Giá vàng SJC lập đỉnh mới 107,5 triệu đồng/lượng: Chiều 14/4, giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng mạnh, chính thức lập đỉnh lịch sử mới ở mức 107,5 triệu đồng/lượng bán ra – mức cao nhất từ trước đến nay, bất chấp giá vàng thế giới đang giảm nhẹ.
Cụ thể, vào khoảng 14 giờ, Công ty SJC, PNJ và Bảo Tín Minh Châu cùng niêm yết giá vàng miếng ở mức 105 triệu đồng/lượng mua vào và 107,5 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 500.000 đồng mỗi chiều so với buổi sáng. So với cuối tuần trước, giá vàng SJC đã tăng tới 2 triệu đồng chiều mua và 1 triệu đồng chiều bán.
Với vàng nhẫn, Công ty SJC cũng tăng 300.000 đồng chiều mua và 200.000 đồng chiều bán so với sáng nay, niêm yết ở mức 102 triệu đồng/lượng mua vào và 105 triệu đồng/lượng bán ra. Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay theo Kitco ghi nhận vào 14 giờ 15 phút ngày 14/4 (giờ Việt Nam) ở mức 3.229,4 USD/ounce, giảm hơn 5 USD so với sáng cùng ngày.
Thị trường chứng khoán tiếp tục phục hồi: Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên giao dịch ngày 14/4 được kéo mạnh vào phiên chiều, VN-Index đóng cửa với số điểm cao nhất phiên, vượt 1.240 điểm.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tăng mạnh. Trong đó, 10 cổ phiếu vốn hóa cao nhất thị trường tăng mạnh: VHM, VIC, HVN, MWG, DGC tăng trần; HPG tăng 4,3%, MSN tăng 5,1%, GAS tăng 1,9%…
Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index tăng 18,98 điểm (1,55%) lên 1.241,44 điểm với 311 mã tăng, 179 mã giảm và 48 mã đứng giá. Chốt phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index cũng tăng 1,66 điểm (0,78%) lên 215 điểm với 108 mã tăng, 74 mã giảm giá và 42 mã đứng giá.
Thanh khoản vẫn giữ ở mức tích cực, tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE gần 24.300 tỷ đồng, giảm 10.500 tỷ đồng so với phiên trước. Sau phiên mua ròng cuối tuần trước, khối ngoại đã quay lại bán ròng hơn 201 tỷ đồng trên sàn HOSE.
Mỹ điều tra CBPG hộp nhựa Việt Nam: Theo tin từ Cục Phòng vệ thương mại (PVTM), ngày 8/4, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khởi xướng vụ việc điều tra chống bán phá giá (CBPG) với hộp nhựa Polypropylene nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo nguyên đơn, căn cứ số liệu của Hải quan Mỹ, trong năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hơn 6 triệu USD sản phẩm bị điều tra sang Mỹ, chiếm khoảng 19,4% tổng kim ngạch nhập khẩu vào Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc xuất khẩu gần 13,4 triệu USD sản phẩm bị điều tra sang Mỹ, chiếm khoảng 43,3% tổng kim ngạch nhập khẩu vào thị trường này.
Tổng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc chiếm 62,7% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm bị điều tra vào Mỹ. Nguyên đơn nêu tên 7 công ty của Việt Nam.
Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm: Số liệu mới từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu rau quả Việt Nam trong tháng 3 đạt hơn 477 triệu USD, tăng 52,1% so với tháng trước. Tuy nhiên, lũy kế quý I, ngành này chỉ thu về hơn 1,16 tỷ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ.
Cụ thể, xuất khẩu sang Trung Quốc – thị trường lớn nhất của rau quả Việt – đạt hơn 521 triệu USD, giảm 27,4%. Nguyên nhân là nước này siết chặt kiểm dịch, áp thêm quy định như kiểm tra “vàng O” với sầu riêng. Tình trạng đứt gãy logistics và chi phí vận chuyển tăng cũng góp phần khiến các đơn hàng bị chậm trễ.
