“Thương nông dân” – Bài học từ nhãn hàng hóa và rủi ro truy xuất nguồn gốc

Những năm qua, nhiều doanh nghiệp thực phẩm từng bị cơ quan chức năng đình chỉ lưu hành lô sản phẩm chỉ vì… mua nguyên liệu từ những chiến dịch “giải cứu nông sản” mà không có hồ sơ công bố hay nhãn hàng hóa. Câu chuyện không hiếm, nhưng đến nay, không ít doanh nghiệp vẫn mơ hồ trước những ngoại lệ trong quy định ghi nhãn tại thị trường Việt Nam.
Sáng 9/6 tại trụ sở Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao (HVNCLC), hơn 20 học viên đến từ 15 doanh nghiệp thực phẩm đã tham dự khóa học “Hướng dẫn cơ bản về ghi nhãn thực phẩm thị trường Việt Nam”, do Ban Dự án HVNCLC – Chuẩn hội nhập, phối hợp cùng Duy Tan Recycling tổ chức.
Dưới sự hướng dẫn của chuyên gia tiêu chuẩn Hồ Ngọc Phương Thảo, buổi học không chỉ cung cấp kiến thức lý thuyết về nhãn hàng hóa, nhãn dinh dưỡng hay tiêu chuẩn sản phẩm, mà còn mổ xẻ nhiều tình huống thực tế, nơi doanh nghiệp dễ rơi vào sai sót, thậm chí là rủi ro pháp lý, nếu hiểu sai hoặc lơ là việc ghi nhãn.
Không nhãn, không công bố, không kiểm soát
Bà Thảo cho hay, một số doanh nghiệp từng bị đình chỉ một sản phẩm chỉ vì nguyên liệu là trái cây, nông sản mua từ nông dân không có bao bì, không có nhãn, không có hồ sơ công bố. Mua vì muốn “giải cứu” mùa vụ của họ, nhưng cuối cùng chính doanh nghiệp lãnh đủ.
Theo bà Hồ Ngọc Phương Thảo, đây là câu chuyện phổ biến. Nhiều doanh nghiệp hiện nay mua nguyên liệu trực tiếp từ nông dân, như tiêu, tỏi, ớt, dưa hấu… dưới dạng “hàng xá” không nhãn. Theo luật, người nông dân họ không bắt buộc phải ghi nhãn theo quy định.
Tuy nhiên, nếu không có nhãn mà cũng không có hồ sơ công bố sản phẩm, thì doanh nghiệp không thể kiểm soát chất lượng đầu vào, cũng như không có cơ sở để truy xuất nguồn gốc khi có sự cố xảy ra.
“Một ngày nào đó, nếu cụm từ “doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc” xuất hiện trên báo chí với tên doanh nghiệp A, B, C… thì hậu quả không chỉ là pháp lý mà còn là uy tín thương hiệu, bà Thảo cảnh báo.
Tại khóa học, bà Thảo trình bày rõ các trường hợp được miễn ghi nhãn hàng hóa, theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP và Thông tư 05/2019/TT-BKHCN. Cụ thể, việc không bắt buộc ghi nhãn áp dụng cho:
Thực phẩm tươi sống, chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng.
Nông sản, nguyên liệu, vật liệu xây dựng, phế liệu… không có bao bì và bán trực tiếp.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp áp dụng sai bối cảnh, dẫn đến việc sử dụng nguyên liệu không nhãn nhưng cũng không có bất kỳ tài liệu công bố nào, điều này đặc biệt nguy hiểm khi sản phẩm được đưa vào chuỗi bán lẻ, xuất khẩu, hoặc kiểm tra chất lượng định kỳ.
Trước thực tế đó, bà Thảo đề xuất một giải pháp “vừa hợp chuẩn, vừa nhân văn”, đó là doanh nghiệp nên hỗ trợ người nông dân xây dựng hồ sơ công bố và dán nhãn hàng hóa, kể cả khi pháp luật không bắt buộc họ làm điều này. Đây không chỉ là trách nhiệm, mà còn là cách để doanh nghiệp kiểm soát rủi ro, xây dựng chuỗi cung ứng minh bạch, đặc biệt khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với các thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…
“Cái khó là doanh nghiệp thường đứng giữa hai lựa chọn, thương nông dân hay làm đúng quy định. Nhưng nếu làm đúng ngay từ đầu thì mới có thể bảo vệ cả đôi bên trong dài hạn”, bà Thảo nói.
Khóa học là một phần trong chuỗi chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thực phẩm của Dự án HVNCLC – Chuẩn hội nhập, với mục tiêu giúp doanh nghiệp không chỉ sản xuất tốt, mà còn chuẩn chỉnh trong từng chi tiết nhỏ nhất – từ nhãn mác đến hồ sơ pháp lý, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hậu hội nhập.

Một số hình ảnh tại khóa học:

Bài, ảnh: Trần Quỳnh