Thiếu gạo, Nhật Bản đang quan tâm đến nhập khẩu gạo từ Việt Nam

Nhân viên một siêu thị ở Tokyo đang dán ghi chú mỗi người chỉ được mua một túi gạo hồi tháng 7 năm ngoái. Ảnh: Japan Times

Nhật Bản đang tăng cường nhập khẩu gạo từ Việt Nam và Thái Lan nhằm giảm bớt tình trạng thiếu hụt trong nước, khiến giá gạo tăng gấp đôi trong năm qua.

Tập đoàn Tân Long Group của Việt Nam dự kiến xuất hơn 20.000 tấn gạo sang Nhật Bản trong năm nay, cao hơn bốn lần so với năm ngoái. Tân Long thường xuất loại gạo Indica hạt dài (giống lúa trồng ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới có gạo hạt dài), nay mở rộng sang loại gạo Japonica hạt tròn và ngắn (giống lúa của Nhật Bản).

Các nhà bán lẻ Nhật Bản mua gạo của Tân Long và đóng gói nhỏ hơn để bán ra thị trường. Tại một cửa hàng tạp hóa ở tỉnh Kanagawa, gần Tokyo, một túi gạo Việt Nam 5kg từ Tân Long có giá khoảng 3.200 yen (575.000 đồng) cuối tháng 5, thấp hơn 20% so với giá bán lẻ trung bình của gạo Nhật Bản.

Hãng thương mại Kanematsu bắt đầu nhập khẩu gạo vào tháng 3, với kế hoạch nhập 20.000 tấn đến tháng 12, chủ yếu từ Mỹ. Gạo Japonica từ Việt Nam sẽ chiếm khoảng 500-1.000 tấn. Đại diện của hãng nói rằng “giá gạo Việt Nam rẻ hơn, bên cạnh đó gạo từ Việt Nam cũng được các nhà hàng Nhật Bản ở châu Á ưa chuộn, sử dụng nhiều”.

Gạo từ Việt Nam được Kanematsu nhập chủ yếu là bán buôn cho các nhà hàng, nhưng một phần sẽ được cung cấp cho siêu thị và các nhà bán lẻ khác, với giá bán lẻ dự kiến từ 3.500-4.500 cho mỗi túi 5kg.

Thái Lan tổ chức Hội nghị Gạo Thái Lan tại Bangkok vào tháng 5-2025, sau lần gần nhất tỏ chức năm 2019. Sự kiện này thu hút khoảng 500 đại biểu từ 30 quốc gia, bao gồm Nhật Bản. Bộ trưởng Thương mại Pichai Naripthaphan cho biết Thái Lan sẽ bán gạo giá trị gia tăng cao ra thế giới để tăng thu nhập cho nông dân, bày tỏ hy vọng xuất khẩu sẽ mang lại ngoại tệ. Một siêu thị ở trung tâm Bangkok không chỉ bán gạo indica mà còn có các giống japonica trồng tại địa phương như Sasanishiki và Akitakomachi. Vào giữa tháng 5, một túi Sasanishiki 5kg có giá 230 baht (183.000 đồng) – bằng 25% giá bán lẻ ở Nhật Bản.

Đông Nam Á có hai vụ thu hoạch lúa chính, một số nơi ở miền Nam Việt Nam và miền Trung Thái Lan có ba mùa, vì thế sản lượng lúa cao và giá thành thấp hơn. Chi phí lao động, chiếm khoảng một phần tư chi phí sản xuất, cũng thấp hơn ở Nhật Bản. Việt Nam và Thái Lan là nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba thế giới sau Ấn Độ trong niên vụ 2024-2025, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Indonesia và Philippines là hai khách hàng chính của gạo Việt Nam và Thái Lan. Tuy vậy, thị trường Nhật Bản được quan tâm hơn thời gian gần đây khi giá gạo tại Nhật Bản tăng vọt. Yukihisa Yamada thuộc Viện Nghiên cứu Norinchukin cho biết: “Các chính quyền địa phương dường như đang khuyến khích trồng các loại gạo giá trị gia tăng cao như japonica để tìm kiếm cơ hội xuất khẩu”.

Các nhà bán lẻ Nhật Bản đang nhập khẩu nhiều gạo hơn. Aeon, nhà bán lẻ lớn nhất Nhật Bản, bắt đầu bán gạo pha trộn giữa Nhật Bản và Mỹ vào tháng 4, và sẽ bắt đầu bán gạo Calrose từ California với giá 2.894 yen/túi 4kg. Gạo Đài Loan cùng loại với các giống được trồng ở Nhật Bản hiện có giá 3.769 yen/túi 5kg, thấp hơn khoảng 10% so với mức trung bình của các loại gạo trồng tại Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản đã hạn chế nhập khẩu gạo để bảo vệ nông dân trong nước. Hiện tại, họ nhập khẩu tối đa 100.000 tấn để tiêu thụ trực tiếp miễn thuế theo khung tiếp cận tối thiểu. Các nhà nhập khẩu đã sử dụng hết hạn ngạch này trong năm tài chính vừa qua.

Các nhà nhập khẩu như Kanematsu nhập khẩu phần lớn gạo bên ngoài hệ thống tiếp cận tối thiểu, phải trả thuế 341 yen/kg. Nhưng với gạo trong nước có giá hơn 4.000 yên cho một túi 5kg, các công ty này dự đoán nhu cầu về gạo Đông Nam Á có giá phải chăng hơn sẽ tăng, ngay cả phải cộng thêm chi phí nhập khẩu.

Đài Loan đã xuất khẩu gạo sang Nhật Bản nhiều hơn gấp sáu lần trong năm tháng đầu năm 2025. Bộ Nông nghiệp Đài Loan cho biết các doanh nghiệp xứ này xuất 7.759 tấn trong năm tháng đầu năm và dự kiến cả năm sẽ vượt quá mốc 10.000 tấn, tăng 2,5 lần so với năm 2024.

Theo Nikkei Asia, Japan Times

Ricky Hồ / BSA Media