VN Index ‘lao dốc’: Ngoại trừ nhóm bảo hiểm có tác động tích cực lên thị trường, các nhóm ngành còn lại đều bị bao trùm trong sắc đỏ trước áp lực bán từ bên nắm giữ. Đóng cửa phiên hôm nay, 1/11, VN Index giảm 9,6 điểm (0,76%) xuống còn 1.254,9 điểm.
Phiên hôm nay, sàn HoSE có 289 mã giảm, 86 mã tăng và 60 mã đứng giá. Bảng điện VN30 cũng bị nhấn chìm trong “biển lửa” với 25 mã giảm, 2 mã đứng giá (BID, VHM) và 3 mã tăng (SSB, BVH, SAB). Nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất rổ VN30 và cũng là những mã cổ phiếu “đè” chỉ số lớn nhất là MSN, GVR, HPG, MBB, VPB, ACB, FPT, VIC.
Thanh khoản thị trường phiên hôm nay vẫn ở mức thấp với 580,5 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, tương đương giá trị giao dịch đạt 14.790 tỷ đồng. Phiên hôm nay, MWG là mã hút dòng tiền mạnh nhất với 1.406 tỷ đồng. Kế đến là MSN (980 tỷ đồng), VHM (706 tỷ đồng).
USD tự do tăng sát mức 26.000 đồng: Ngày 1/11, giá USD trong ngân hàng và tự do lại tăng, trong khi giá đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế giảm.
Các ngân hàng thương mại tăng giá USD 4 đồng và đứng ở mức cao kịch trần cho phép. Vietcombank mua vào ở mức 25.064 – 25.094 đồng, bán ra 25.454 đồng. ACB mua vào 25.080 – 25.110 đồng, bán ra 25.450 đồng. Eximbank mua USD với giá 25.090 – 25.120 đồng, bán ra 25.450 đồng… Ngân hàng Nhà nước giảm nhẹ tỷ giá trung tâm 1 đồng, xuống còn 24.242 đồng. Trên thị trường tự do, giá USD lại tăng trở lại mức 25.690 đồng chiều mua vào, bán ra lên 25.790 đồng, tăng 30 đồng so với trước.
Trên thị trường quốc tế, giá đồng bạc xanh tiếp tục giảm, chỉ số USD-Index xuống 0,1 điểm, còn 103,9 điểm. Giá USD giảm khi dữ liệu của Mỹ vừa công bố cho thấy áp lực giá cả tiếp tục hạ nhiệt, tạo điều kiện cho Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thực hiện cắt giảm lãi suất 0,25% vào tuần tới.
Giá vàng thế giới rơi thẳng đứng: Sau nhiều ngày tăng như vũ bão, giá vàng thế giới đã quay đầu giảm 54 USD/ounce vào tối 31/10.
Lúc 22h30 khuya 31/10, giá vàng thế giới chỉ còn 2.733,6 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 83,88 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới giảm do áp lực bán chốt lời vì giá vàng đã tăng liên tục nhiều ngày qua. Cộng với việc một số thông tin vừa công bố cũng gây áp lực cho giá vàng.
Trong vòng 22 ngày qua, giá vàng thế giới đã tăng tổng cộng 177 USD/ounce, từ 2.610 USD/ounce lên mức cao nhất là 2.787 USD/ounce trước khi lao dốc mạnh vào tối nay. Mức tăng trên tương đương 5,43 triệu đồng/lượng.
SK Group Hàn Quốc bán 76 triệu cổ phiếu Masan: Tập đoàn Masan (MSN) vừa công bố, SK Group thông qua SK Investmet Vina I, đã chuyển nhượng 76 triệu cổ phiếu MSN bằng phương thức thỏa thuận. Jefferies Singapore đóng vai trò là cố vấn tài chính và bên bảo lãnh cho SK Group trong việc chào bán cổ phần trên thị trường quốc tế. Còn đại lý môi giới là Chứng khoán VietCap (VCI).
Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của SK Group tại Masan giảm về 3,67% và không còn là cổ đông lớn.
Masan không tiết lộ bên mua mà cho biết giao dịch trên được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư tổ chức lớn “với tầm nhìn dài hạn” có trụ sở tại châu Á, châu Âu và Mỹ. Ngoài ra, số cổ phiếu còn lại của SK Group tại MSN sẽ bị hạn chế chuyển nhượng theo thông lệ.
Giá cà phê hạ nhiệt khi Brazil tăng xuất khẩu: Giá cà phê những ngày qua liên tục biến động, một ngày tăng lại một ngày giảm. Một trong những nguyên nhân là do thời gian gần đây, Brazil đẩy mạnh xuất khẩu cà phê conilon (robusta) để tranh thủ thời cơ giá cao.
