(Vietnamtimes) – Tốt nghiệp tiến sĩ theo chương trình học bổng của Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF) tại Viện MD Anderson, nơi điều trị ung thư hàng đầu nước Mỹ, anh Phan Minh Liêm (35 tuổi) tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về ung thư, đồng thời mở công ty khởi nghiệp tại đây.
Phan Minh Liêm quê ở Nha Trang. Năm lớp 9 Liêm đạt giải nhì quốc gia môn tiếng Pháp và được nhận học bổng sang Pháp học 1 năm. Sau đó về nước, học tại trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (Nha Trang), cho đến khi thi đậu vào khoa công nghệ sinh học Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM.
Tốt nghiệp đại học năm 2005, Liêm nhận học bổng của VEF làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện MD Anderson thuộc bang Texas. “Tôi chọn nghiên cứu chuyên sâu về ung thư, vì không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đang nỗ lực hết sức tìm ra phương pháp chữa trị căn bệnh này”, Liêm nói.
Khởi nghiệp với công ty giải mã Gen
Nhận bằng tiến sĩ tại Viện MD Anderson, Liêm được giữ lại làm việc và tiếp tục thực hiện các đề tài nghiên cứu về điều trị ung thư. Trong 10 năm làm tại đây, Liêm cùng các đồng nghiệp đã có 26 công trình nghiên cứu khoa học, chủ yếu về các phương pháp mới điều trị ung thư, trong đó có 3 công trình ứng dụng vào thực tế (dự án nghiên cứu khả năng kiểm soát chuyển hoá năng lượng trong khối u của protein 14-3-3sigma do nhóm của Liêm thực hiện được Quốc Hội và Bộ Quốc Phòng Mỹ trao giải thưởng dưới dạng fellowship trong 3 năm liên tiếp).
Liêm cũng đã được 4 lần vinh danh trên bức tường danh dự của Viện MD Anderson.
Năm 2015, cùng với bà xã Nguyễn Mai Chi tốt nghiệp ngành dược, Liêm mở công ty khởi nghiệp riêng tại thành phố Houston (bang Texas). Anh cho biết đây là công ty khởi nghiệp đầu tiên trên thế giới ứng dụng công nghệ y sinh học để giải mã gen, nhằm phát hiện sớm các loại bệnh di truyền, đặc biệt là ung thư; cung cấp thông tin về các phương pháp mới phòng ngừa và điều trị ung thư cho bệnh nhân.
Bệnh nhân ở bất cứ quốc gia nào cũng đều có thể được tư vấn, xét nghiệm máu rồi gửi về cho công ty ở Mỹ nghiên cứu, phân tích để đưa ra các đơn thuốc phù hợp mà không cần đến Mỹ.
“Ở Việt Nam và ngay cả những vùng sâu của nước Mỹ, hiệu quả điều trị ung thư chưa được như mong muốn, vì vậy đây là dự án có thể tối ưu hóa quá trình điều trị.
Trong chuyến công tác về Việt Nam lần này, tôi đang khảo sát để có thể mở một chi nhánh của công ty tại đây. Bệnh nhân các nước trong khu vực có thể liên hệ với chi nhánh này để được tư vấn, gửi mẫu xét nghiệm rồi chuyển sang Mỹ nghiên cứu, phân tích…”, Liêm từng tâm sự. Theo anh, công nghệ giải mã gen có hiệu quả đến hơn 90% và đang được nhiều khách hàng khắp nơi trên thế giới tham gia nhằm ngăn ngừa ung thư.
Sự đền đáp và tiếp nối
Khi đã có được những thành công bước đầu trên con đường lập nghiệp, Phan Minh Liêm tìm cách đóng góp cho quê hương. Liên tục nhiều năm qua, anh về nước tham gia thuyết giảng, tư vấn trực tiếp cho cộng đồng những người quan tâm đến căn bệnh ung thư. Năm 2016, khi nguồn tài trợ học bổng của VEF không còn, anh cùng các cựu du học sinh của học bổng này đứng ra thành lập học bổng mới mang tên VEF 2.0 để trao cho các sinh viên tài năng trong nước sang Mỹ du học.
Năm nay có 16 sinh viên giỏi, hoàn cảnh khó khăn, của các trường đại học trong nước sang học ngành công nghệ thông tin, sinh học, hóa học tại các đại học danh tiếng Mỹ nhờ nhận học bổng VEF 2.0. Bên cạnh đó, Liêm cho biết từ nhiều năm nay, anh cùng các cựu du học sinh Việt Nam thiết lập chương trình tặng sách ở Mỹ cho các thư viện Việt Nam (hơn 10.000 cuốn sách các loại), trao hơn 100 học bổng cho học sinh cấp 3 trên cả nước (100 USD/học bổng); lập trang web tư vấn, hướng dẫn hồ sơ, viết thư giới thiệu cho học sinh Việt Nam sang Mỹ du học.
“Là những người đi trước, có chút vốn liếng và kinh nghiệm chúng tôi mong muốn giúp đỡ, hỗ trợ những bạn trẻ đi sau có thể thành công ở xứ người, từ đó có thể quay lại phục vụ quê hương như một sự đền đáp tiếp nối”, Liêm bộc bạch. Phan Minh Liêm bật mí đầu tháng 9 tới, lần đầu tiên thông qua Viện MD Anderson anh cùng với 25 chuyên gia, bác sĩ đầu ngành về ung thư tại Mỹ sẽ đến Việt Nam trao đổi kinh nghiệm điều trị và nghiên cứu về ung thư với các đồng nghiệp Việt Nam, đồng thời tư vấn về các phương pháp mới trong điều trị, chế độ dinh dưỡng, cho các bệnh nhân ung thư Việt Nam.
“Là những người đi trước, có chút vốn liếng và kinh nghiệm chúng tôi mong muốn giúp đỡ, hỗ trợ những bạn trẻ đi sau có thể thành công ở xứ người, từ đó có thể quay lại phục vụ quê hương như một sự đền đáp tiếp nối” (Tiến sĩ Phan Minh Liêm)
Võ Hồng Quỳnh (Theo Thời Đại)