Tiết lộ “bí mật” bình đẳng giới tại nơi làm việc: Cách thức tạo nên văn hóa, hạnh phúc và năng suất

Nhà báo Vũ Kim Hạnh (bìa trái), bà Hồ Thị Bạch Quyên, Giám đốc về Văn hóa và Con người của Stada Việt Nam (bìa phải) và ông Lê Quang Bình, Giám đốc của ECUE Việt Nam, đồng thời là Trưởng nhóm Gears@Vietnam – một chương trình hợp tác giữa ECUE với BSA
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, các doanh nghiệp không chỉ đối mặt với thách thức về thị trường, công nghệ mà còn là bài toán về nguồn nhân lực. Làm thế nào để xây dựng một môi trường làm việc không chỉ hiệu quả mà còn tràn đầy phúc lợi, sự công bằng và lòng tin? Cuộc trò chuyện chuyên đề giữa Nhà báo Vũ Kim Hạnh với Giám đốc Hồ Thị Bạch Quyên của Stada Việt Nam và Giám đốc Lê Quang Bình của ECUE Việt Nam (Trưởng nhóm GEARS@VN – một dự án hợp tác giữa ECUE và Trung tâm BSA), trên chương trình 5W1H của Maybe Podcast, đã hé lộ những góc nhìn toàn diện và thực tiễn về việc xây dựng bình đẳng giới, nâng cao phúc lợi, thúc đẩy năng suất và củng cố lòng tin của người lao động – những yếu tố cốt lõi cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

BÌNH ĐẲNG GIỚI: NỀN TẢNG CHO SỰ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI VÀ TỔ CHỨC
Bình đẳng giới không chỉ là một mục tiêu xã hội mà đã trở thành yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tại Stada Việt Nam, một công ty dược phẩm thuộc tập đoàn Stada của Đức, việc này được thể hiện rõ ràng qua những con số ấn tượng.
Bà Hồ Thị Bạch Quyên, Giám đốc Văn hóa và Con người của Stada Việt Nam, chia sẻ: “Tỷ lệ nữ giới chiếm hơn 50% tổng số nhân viên của tập đoàn. Tại Việt Nam, con số này thậm chí còn cao hơn: hơn 52% cán bộ công nhân viên là nữ. Đặc biệt, tỷ lệ nữ giới trong ban lãnh đạo công ty đạt tới 69%.”. Con số này đặc biệt ý nghĩa khi so sánh với thực trạng chung tại Việt Nam, nơi tỷ lệ lao động nữ rất đông ở các ngành như dệt may, da giày (70-80%) nhưng tỷ lệ nữ làm lãnh đạo chỉ khoảng 30%.
Ông Lê Quang Bình, Giám đốc ECUE Việt Nam, chỉ ra những rào cản vô hình đối với phụ nữ trong sự nghiệp thăng tiến: “Nguyên nhân chính là phụ nữ vẫn bị định kiến rằng họ chủ yếu đảm nhiệm công việc chăm sóc gia đình. Có nghiên cứu cho thấy phụ nữ phải làm việc ở nhà nhiều hơn nam giới khoảng 3 tiếng mỗi ngày. Điều này làm giảm năng lượng và thời gian họ có thể cống hiến cho công việc tại cơ quan, từ đó hạn chế cơ hội thăng tiến của họ. Thêm vào đó, tại nơi làm việc vẫn tồn tại những rào cản mang tính thiên kiến vô hình, khi người ta tin rằng “phụ nữ thì giỏi chăm sóc hơn là giỏi lãnh đạo”. Những định kiến này góp phần khiến nhiều nhà tuyển dụng xem ứng viên nữ là “rủi ro” vì lo ngại về việc lập gia đình và sinh con, trong khi nam giới lại được nhìn nhận là “tương lai” hay “cơ hội” với niềm tin rằng họ sẽ cam kết cao hơn với công việc.”
Để phá bỏ những định kiến này, Stada đã có những bước đi đột phá. Bà Quyên kể một ví dụ cụ thể về việc xóa bỏ định kiến trong tuyển dụng: “Khi tôi làm giám đốc tuyển dụng khu vực Châu Á trước đây, tôi nhận thấy rằng định kiến trong tuyển dụng thường phổ biến hơn ở một số quốc gia. Để xóa bỏ định kiến này, khi gửi hồ sơ ứng tuyển cho người quản lý, chúng tôi đã không thể hiện giới tính hoặc tên của ứng viên trên đó”.