Giá cà phê robusta trên sàn London kỳ hạn tháng 11 giảm 84 USD xuống 4.369 USD/tấn, kỳ hạn tháng 1/2025 cũng giảm 84 USD xuống 4.369 USD/tấn và kỳ hạn tháng 3/2025 giảm 82 USD còn 4.281 USD/tấn.
Giá cà phê arabica trên sàn New York cũng đồng loạt giảm, kỳ hạn tháng 12 giảm 81,4 USD xuống còn 5.420 USD/tấn, kỳ hạn tháng 3/2025 giảm 78,1 USD xuống 5.410 USD/tấn, kỳ hạn tháng 5/2025 cũng giảm 78,1 USD còn 5.390 USD/tấn.
Giá cà phê Tây nguyên giảm 800 đồng/kg, ở Đắk Nông 109.200 đồng/kg, Đắk Lắk 108.600 đồng/kg, Gia Lai 109.300 đồng/kg, Kon Tum và Lâm Đồng 107.600 đồng/kg.
Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam phục hồi mạnh sau siêu bão Yagi: Sau khi bị gián đoạn do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi), ngành sản xuất Việt Nam bắt đầu hồi phục trong tháng 10/2024 khi ghi nhận cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng trở lại.
Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global ghi nhận đạt kết quả 51,2 điểm trong tháng 10, tăng đáng kể so với mức 47,3 điểm của tháng 9 và đã vượt lại lên trên ngưỡng 50 điểm sau khi chịu tình trạng gián đoạn do cơn bão Yagi gây ra trong tháng trước.
Theo khảo sát của S&P Global, các điều kiện kinh doanh đến nay đã mạnh lên suốt 6 trong 7 tháng qua, mặc dù mức độ cải thiện trong tháng 10 chỉ là nhẹ. Trọng tâm của tình trạng cải thiện trở lại của sức khỏe ngành sản xuất là sự tăng trưởng trở lại của cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới khi quá trình phục hồi sau bão đang diễn ra. Dẫu vậy, tốc độ tăng của các chỉ số này chậm hơn so với những tháng trước tháng 9, khi một số công ty tiếp tục gặp phải tình trạng gián đoạn sau cơn bão và tình trạng lũ lụt kèm theo.
EU điều tra việc Temu bán sản phẩm bất hợp pháp: Ủy ban châu Âu tiến hành cuộc điều tra theo Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA), sau khi nhận được khiếu nại từ tổ chức tiêu dùng toàn châu Âu BEUC và 17 tổ chức thành viên. DSA yêu cầu các nền tảng trực tuyến lớn như Temu phải nỗ lực hơn trong việc ngăn chặn nội dung bất hợp pháp và có hại.
“Có nghi ngờ rằng các biện pháp đang thực hiện chưa đủ hiệu quả để ngăn chặn việc phân phối sản phẩm bất hợp pháp. Các thương nhân gian lận thường quay lại bán hàng với danh tính khác,” một quan chức EU cho biết.
Bên cạnh nội dung này, Cơ quan thực thi công nghệ EU còn kiểm tra xem Temu có tuân thủ quy định của DSA trong việc cung cấp dữ liệu công khai cho các nhà nghiên cứu không. Các thiết kế có thể gây nghiện của Temu – như các chương trình trò chơi trúng thưởng và cách gợi ý sản phẩm cho người dùng – cũng bị điều tra.
Trung Quốc ‘bơm’ thêm 70 tỷ USD ra nền kinh tế: Theo Bloomberg, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã “bơm” 70 tỷ USD vào thị trường tiền tệ trong tháng này thông qua một công cụ chính sách mới được thiết lập nhằm giảm bớt căng thẳng thanh khoản hệ thống ngân hàng trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm hơn kỳ vọng.
Theo thông báo vào ngày 31/10, PBoC đã thực hiện các hợp đồng mua lại đảo ngược hoàn toàn (outright reverse repurchase agreements) trị giá 500 tỷ nhân dân tệ (khoảng 68,5 tỷ USD) trong tháng 10.
Động thái này nhằm đảm bảo thanh khoản dồi dào trong hệ thống ngân hàng và làm phong phú thêm bộ công cụ điều hành chính sách tiền tệ. Theo PBoC, các hợp đồng này có thời hạn 6 tháng.
Đây là lần đầu tiên PBoC công bố việc sử dụng công cụ mới, được giới thiệu vào đầu tuần. Chương trình cho phép ngân hàng trung ương mua nhiều loại chứng khoán từ các nhà giao dịch chính với thời hạn tối đa 1 năm, bao gồm trái phiếu chính phủ, trái phiếu địa phương và nợ doanh nghiệp.