Thị trường 24/7: Rộ tin Ấn Độ cân nhắc việc bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo; Khối ngoại ‘xả’ hơn 2.700 tỷ đồng VIB

Khối ngoại ‘xả’ hơn 2.700 tỷ đồng VIB: Phiên hôm nay 24/9, dù mã VIB kết phiên với mức giá tăng, nhưng “phía sau” bảng điện, nhà đầu tư ngoại bán ròng VIB với giá trị lên đến 2.723 tỷ đồng.

Do các giao dịch của khối ngoại với VIB được thực hiện với hình thức thỏa thuận nên không tác động tiêu cực lên thị giá của mã cổ phiếu này. Cụ thể, các giao dịch thoản thuận VIB ở mức giá 18.000 đồng, nhưng trên sàn giao dịch, VIB đóng cửa ở mức 19.100 đồng. Ngoài VIB, khối ngoại bán ròng loạt mã ngân hàng như HDB, VPB, TPB, EIB. Phía ngược lại, nhà đầu tư ngoại mua ròng các mã như MSB, MWG, STB, NAB, HCM, VHM.

Trở lại với diễn biến chính của thị trường, với tâm lý thoải mái, nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào, giúp cho VN Index đóng cửa với gần 9 điểm tăng lên xấp xỉ 1.277 điểm. Toàn sàn HoSE có 256 mã tăng, 95 mã đứng giá và 119 mã giảm. Bảng điện rổ VN30 tích cực hơn với 25 mã tăng so với 3 mã giảm và 2 mã đi ngang.

Giá USD trong nước đồng loạt tăng: Sáng 24/9, tỷ giá trung tâm giữa VND với USD do Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.146 đồng, tăng 20 đồng so với hôm qua. Tương tự, giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt tăng. Chẳng hạn, Vietcombank tăng 50 đồng, đưa giá mua USD chuyển khoản lên 24.470 đồng và bán ra lên 24.810 đồng; Eximbank cộng thêm 50 đồng và mua vào ở mức 24.480 đồng, bán ra 24.810 đồng…

Giá USD tự do tiếp tục tăng thêm 10 đồng, đưa giá mua lên 24.970 đồng và bán ra lên 25.070 đồng.

Giá USD thế giới biến động nhẹ theo chiều hướng tăng. Chỉ số USD-Index đạt 100,6 điểm, cộng thêm 0,1 điểm so với hôm qua. Theo Reuters, đồng USD đã thoát khỏi mức thấp nhất trong một năm được ghi nhận vào tuần trước trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho biết việc cắt giảm lãi suất lớn như vừa rồi là cần thiết.

Ô tô Trung Quốc dồn dập đổ bộ vào Việt Nam: Trong 8 tháng đầu năm nay, cả nước đã chi 14.550 tỷ đồng để nhập 19.649 ô tô Trung Quốc. Trái ngược với trước đây, ô tô Trung Quốc được nhập vào chủ yếu là xe tải, xe chuyên dụng, thì gần đây xe con chiếm áp đảo.

Theo phân tích mới nhất của Tống cục Hải quan về tình hình nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, trong tháng 8 có 15.061 chiếc ô tô đạt tổng trị giá 299 triệu USD, làm thủ tục hải quan nhập khẩu vào Việt Nam.

Điểm khác biệt so với những năm trước là thị trường nhập khẩu ô tô của Việt Nam có thêm Trung Quốc. Theo đó, xe có xuất xứ từ Thái Lan với 6.384 chiếc; từ Indonesia với 5.770 chiếc và ô tô Trung Quốc là 2.443 chiếc. Số ô tô nhập khẩu từ 3 thị trường này đạt 14.597 chiếc, chiếm tới 97% tổng lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam.

Giá cà phê Robusta “dậy sóng”: Đêm qua 23/9, giới kinh doanh cà phê Việt Nam chứng kiến một phiên giao dịch dậy sóng khi giá cà phê trên sàn ICE Futures Europe (London, Anh – mở cửa lúc 16 giờ 23/9 và đóng cửa lúc 0 giờ 30 phút ngày 24/9, theo giờ Việt Nam) đồng loạt tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn giao dịch sau một tuần giảm giá do áp lực chốt lời của các nhà đầu tư. 

Theo đó, so với cuối tuần trước, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 11 lên mức 5.276 USD/tấn, tăng 217 USD/tấn; kỳ hạn giao tháng 1-2025 lên mức 5.003 USD/tấn, tăng 200 USD/tấn; kỳ hạn giao tháng 3/2025 lên mức 4816, tăng 202 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 – 2025 lên 4.682 USD/tấn, tăng 197 USD/tấn.

Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới nhưng là nước xuất khẩu cà phê Robusta dẫn đầu. Các nhà rang xay và chế biến cà phê thế giới ngày càng phụ thuộc vào cà phê Robusta Việt Nam do chất lượng cải thiện, được đưa vào chế biến nhiều hơn và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Giá heo hơi tăng lên 70.000 đồng một kg: Ghi nhận của các hội chăn nuôi heo ba miền cho thấy, giá heo hơi ngày 23/9 tại Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội và Thái Bình đạt 70.000 đồng một kg, tăng 2.000 đồng so với ngày trước đó.

Giá heo hơi miền Trung và Tây Nguyên tăng thêm 1.000 đồng, dao động 65.000 đến 69.000 đồng một kg, tùy khu vực. Với miền Nam, mỗi kg hơi dao động 63.000-66.000 đồng, trong đó Đồng Nai ghi nhận mức cao nhất.

Diễn biến này đẩy giá thịt heo pha lóc tại chợ đầu mối Hóc Môn lên cao so với cùng kỳ 2023. Cụ thể, giá sườn non đã tăng 20.000 đồng, lên 145.000 đồng một kg; ba rọi lên 120.000 đồng. Tại các chợ truyền thống ở TP.HCM, giá thịt heo cũng tăng mạnh, 20-28% so với cùng thời điểm năm trước.

Rộ tin Ấn Độ cân nhắc việc bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo: Theo Reuters, tuần trước, Bộ trưởng Nông nghiệp Ấn Độ cho biết chính phủ đang cân nhắc việc bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati. Nguyên nhân do sản lượng lúa vụ kharif đang thu hoạch có thể cao hơn năm trước. Cùng với đó là lượng gạo dự trữ của nước này cũng đang ở mức cao.

Lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati vốn được áp dụng vào tháng 7/2023 để ứng phó với tình trạng khan hiếm gạo và giá cả nội địa tăng cao. Sau đó hàng loạt chính sách tương tự được áp dụng như áp giá sàn với gạo basmati, cấm cung cấp gạo cho ngành công nghiệp sản xuất ethanol…

Nhận định về thông tin trên, bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập chuyên trang về thị trường lúa gạo quốc tế SSRicenews, nói: Thực tế, thông tin Ấn Độ sẽ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo xuất hiện vài tháng gần đây. Nhưng đến thời điểm hiện tại mọi thứ vẫn chỉ là thông tin “bên lề” và lệnh cấm vẫn còn hiệu lực.

Trung Quốc tung thêm loạt chính sách kích thích kinh tế: Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sáng 14/9 thông báo nới lỏng tiền tệ cùng nhiều chính sách hỗ trợ bất động sản, nhằm vực dậy nền kinh tế.

Thống đốc PBOC Pan Gongsheng cho biết sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) cho các ngân hàng thêm 50 điểm cơ bản (0,5%). Lãi suất với các khoản cho vay mua nhà cũng hạ bình quân 0,5%. Việc này sẽ xoa dịu gánh nặng cho các hộ gia đình, nhưng có thể gây ra lo ngại về lợi nhuận ngân hàng. Một số loại lãi suất tiết kiệm và cho vay khác cũng được điều chỉnh thời gian tới.

Quý II, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn kỳ vọng, do khủng hoảng bất động sản kéo dài và người tiêu dùng lo ngại về việc làm. Các số liệu kinh tế tháng 8 đều không đạt dự báo, khiến giới chức bị thúc giục tung thêm chính sách kích thích.

Nhật Bản chật vật với giá gạo leo thang: Lượng gạo dự trữ của Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 6 do thời tiết nóng bức và lượng khách du lịch gia tăng khiến tiêu thụ cao hơn. Bên cạnh đó, hoạt động tăng cường mua gạo sau cảnh báo bão và động đất đã làm tình hình thiếu hụt thêm nghiêm trọng, buộc một số nhà bán lẻ phải hạn chế doanh số.

Vụ thu hoạch tháng này sẽ giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt, nhưng nông dân và nhà phân phối ngũ cốc đều thống nhất tăng giá bán. Giá gạo bán cho người tiêu dùng ở Tokyo đã tăng 23% so với năm trước, lên 2.871 yen (20 USD) cho một bao 5 kg. Ông Ryuji Imai, chủ sở hữu Isego, cửa hàng gạo 300 năm tuổi, cho biết ông chưa từng thấy tình trạng khan hiếm như hiện nay kể từ khi tiếp quản cửa hàng vào năm 2006. Ông dự báo giá gạo sẽ tăng tới 50% cho đến khi nguồn cung bổ sung vào tháng Mười.

Sản lượng gạo của Nhật Bản đã giảm từ cuối những năm 1960 do tình trạng nông dân già hóa và chính sách khuyến khích trồng các loại cây khác như lúa mỳ. Biến đổi khí hậu cũng đang làm dấy lên lo ngại về sản lượng và an ninh lương thực trong tương lai.