Cách làm này giúp người quản lý tập trung hoàn toàn vào kinh nghiệm và năng lực của ứng viên, thay vì bị ảnh hưởng bởi những yếu tố chủ quan.
Investing in Women – một sáng kiến của chính phủ Australia, ECUE và BSA mang đến GEARS (Gender Equality Assessment, Results, and Strategies), một công cụ được thiết kế riêng cho thị trường ASEAN dựa trên công cụ đánh giá chẩn đoán toàn diện do Cơ quan Bình đẳng Giới tại Nơi làm việc của Australia (WGEA) phát triển. Ông Lê Quang Bình nhấn mạnh: “Chương trình GEARS hỗ trợ doanh nghiệp phân tích chuyên sâu môi trường làm việc của mình, từ chính sách, cơ cấu nhân sự cho đến mức độ gắn kết và tình cảm của nhân viên đối với công ty. Điều này giúp họ xác định rõ những điểm mạnh và điểm cần cải thiện, nhằm xây dựng một môi trường làm việc bình đẳng, dung hợp và thúc đẩy sự gắn bó của nhân viên”.
GEARS giúp doanh nghiệp thực hiện “khám sức khỏe tổng quát” về bình đẳng giới, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể và phù hợp.
PHÚC LỢI NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ SỨC KHỎE TOÀN DIỆN: NỀN TẢNG CỦA LÒNG TIN VÀ NĂNG SUẤT
Stada không chỉ chú trọng bình đẳng giới mà còn đặt phúc lợi và sự phát triển của người lao động vào trọng tâm chiến lược. Phòng nhân sự tại Stada được gọi là Phòng Văn hóa và Con người. Điều này thể hiện quan niệm rằng sự khác biệt của một tổ chức đến từ văn hóa và con người, nơi mục tiêu là tạo ra “một nét văn hóa phát triển” hay còn gọi là “grow mindset”. Bà Quyên giải thích, văn hóa này khuyến khích nhân viên “tốt hơn 1% mỗi ngày”.
Bà Hồ Thị Bạch Quyên: Phòng nhân sự tại Stada được gọi là Phòng Văn hóa và Con người. Điều này thể hiện quan niệm rằng sự khác biệt của một tổ chức đến từ văn hóa và con người, nơi mục tiêu là tạo ra “một nét văn hóa phát triển” hay còn gọi là “growth mindset”…
Chương trình Caring for You của Stada là một minh chứng sống động cho cam kết này, đã được thực hiện gần 5 năm. Chương trình bao gồm bốn khía cạnh chính:
  • Sức khỏe thể chất: Các hoạt động như step challenge khuyến khích nhân viên tập luyện hàng ngày;
  • Sức khỏe tinh thần: Stada hợp tác với Kyan Health, một đối tác toàn cầu, cung cấp các giải pháp hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho nhân viên và cả người thân trực hệ hoặc người phụ thuộc của họ;
  • Phát triển nghề nghiệp: Các chương trình huấn luyện và đào tạo thực tế giúp nhân viên ứng dụng kiến thức vào công việc ngay lập tức;
  • Gắn kết nhân viên: Không chỉ quan tâm đến nhân viên mà còn mở rộng sự quan tâm đến người thân của họ, ví dụ như mua bảo hiểm sức khỏe cao cấp cho cả gia đình hoặc tặng quà trong các hoạt động gắn kết.
Đặc biệt, Stada rất chú trọng đến sức khỏe tinh thần – một vấn đề còn nhiều e ngại tại Việt Nam và Châu Á. Bà Quyên chia sẻ về cách Stada tiếp cận vấn đề này: “Trước khi giới thiệu công cụ đó, chúng tôi nhận thấy nhận thức của nhân viên rất quan trọng. Vì vậy, chúng tôi đã triển khai một khảo sát tự đánh giá để đo lường nhận thức này”.
Khảo sát này giúp nhân viên tự đánh giá mức độ căng thẳng của mình, từ đó có động lực nội sinh để tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý mà công ty tài trợ. Ông Lê Quang Bình cũng nhấn mạnh rằng: “Sức khỏe tâm trí và tâm thần có tính giới rất cao. Nam giới thường e ngại bộc lộ cảm xúc, dẫn đến việc sức khỏe tâm trí của họ có nhiều vấn đề hơn đáng kể. Minh chứng là tỉ lệ tự tử ở nam giới cao gấp ba lần so với nữ giới
Việc cung cấp không gian an toàn và nguồn lực để giải quyết những vấn đề này là cực kỳ quan trọng”.
