Thị trường 24/7: Viettel mở kho hàng logistics 3.300 tỷ đồng sát biên giới Trung Quốc; ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á

VN Index đánh mất điểm phiên thứ 2 liên tiếp: Tác động tiêu cực nhất lên chỉ số là mã VCB. Mặc dù chỉ ghi nhận mức giảm 1,3%, nhưng do VCB là mã cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường nên góp một nửa điểm giảm của VN Index ở phiên hôm nay.

Cụ thể, VCB khiến chỉ số mất hơn 1,6 điểm, trong khi VN Index đóng cửa phiên hôm nay giảm 3,2 điểm (tương đương 0,25%) xuống còn 1.268,86 điểm. Toàn sàn HoSE có 244 mã giảm, 145 mã tăng và 76 mã đi ngang. Bên rổ VN30 sắc đỏ cũng chiếm áp đảo với 17 mã giảm so với 9 mã tăng và 4 mã đứng giá.

Dù duy trì đà giảm nhưng thanh khoản phiên hôm nay được cải thiện đáng kể với 627,5 triệu cổ phiếu khớp lệnh, tương đương giá trị giao dịch đạt 15.316 tỷ đồng. Dẫn đầu về giá trị giao dịch là các mã FPT (726 tỷ đồng), HPG (474 tỷ đồng), HDB (349 tỷ đồng).

Giá USD trong nước đồng loạt giảm: Sáng 11/12, giá USD thế giới tăng nhẹ khi chỉ số USD-Index đạt 106,36 điểm, cao hơn hôm qua 0,3 điểm. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm giữa VND với USD được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.253 đồng, giảm 5 đồng so với hôm qua. Giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng giảm tương ứng.

Chẳng hạn, Vietcombank giảm 5 đồng, đưa giá mua USD chuyển khoản xuống 25.165 đồng, bán ra xuống 25.465 đồng; BIDV cũng giảm 5 đồng khi mua chuyển khoản còn 25.165 đồng và bán ra xuống 25.465 đồng…

Tương tự, giá USD tự do cũng tiếp tục đà giảm khi còn mua vào 25.530 đồng và bán ra xuống 25.650 đồng. So với hôm qua, USD tự do giảm 10 – 20 đồng.

Thưởng Tết 2025 dự báo tăng từ 6-8%: Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐTB-XH) dự báo mức thưởng Tết Nguyên đán 2025 sẽ phổ biến ở mức tương đương một tháng lương.

So với mức thưởng năm 2024, thưởng Tết năm nay có thể nhỉnh hơn do thay đổi trong mức lương tối thiểu vùng, cùng với sự phục hồi của nhiều ngành sản xuất. Dự kiến, mức thưởng Tết năm nay sẽ tăng 6-8% so với năm trước.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch thưởng Tết. Một số doanh nghiệp ở phía Nam thậm chí đã sớm công bố mức thưởng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán ngay từ đầu tháng 12 để ổn định tâm lý người lao động. Việc tăng cường các chính sách chăm lo đời sống lao động được xem là yếu tố góp phần ổn định quan hệ lao động trong dịp lễ lớn sắp tới.

Viettel mở kho hàng logistics 3.300 tỷ đồng sát biên giới Trung Quốc: Ngày 11/12, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) chính thức khai trương Công viên Logistics Viettel. Đây là công viên logistics đầu tiên ở Việt Nam, có quy mô hạ tầng lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam.

Trải rộng trên diện tích 143,7 ha, tổng đầu tư gần 3.300 tỷ đồng. Công viên Logistics Viettel là trung tâm logistics có hạ tầng đồng bộ và hiện đại bậc nhất tại Việt Nam, cách biên giới Việt Nam – Trung Quốc khoảng 5 km, nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, giảm chi phí nông sản.

Với thiết kế vận hành tối ưu kết hợp công nghệ hiện đại, Công viên Logistics Viettel có thể xử lý thông quan đến 1.500 xe/ngày, góp phần nâng cao năng lực thông quan tại cửa khẩu Lạng Sơn lên gấp đôi so với hiện tại. Tại Việt Nam, logistics hiện đóng góp khoảng 5-6% GDP và đang trên đà tăng trưởng nhanh chóng.

Xuất khẩu cà phê lần đầu có thể vượt 5 tỷ USD: Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam nhận định, xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn có nhiều thuận lợi nhờ nguồn cung tăng do vào vụ thu hoạch niên vụ mới 2024-2025 và giá xuất khẩu vẫn cao. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu cà phê cả năm sẽ lập kỷ lục với mốc 5,5 tỷ USD.

Tuy giá cà phê xuất khẩu ở mức cao, có thời điểm giao dịch lên gần 5.000 USD/tấn, nhưng ông Trịnh Đức Minh – Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho rằng, giá Robusta Việt Nam đang ở mức quá cao, khiến các nhà nhập khẩu thận trọng.

Trong thời gian ngắn, họ vẫn cần Robusta Việt Nam, bởi người tiêu dùng đã quen thuộc với hương vị. Nhưng nếu giá cao kéo dài, các nhà nhập khẩu có thể thay đổi và sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu. Mức giá cà phê trong nước khoảng 100.000 đồng/kg sẽ hài hòa lợi ích các bên và giúp cà phê Việt Nam phát triển bền vững.

Mỹ dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 9 triệu tấn: Trong báo cáo vừa công bố, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2024 sẽ đạt con số cao kỷ lục là 9 triệu tấn. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu năm 2025 sẽ sụt giảm đáng kể.

Theo USDA, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2024 sẽ đạt con số kỷ lục về sản lượng 9 triệu tấn, tăng thêm 100.000 tấn so với dự báo trước đó. Xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh nhờ các khách hàng truyền thống có nhu cầu cao. Cụ thể, Philippines dự kiến trong tháng 12 tăng nhập thêm 300.000 tấn, đạt tới 5,3 triệu tấn. Tương tự, Indonesia cũng tăng thêm 300.000 tấn và đạt con số 4,1 triệu tấn.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng sẽ nhập khẩu khoảng 3,4 triệu tấn gạo và là nước nhập khẩu lớn nhất thế giới sau Philippines và Indonesia. USDA nhận định, năm 2025, do sự trở lại của Ấn Độ nên hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, chỉ còn khoảng 7,8 triệu tấn.

ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á: ADB đưa ra nhận định này trong dự báo mới nhất về tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương công bố ngày 11/12. Theo dự báo của ADB, khu vực châu Á-Thái Bình Dương không kể Nhật Bản, Australia và New Zealand sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm 2024 và 4,8% trong năm 2025. Con số này giảm nhẹ so với dự báo lần lượt 5,0% và 4,9% của ADB vào tháng 9/2024.

ADB chỉ ra nguyên nhân khiến tăng trưởng giảm là do hiệu suất kinh tế kém ở một số nền kinh tế trong quý III/2024 và triển vọng tiêu dùng yếu kém. Dự báo tăng trưởng của Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, vẫn giữ nguyên ở mức 4,8% cho năm 2024 và 4,5% cho năm 2025. Tuy nhiên, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ xuống còn 6,5% cho năm 2024, giảm từ 7,0% trước đó, và xuống 7,0% cho năm 2025, từ 7,2%.

ADB cảnh báo rằng những thay đổi trong chính sách thương mại, tài khóa và di cư của Mỹ có thể làm giảm tăng trưởng và gia tăng lạm phát tại các quốc gia đang phát triển ở châu Á.