Bản đồ ngành chip toàn cầu đang được vẽ lại và cơ hội tham gia chuỗi cung ứng đang được sắp xếp lại này chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn, chỉ trong vòng 3-5 năm. Việt Nam cần chuẩn bị kỹ cho cơ hội này – Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS), trao đổi tại buổi Ăn trưa làm việc của Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) tại TP.HCM hôm 9-12.
Đây là một trong những sự kiện đề dẫn cho Mekong Connect 2024 với chủ đề “Diễn đàn đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và công nghệ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, TP.HCM và cả nước, hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới”. Mekong Connect 2024 sẽ diễn ra trong hai ngày 17 và 18-12 tại An Giang.
Đầu tư để nắm bắt cơ hội
Ấn Độ đang nỗ lực tăng tốc tận dụng cơ hội này, theo The Economic Times, khi bản đồ chuỗi cung ứng chip toàn cầu đang được vẽ lại. Cuộc chiến bán dẫn đang định hình lại nền kinh tế thế giới, và hiện chủ yếu diễn ra giữa sáu trung tâm, gồm Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.
Năm 2021, Ấn Độ đã thành lập Ủy ban Sứ mệnh Bán dẫn Ấn Độ (ISM) với ngân sách khoảng 10 tỷ USD nhằm thu hút đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn tại Ấn Độ.
Đây là một sáng kiến quan trọng của Chính phủ Ấn Độ nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và biến Ấn Độ thành một trung tâm sản xuất chip toàn cầu. Nguồn quỹ này sẽ được dùng cho tài trợ hay hỗ trợ các công ty đầu tư vào sản xuất fab, lắp ráp, kiểm nghiểm, đánh dấu và đóng góp (ATMP) và tấm nền màn hình.
Hãng chip Micron của Mỹ đã đầu tư 8,25 tỷ USD để thành lập cơ sở lắp ráp và kiểm nghiệm chip ở Ấn Độ. Tata Electronics đã chi 10,84 tỷ USD cho nhà máy Gujarat Fab và 3,21 tỷ USD cho cơ sở lắp ráp và kiểm nghiệm chip ở Assam. Kaynes Semicon được chính phủ cấp phép xây dựng hãng chip 395 triệu USD ở Gujarat… Hiện Ấn Độ đã thu hút khoảng 18 tỷ USD vốn đầu tư từ các hãng chip khác nhau.
Ông Rajeev Chandrasekhar, nguyên Quốc vụ khanh phụ trách điện tử, công nghệ thông tin, kỹ năng và khởi nghiệp của Ấn Độ (2021-2024) đã đến thăm Hà Nội hồi đầu tháng 12-2024 theo đề xuất của Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu (TBI). Trao đổi với các quan chức Việt Nam, ông Rajeev nói rằng phương thức thành công mà Ấn Độ áp dụng trong thời gian qua là “đầu tư để thu hút nhân tài, khi đã có nguồn vốn tài chính và nhân lực thì sẽ dễ nắm bắt cơ hội” – Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành phát biểu.
Chú trọng giá trị ngành chip
Trung Quốc hiện là một trong những trung tâm sản xuất và tiêu thụ chip lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 25% công suất toàn cầu và 30% thị phần lắp ráp, kiểm thử và đóng gói, thế nhưng các doanh nghiệp nội địa vẫn còn nhiều hạn chế. Chỉ khoảng 7% doanh thu toàn cầu thuộc về các công ty Trung Quốc, trong khi các công ty Mỹ nắm giữ tới 52%.
Năng lực sản xuất chip của Trung Quốc đã tăng trưởng vượt bậc trong những năm gần đây. Năm 2020, quốc gia này tiêu thụ tới 18,1 tỷ USD thiết bị chế tạo bán dẫn, chiếm 27% thị phần toàn cầu, tăng gấp 18 lần so với năm 2003. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào nhập khẩu vẫn rất lớn. Năm 2020, Trung Quốc đã nhập khẩu 233,4 tỷ USD chất bán dẫn, vượt qua cả nhập khẩu dầu mỏ, và con số này vẫn duy trì ở mức cao trong những năm gần đây, bất chấp các lệnh cấm và sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu.
Không chỉ là cuộc tranh đua giữa các hãng chip, cuộc đua công nghệ bán dẫn quyết định vị thế của các cường quốc trên trường quốc tế. Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang dồn sức đầu tư vào lĩnh vực này, với mục tiêu giành ưu thế trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Chuỗi giá trị của ngành bán dẫn đòi hỏi sự kết nối chặt chẽ giữa các khâu, từ thiết kế đến sản xuất và ứng dụng. Có đến 1.000 bước để chế tạo con chip, cần đến 400 loại nguyên liệu và hóa chất trong sản xuất chip, hơn 50 loại thiết bị, công cụ chế tạo chip và chuỗi chip toàn cầu hơn 2.000 tỷ USD trải dài hơn 70 nước trên thế giới. Với nguồn nhân lực dồi dào và tiềm năng phát triển lớn, Việt Nam có thể trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, thu hút đầu tư từ các cường quốc công nghệ hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu.
Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành tin rằng chiến lược phát triển ngành bán dẫn cần tập trung vào kết quả cuối cùng là tạo ra giá trị gia tăng, chứ không đơn thuần là đầu tư vào cơ sở vật chất. Nhà nước nên đóng vai trò là nhà đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn đầu, tạo điều kiện để họ cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường quốc tế.
Công nghệ đóng gói tiên tiến là một cơ hội lớn để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành bán dẫn. Bằng cách tập trung vào lĩnh vực này, Việt Nam không chỉ có thể tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao mà còn thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.
Phim siêu ngắn Trung Quốc đạt quy mô 6 tỉ đô la trong năm nay