 Một ví dụ cụ thể cho sự lắng nghe nhân viên là việc Stada khai trương phòng Mother’s Room (phòng dành cho các bà mẹ) và cũng là phòng thư giãn, dựa trên phản hồi từ khảo sát nhân viên về nhu cầu có nơi hút sữa, trữ sữa hoặc nghỉ ngơi tạm thời. Điều này thể hiện sự thấu hiểu rằng: “Khi một người mà đến một nơi làm việc ấy thì họ có thể là mẹ là bố là ông là bà là chị là anh ở một cái gia đình nào đó và họ có những cái vai trò giới ở trong gia đình”.
PHÁ VỠ ĐỊNH KIẾN, KHƠI DẬY TIỀM NĂNG: ĐA DẠNG VÀ HÒA NHẬP THÚC ĐẨY NĂNG SUẤT
Ông Lê Quang Bình nhấn mạnh: Công cụ GEARS giúp doanh nghiệp thực hiện “khám sức khỏe tổng quát” về bình đẳng giới, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể và phù hợp.
Năng suất không chỉ đến từ quy trình hay công nghệ mà còn từ sự đa dạng trong tư duy và sự hòa nhập trong môi trường làm việc. Ông Lê Quang Bình trích dẫn nghiên cứu cho thấy rằng: “Một nhóm làm việc hoặc công ty có sự đa dạng về giới và các yếu tố khác, đặc biệt là có môi trường hòa nhập và dung hợp, thì hiệu quả công việc cao gấp 10 lần so với một môi trường thiếu đa dạng và dung hợp. Mức độ sáng tạo của team có thể cao gấp 9 lần và khả năng phục vụ khách hàng tốt hơn gấp 5 lần. Thậm chí, một công ty có tỷ lệ đa dạng giới nằm trong top 25% đứng đầu có thể có lợi nhuận cao hơn 15% so với mức trung bình của ngành.
Để đạt được điều này, việc nhận diện và phá bỏ các “thiên kiến vô thức” là điều cần thiết. Ông Bình giải thích, thiên kiến có thể ảnh hưởng đến chất lượng quyết định, ví dụ như trong tuyển dụng: “Có rất nhiều nhà tuyển dụng nhìn nữ như là rủi ro… Hoặc là nam giới thì lại nhìn như là một cái tương lai một cái cơ hội”. GEARS giúp các doanh nghiệp “bóc tách những cái điều đó” để tuyển dụng được người tài năng thực sự, bất kể giới tính.
Stada cũng đang triển khai một chương trình đột phá gọi là “Reverse mentoring” (cố vấn ngược). Bà Quyên giải thích: “Các chương trình cố vấn (mentoring) truyền thống thường có những anh chị cấp cao, nhiều kinh nghiệm hoặc lớn tuổi hơn hướng dẫn cho các bạn nhân viên mới hoặc trẻ tuổi hơn. Tuy nhiên, gần đây tập đoàn đã triển khai một chương trình mới gọi là ‘cố vấn ngược’ (reverse mentoring). Mục đích của chương trình này là phá vỡ định kiến về việc ai có thể là người cố vấn, đồng thời xây dựng và tận dụng thế mạnh của từng thế hệ. Cụ thể, những bạn trẻ với thế mạnh về công nghệ và các xu hướng mới sẽ trở thành người cố vấn, cung cấp lời khuyên cho các cấp quản lý cấp trung hoặc ban giám đốc, giúp họ cùng phát triển. Ngay cả các anh chị trong ban giám đốc ban đầu cũng khá ngạc nhiên, nhưng sau đó đã nhận thấy sự thú vị và lợi ích của chương trình này”.
Chương trình này khuyến khích những bạn trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z, với thế mạnh về công nghệ và xu hướng mới, làm cố vấn cho các cấp quản lý và ban giám đốc. Điều này không chỉ giúp các cấp cao cập nhật kiến thức mà còn tạo ra sự thấu hiểu và tôn trọng giữa các thế hệ, từ đó thúc đẩy sự hợp tác và sáng tạo.
