Nhật Bản lo ngại “thâm hụt kỹ thuật số” khi đồng yen yếu
Tiếp tục đấu thầu vàng SJC, giá tham chiếu 88 triệu đồng/lượng: Ngân hàng Nhà nước vừa ra thông báo về việc tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC vào 9h30 sáng ngày 14/5.
Tại phiên đấu thầu ngày mai, tổng khối lượng chào thầu được NHNN giữ nguyên ở mức 16.800 lượng vàng, loại vàng miếng SJC. Mức giá tham chiếu được điều chỉnh tăng lên mức 88 triệu đồng/lượng. Trong phiên đấu thầu gần nhất, mức giá tham chiếu là 85,3 triệu đồng/lượng. Khối lượng vàng miếng của mỗi lô giao dịch là 100 lượng, tỷ lệ đặt cọc 10%.
Trong lần đấu thầu này, NHNN tiếp tục giảm khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu xuống 5 lô (tương đương 500 lượng vàng). Phiên liên trước NHNN đã giảm khối lượng đặt thầu tối thiểu xuống 7 lô (tương đương 700 lượng vàng). Tuy nhiên, khối lượng đấu thầu tối đa của một thành viên lại tăng lên là 4.000 lượng, trong khi các phiên trước là 2.000 lượng.
Chứng khoán giảm phiên thứ 3 liên tiếp: Thị trường chứng khoán phiên giao dịch 13/5 với thanh khoản khá èo uột vì dòng tiền chưa được nhà đầu tư đổ vào bắt đáy. Nhóm cổ phiếu ngân hàng nghiêng về sắc đỏ, gây áp lực lớn lên chỉ số: STB giảm 1,27%, CTG giảm 1,67%, VCB giảm 1,09%, HDB giảm 1,9%, MSB giảm 1,06%, LPB giảm 1%; TCB, VIB, TPB, BID giảm gần 1%.
Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index giảm 4,52 điểm (0,36%) còn 1.240,18 điểm với 233 mã giảm, 203 mã tăng và 72 mã đứng giá. Ngược lại, chốt phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index tăng 0,68 điểm (0,29%) lên 236,36 điểm với 105 mã tăng, 69 mã giảm và 65 mã đứng giá. Thanh khoản èo uột, tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE chỉ gần 17.300 tỷ đồng.
Khối ngoại vẫn tiếp tục xả hàng, bán ròng phiên thứ 4 liên tục trên sàn HOSE với tổng giá trị bán ròng gần 853 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp dệt may đã đủ đơn hàng sản xuất đến hết tháng 9: Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may đã chủ động tìm kiếm đơn hàng đến ít nhất 6 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp đã đủ đơn hàng sản xuất đến hết tháng 8 và tháng 9 năm nay.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết ngành dệt may Việt Nam đã có dấu hiệu khởi sắc do hầu hết các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu đang kiềm chế được lạm phát khiến sức mua tăng lên.
Các kho hàng tồn dư của các nhãn hàng đã giảm đi, một số doanh nghiệp dệt may hiện đã thông qua Vitas để tìm những công ty nhỏ hơn thuê gia công lại đơn hàng. Năm 2024, dự kiến mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 44 tỷ USD có thể trở thành hiện thực.
Giá xăng dầu thế giới trượt dốc: Ngày 13/5, ghi nhận lúc 7 giờ 40 (theo giờ Việt Nam), giá xăng dầu đồng loạt giảm, mức giảm với 2 loại dầu chuẩn khoảng 0,3%. Theo đó, giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu giao dịch ngưỡng 82,5 USD/thùng, giá dầu WTI của Mỹ giao dịch ngưỡng 78 USD/thùng.
Tuần trước, 2 mặt hàng dầu chuẩn biến động trái chiều ở mức không cao, khoảng 0,2% (dầu Brent giảm 0,2% và dầu WTI tăng 0,2%).
Theo các phân tích, giá xăng dầu thế giới biến động nhẹ trong bối cảnh các nhà đầu tư đang cân nhắc về triển vọng của nhu cầu dầu cũng như các rủi ro đối với nguồn cung tại Trung Đông. Đà giảm giá sáng nay cũng cho thấy những lo lắng về nhu cầu chưa dứt.
Giá cà chua tăng cao đột biến, lên mức 50.000 đồng/kg: Tại chợ Tân Định (quận 1, TP.HCM), giá cà chua phổ biến ở mức từ 45.000 – 50.000 đồng/kg, loại từ 8-10 quả/kg, cao gấp 2 – 3 lần so với vài tuần trước. Một tiểu thương bán hàng rau tại chợ xác nhận cà chua đang có giá rất cao nên chỉ lấy một ít về bán khi có khách hỏi chứ không dám nhập nhiều.
