19% số tiền mặt trong kỳ nghỉ, so với mức trung bình toàn cầu là 12%.

Ông David Mann, chuyên gia kinh tế của Viện Kinh tế Mastercard, cho biết có sự khác biệt về sở thích du lịch của người Australia. Khi đi du lịch, họ thiên về khám phá và trải nghiệm hơn nhiều so với sở thích mua sắm.

Dữ liệu cho thấy Fiji, Bali (Indonesia), Tokyo và Osaka (Nhật Bản), Queenstown (New Zealand), Kuala Lumpur (Malaysia), Manila (Philippines) là những nơi thu hút nhiều du khách Australia nhất kể từ sau đại dịch COVID-19.

Tokyo (Nhật Bản) là một trong những nơi thu hút nhiều du khách Australia nhất kể từ sau đại dịch COVID-19. Ảnh: Kyodo/TTXVN.

Mì ăn liền Hàn Quốc tiến sâu vào thị trường châu Âu: Theo công ty và các quan chức trong ngành, xuất khẩu mì ăn liền của Hàn Quốc đã chuyển sang giai đoạn cao hơn khi Nongshim đã ký một thỏa thuận cung cấp với các nhà bán lẻ lớn ở Pháp. 

Nongshim đã trở thành nhà cung cấp chính thức cho E.Leclerc và Carrefour, hai chuỗi siêu thị lớn hàng đầu ở Pháp, cùng chiếm hơn 40% thị trường bán lẻ ở đó. Theo thỏa thuận, công ty, ngoài sản phẩm đặc trưng Shin Ramyun, sẽ xuất xưởng một sản phẩm thuần chay và các sản phẩm mì ăn liền cũng như đồ ăn nhẹ khác bắt đầu từ tháng tới.

Thỏa thuận mới nhất đã thúc đẩy sự nổi bật toàn cầu của ngành mì ăn liền đang phát triển nhanh chóng của Hàn Quốc khi các nhà sản xuất mì ăn liền khác ở đây như Samyang Foods, Ottogi và Paldo đang mở rộng sự hiện diện ở nước ngoài. Theo Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, vào năm 2023 họ đã đạt mức xuất khẩu cao kỷ lục hơn 1.000 tỷ won (730 triệu USD).

Giá nhà mới tại Trung Quốc giảm mạnh: Tính toán của Reuters dựa trên các số liệu Cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố hôm 17/5 cho thấy giá nhà mới tại nước này trong tháng 4 giảm 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tốc độ mạnh nhất kể từ tháng 7/2015. Giá này đã giảm 10 tháng liên tiếp.

Trong 70 thành phố có số liệu nhà ở, 64 ghi nhận giá hạ trong tháng trước. Con số này cao hơn hồi tháng 3.

Một báo cáo khác từ NBS cho thấy đầu tư vào bất động sản và doanh số bán nhà tại đây 4 tháng đầu năm sụt giảm mạnh hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Các thông tin này cho thấy nỗ lực vực dậy thị trường bất động sản của giới chức Trung Quốc vẫn chưa có hiệu quả. Địa ốc là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Nhật Bản thông qua luật hạn chế xây dựng trang trạng điện gió trên bờ: Ngày 17/5, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự luật hạn chế xây dựng các trang trại điện gió trên bờ nhằm ngăn chặn nguy cơ ảnh hưởng đến hệ thống radar của Lực lượng Phòng vệ nước này. 

Luật mới yêu cầu các doanh nghiệp phải thông báo cho chính phủ nếu họ có kế hoạch xây dựng trang trại điện gió tại các khu vực đã được Bộ trưởng Quốc phòng chỉ định. Trong trường hợp trang trại điện gió đề xuất xây dựng bị đánh giá là gây ảnh hưởng nghiêm trọng các hệ thống radar, chính phủ có thể cấm xây dựng trong 2 năm để thảo luận.

Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, các cơ sở sản xuất điện gió làm tăng quan ngại về nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động giám sát radar trên biển, cũng như liên lạc không dây giữa các vệ tinh và trạm mặt đất. Nhằm ngăn chặn việc này, Chính phủ Nhật Bản dự kiến khoanh các vùng xung quanh 28 hệ thống radar trên khắp cả nước.