Trong khi đó, quý I, Mỹ chi 111 triệu USD (gần 2.900 tỷ đồng) nhập hàng Việt, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nhận định dù Mỹ vừa công bố áp mức thuế đối ứng cao tới 46% với nhiều mặt hàng nhập khẩu (đã tạm hoãn 90 ngày), rau quả Việt nhiều khả năng không bị ảnh hưởng.
Singapore chuyển đổi số trong quản lý chất lượng sản phẩm rau và trái cây nhập khẩu: Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Singapore, Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA) bắt đầu triển khai nền tảng Dịch vụ điện tử (e-Service) phục vụ việc công bố và tra cứu kết quả kiểm tra phòng thí nghiệm đối với trái cây và rau quả tươi⁄làm mát nhập khẩu.
Nền tảng Dịch vụ điện tử nêu trên nhằm phục vụ đối tượng là tất cả các nhà nhập khẩu của Singapore có nhu cầu tra cứu kết kiểm tra phòng thí nghiệm của Hải quan Singapore đối với các lô hàng trái cây và rau quả tươi/làm mát nhập khẩu vào Singapore, với thời gian bắt đầu triển khai là từ ngày 1/5/2025.
Các nhà nhập khẩu của Singapore sẽ có thời gian chuyển tiếp 03 tháng (từ ngày 1/5 đến ngày 31/7/2025) để chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tham gia nền tảng nêu trên. Trong khoảng thời gian này, tất cả các kết quả kiểm tra phòng thí nghiệm sẽ tiếp tục được thông báo tới nhà nhập khẩu thông qua phương thức truyền thống là điện thoại và tin nhắn.
Philippines sẽ là quốc gia nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới trong năm 2025: Theo ông Phùng Văn Thành – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Philippines, gạo Việt Nam xuất sang Philippines luôn chiếm vị trí số 1 với thị phần thường xuyên duy trì khoảng từ 80% đến 85%.
Trong bối cảnh giá lương thực leo thang, năng lực sản xuất nội địa không đủ đáp ứng tiêu dùng trong nước, Philippines được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí quốc gia nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới năm 2025.
Năm 2025, sản xuất lúa nội địa của Philippines đặt mục tiêu đạt 20,46 triệu tấn. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn không thể giúp Philippines theo kịp nhu cầu tiêu dùng nội địa – khoảng 17,8 triệu tấn. Thực tế, ngoài nhu cầu tiêu thụ khoảng 17,8 triệu tấn gạo, thì nhu cầu dự trữ tối thiểu đảm bảo an ninh lương thực trong 30 ngày từ 1 – 1,2 triệu tấn. Do vậy, tổng nhu cầu gạo của Philippines khoảng trên 18 triệu tấn đến 19 triệu tấn. Sản xuất trong nước vì vậy luôn lệch pha với nhu cầu tiêu dùng, buộc Philippines duy trì nhập khẩu lượng lớn gạo mỗi năm.
Liên Hợp Quốc sẽ áp phí khí thải tàu biển 100 USD mỗi tấn: Tổ chức Hàng hải Quốc tế thuộc Liên Hợp Quốc dự kiến mức phí carbon toàn cầu lên tàu biển ở mức 100 USD mỗi tấn vượt ngưỡng, áp dụng từ năm 2027.
Thỏa thuận trên được đưa ra sau các cuộc đàm phán của hơn 100 quốc gia tại hội nghị Bảo vệ Môi trường Hàng hải (MEPC) diễn ra 7-11/4 tại London, dự kiến chính thức thông qua vào tháng 10. Mỹ đã rút khỏi đàm phán này và tuyên bố “biện pháp có đi có lại” nếu tàu của họ bị áp phí.
Đây là khoản phí khí thải toàn cầu đầu tiên lên ngành vận tải biển, với mức tối thiểu là 100 USD mỗi tấn khí thải vượt ngưỡng, dự kiến áp dụng từ năm 2027.
Theo Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), khoản thu được hàng năm từ phí này ước tính 11-13 tỷ USD, được đưa vào quỹ phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) để đầu tư vào nhiên liệu và công nghệ cần thiết để chuyển đổi xanh.