Ông Lưu Lập Đức, Giám đốc Công ty TNHH Agri Đức Tiến (Lâm Đồng) – chuyên cung ứng rau củ quả vào các siêu thị, cho hay theo thông lệ thời điểm này hằng năm cà chua đều ở mức cao nhưng thường không quá 30.000 đồng/kg.
Trong khi hiện nay, cà chua thu mua từ nông dân đã 36.000 – 40.000 đồng/kg (tùy loại) và xu hướng sắp tới có thể còn tăng. Nguyên nhân là vì thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài khiến nhiều diện tích trồng rau củ quả bị bỏ hoang dẫn đến nguồn cung sụt giảm rất mạnh.
Giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng tháng thứ 3 liên tiếp: Dữ liệu được Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 11/5 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) – thước đo chính của lạm phát – tại nước này tăng 0,3% hồi tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn mức tăng 0,1% hồi tháng 3.
Lạm phát lõi (không tính đến giá các mặt hàng dễ biến động như thực phẩm và nhiên liệu) tăng 0,7% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 0,6% trong tháng 3.
Theo hãng tin Reuters, những con số mới được công bố – theo sau dữ liệu nhập khẩu tốt hơn mong đợi trong tháng 4 – cho thấy loạt biện pháp hỗ trợ chính sách trong vài tháng qua của Bắc Kinh có thể đang giúp củng cố niềm tin của người tiêu dùng. Ông Xu Tianchen, chuyên gia kinh tế tại đơn vị nghiên cứu Economist Intelligence Unit, chỉ ra: “Nếu loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng, dữ liệu lạm phát tiêu dùng cho thấy nhu cầu đang quay trở lại, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ”.
Ấn Độ được dự báo tiếp tục dẫn đầu thị trường gạo thế giới: Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) mới đây công bố dự báo cho rằng, Ấn Độ sẽ vẫn là nước dẫn đầu trên thị trường gạo thế giới bất chấp những hạn chế.
USDA cho rằng, Ấn Độ sẽ xuất khẩu gần 18 triệu tấn gạo trong năm 2024-25, cao hơn khoảng hai triệu tấn so với năm trước, nhưng vẫn sẽ thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục 22 triệu tấn mà nước này đã xuất khẩu trong năm 2021-2022.
Bên cạnh đó, USDA cho hay triển vọng gạo toàn cầu trong giai đoạn 2024-2025 là nhờ nguồn cung, thương mại, tiêu dùng và dự trữ cuối kỳ đều tăng. Nguồn cung tăng hàng năm nhờ sản lượng kỷ lục ở mức 527,6 triệu tấn, bù đắp cho lượng tồn kho ban đầu thấp hơn.
Vụ mùa toàn cầu chủ yếu được thúc đẩy bởi sự gia tăng sản lượng ở Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh và Indonesia. Tiêu thụ toàn cầu được dự báo ở mức kỷ lục 526,4 triệu tấn, nhờ mức tiêu thụ cao hơn ở Ấn Độ, Philippines, Indonesia và Bangladesh, bù đắp cho mức giảm ở Trung Quốc.
Trung Quốc đứng đầu thế giới về sản xuất pin Mặt Trời: Năm 2023, năng lượng Mặt Trời chiếm 3/4 tổng năng lượng tái tạo trên toàn thế giới, với phần lớn đà tăng trưởng đến từ châu Á, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.
Tính đến năm 2022, tổng công suất lắp đặt tấm pin năng lượng Mặt Trời (PV) của Trung Quốc là 393 GW, gần gấp đôi so với mức 205 GW của EU và gấp ba tổng công suất 113 GW của Mỹ.
Kể từ năm 2017, Trung Quốc đã tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) khoảng 25% về công suất lắp đặt PV, trong khi Mỹ có tốc độ CAGR là 21% và EU là 16%.
Theo thống kê, Trung Quốc đang nắm vị trí thống trị trong lĩnh vực sản xuất các linh kiện năng lượng Mặt Trời, hiện kiểm soát khoảng 80% chuỗi cung ứng tấm pin Mặt Trời trên thế giới. Năm 2022, ngành năng lượng Mặt Trời của Trung Quốc đã tuyển dụng 2,76 triệu lao động, trong đó, khu vực sản xuất sử dụng khoảng 1,8 triệu lao động còn các lĩnh vực xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo trì sử dụng 918.000 lao động.
Khóa đào tạo: “Giới thiệu cơ bản về khí nhà kính và xu hướng lựa chọn bao bì bền vững”