Mùa kinh doanh cuối năm đang đến, có nhiều thông tin tác động đến tình hình mua sắm của người tiêu dùng mà doanh nghiệp cần nắm bắt. Đó là những điều mà ông Hồ Minh Chính – chuyên gia hàng đầu về huấn luyện bán hàng của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ trong buổi tối ngày 10/11, trong buổi tập huấn trực tuyến với chủ đề: “Ứng dụng nghiên cứu thị trường để thành công trong kinh doanh”. Chương trình do Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam, cùng Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức.
Các xu hướng chính trong mua sắm và bán lẻ
Theo ông Hồ Minh Chính, dựa trên những nghiên cứu, khảo sát thị trường mà các đơn vị thực hiện. Doanh nghiệp cần đưa ra những kế hoạch cho mình ngay thời điểm này.
Một: Tết này, người dân ít đi du lịch, khoảng 7% du lịch, còn lại đa phần là ở nhà – theo hãng nghiên cứu thị trường Kantar.
Hai, người dân đi chợ, siêu thị và có tâm lý trữ hàng do lo lắng tình hình dịch bệnh có thể gia tăng.
Ba, người tiêu dùng sẽ tập trung vào các sản phẩm thiết yếu do bị giảm thu nhập. Vì thế, doanh số các mặt hàng xa xỉ sẽ giảm nhiều, từ quần áo, thời trang, giày dép.
Bốn, các nhà phân phối và bán lẻ có dự phòng, trữ sẵn hàng nhiều hơn.
Năm, nhu cầu hàng tiêu dùng về các tỉnh, miền Tây, miền Trung, Tây Nguyên sẽ tăng cao, vì có đến 30% người lao động từ ở các thành phố đã về tỉnh.
Một xu hướng nữa đang thịnh hành hiện nay, theo ông Chính, mua hàng online sẽ tăng cao hơn năm trước từ 20 – 40%.
“Người tiêu dùng tìm kiếm kênh mua hàng qua qua Google, website…. Nên doanh nghiệp cần xây dựng website cung cấp thông tin đầy đủ, có chức năng bán hàng, nhắn tin, tương tác….
Doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp không có nhiều ngân sách để quảng cáo trên các trang thương mại điện tử. Vì thế, doanh nghiệp nên tối ưu hóa quảng bá website, sẽ ít tốn chi phí hơn”, ông Chính cho biết.
Ông Chính dẫn chứng thêm, mua bán online và những người bán hàng qua mạng xã hội rất nhiều, nhất là giai đoạn dịch vừa qua.
“Các trang như – Tôi là dân quận này, quận kia, phường này, phường kia… có nhiều người tương tác, mua hàng.
Việc mua hàng online, theo ông Chính, người tiêu dùng muốn giao qua shipper, không muốn trực tiếp ra các hệ thống bán hàng mua vì lo ngại dịch bệnh.
Quan tâm đến hệ thống đại lý và cửa hàng tạp hóa
Theo chuyên gia Hồ Minh Chính, dự báo năm 2022 thời gian mua sắm Tết sẽ rút ngắn lại, còn khoảng 2 – 3 tuần.
Khi mua sắm Tết, người dùng thích được khuyến mãi, quà tặng. Với các doanh nghiệp, họ cũng tiết kiệm hơn, hàng xa xỉ thì sẽ ít được tặng, mà dùng những sản phẩm thiết yếu trong tiêu dùng để tặng cho khách hàng, đối tác…. Như một chai nước mắm, hay những món nông sản….
Ông Chính cho rằng, trước đây, người dùng tập trung vào yếu tố chất lượng bên trong phải tốt, nhưng nay, bên cạnh điều này, họ muốn phải nhìn được cả hình ảnh bên ngoài, đẹp mắt… “Doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường dịp này, phải hiểu được thói quen, tâm lý, thị hiếu từ thị trường”, ông Chính nói.
Còn hệ thống đại lý? Với nhà phân phối, đại lý, doanh nghiệp cần đa dạng kênh phân phối, mẫu mã, chủng loại sản phẩm. Và hoa hồng phải cạnh tranh. Trong khi đó, những cửa hàng, tạp hóa lại quan tâm đến khuyến mãi dành cho người bán, chênh lệch giá bán ra, các chương trình bán hàng của doanh nghiệp. “Có tới 70% những người mua hàng tiêu dùng họ sẽ mua sản phẩm tại cửa hàng khi được người bán tư vấn”, ông Chính phân tích.
Vậy người tiêu dùng quan tâm gì khi mua hàng của doanh nghiệp?
“Người tiêu dùng quan tâm đến khuyến mãi. Họ quan tâm được giảm bao nhiêu, tặng quà gì, sản phẩm tốt, giá phù hợp hay không. Do đó doanh nghiệp thiết kế chương trình bán hàng thì cần lưu ý những điều này”, ông Chính nhấn mạnh.
Bài & ảnh: Trần Quỳnh