Ngoài giới tính, sự đa dạng còn bao gồm cả người khuyết tật. Chương trình Gear cũng chú trọng vào việc “dung hợp người khuyết tật vào nơi làm việc”. Ông Bình chia sẻ rằng, việc này không chỉ giúp người khuyết tật có cơ hội làm việc mà còn giúp những người xung quanh học được sự thấu hiểu và tôn trọng sự khác biệt, từ đó tạo ra một môi trường làm việc nhân văn và hiệu quả hơn. Một ví dụ cảm động là tại một doanh nghiệp lớn khác, các nhân viên phục vụ ở quán cà phê là người câm, điếc hoặc khuyết tật, điều này tạo ra một góc nhìn nhân văn và sự bao dung trong môi trường làm việc.
ESG VÀ TƯƠNG LAI BỀN VỮNG: VĂN HÓA THÚC ĐẨY HIỆU SUẤT KINH DOANH
Các tiêu chuẩn ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) ngày càng trở thành thước đo quan trọng về sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong đó, yếu tố xã hội, đặc biệt là bình đẳng giới và phúc lợi người lao động, có mối liên hệ mật thiết với kết quả kinh doanh. “Stada đã thực hiện nhiều nghiên cứu và nhận thấy một mối tương quan rõ ràng: “Các quốc gia có văn hóa doanh nghiệp càng tốt thì kết quả kinh doanh càng tích cực”. Phát hiện này, lặp đi lặp lại ở nhiều quốc gia, đã định hướng chiến lược cho tập đoàn Stada với triết lý “văn hóa thúc đẩy hiệu suất” (culture drives performance). Điều này khẳng định rằng việc xây dựng một môi trường làm việc có văn hóa tốt, công bằng và quan tâm đến nhân viên, không chỉ là khẩu hiệu mà thực sự tạo ra tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh.
Stada cũng đặc biệt chú trọng đến nguyên tắc “chính trực integrity”. Điều này được thể hiện trong các khóa huấn luyện định kỳ về quy chuẩn công ty, đạo đức kinh doanh, và việc thiết lập cổng thông tin để nhân viên báo cáo các quan ngại một cách an toàn và trực tiếp đến tập đoàn.
Từ những chia sẻ của các chuyên gia, có thể thấy rằng việc xây dựng bình đẳng giới và môi trường làm việc có phúc lợi không còn là lựa chọn mà là yêu cầu tất yếu cho mọi doanh nghiệp muốn phát triển bền vững. Đó là một quá trình liên tục lắng nghe, thấu hiểu, và hành động để phá vỡ những định kiến cũ, chấp nhận sự đa dạng, và thúc đẩy sự hòa nhập. Khi nhân viên cảm thấy được tôn trọng, được chăm sóc về cả thể chất và tinh thần, được trao cơ hội phát triển, họ sẽ cống hiến hết mình, tạo ra năng suất vượt trội và xây dựng lòng tin vững chắc với tổ chức. Như ông Lê Quang Bình đúc kết: “Bình đẳng giới không phải là một yếu tố độc lập hay thêm vào, mà thực chất nó là một phần không thể tách rời của văn hóa và con người trong công ty”. Chỉ khi ấy, doanh nghiệp mới có thể thực sự phát triển, không chỉ về mặt tài chính mà còn là một nơi làm việc nhân văn, nơi mọi tiềm năng đều được khai phóng.

GEARS@VIETNAM, hay GEARS@VN, là chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tại Việt Nam đo lường và thực hành ESG toàn diện trong quản trị nguồn nhân lực, qua đó gia tăng lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chương trình GEARS@VIETNAM được hỗ trợ bởi Investing in Women (Đầu tư cho Phụ nữ), một sáng kiến của chính phủ Australia nhằm thúc đẩy bình đẳng kinh tế của phụ nữ ở các nước Indonesia, Myanmar, Philippines, và Việt Nam. Tại Việt Nam, chương trình do nhóm đối tác chiến lược ECUE – BSA phối hợp triển khai.

Chương trình hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, kỹ năng và hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng bộ công cụ GEARS (Đánh giá, Kết quả và Chiến lược Bình đẳng Giới). Đây là một công cụ đánh giá tiên tiến được thiết kế riêng cho thị trường ASEAN dựa trên công cụ chẩn đoán toàn diện do Cơ quan Bình đẳng giới tại nơi làm việc Australia (Australia’s Workplace Gender Equality Agency – WGEA) và các đối tác ở Đông Nam Á phát triển, với sự hỗ trợ của Investing in Women.

BSA Media lược thuật

Ra mắt Ban Cố vấn chương trình GEARS@VIETNAM