TikTok sa thải thêm 700 nhân viên kiểm duyệt nội dung ở Malaysia nhờ AI và tự động hóa

TikTok sa thải 700 nhân viên kiểm duyệt nội dung ở Malaysia sau khi hoàn thiện AI và các công nghệ tự động hóa kiểm duyệt nội dung. Malaysia dẫn đầu Đông Nam Á về số lượng yêu cầu xóa bỏ nội dung, với 1.862 trường hợp, trong nửa cuối năm 2023.

ByteDance, công ty mẹ của TikTok, tuyên bố việc áp dụng công nghệ kiểm duyệt nội dung và AI đã giúp họ giảm bớt số nhân sự làm công việc này.

Một phát ngôn viên của TikTok tại Malaysia nói rằng việc cắt giảm việc làm là một phần của kế hoạch đang diễn ra để “tăng cường hơn nữa mô hình hoạt động toàn cầu cho việc kiểm soát nội dung”.

“Chúng tôi dự kiến ​​sẽ đầu tư 2 tỷ USD trên toàn cầu nhằm cải thiện độ tin cậy và mức độ an toàn của thông tin chỉ trong năm 2024 và tiếp tục cải thiện hiệu quả công việc của chúng tôi. Hiện chúng tôi sử dụng công nghệ để xóa bỏ đến 80% nội dung vi phạm”.

Trang tin tức kinh doanh The Malaysian Reserve là tở báo đầu tiên loan tin này.

ByteDance không xác nhận số lượng chính xác các việc làm bị ảnh hưởng, nhưng các nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho biết hơn 700 nhân viên tham gia kiểm soát nội dung trên TikTok tại Malaysia sẽ bị ảnh hưởng. Hồi tháng 6, TikTok đã cắt giảm 450 việc làm tại Indonesia.

TikTok có hơn 110.000 nhân viên trên hơn 30 quốc gia và điều tiết nội dung bằng hơn 70 ngôn ngữ. Họ sử dụng người kiểm duyệt và hệ thống kiểm soát nội dung tự động dựa trên mô hình máy học để giám sát và xử lý các bài đăng có vấn đề.

Hồi tháng 5-2024, cổng thông tin công nghệ The Information đưa tin TikTok dự định sa thải khoảng 1.000 người làm việc trong hoạt động người dùng toàn cầu, nội dung và tiếp thị.

Hiện có khoảng 30 triệu người dùng mạng xã hội hoạt động ở Malaysia vào năm 2023 và 28,68 triệu tài khoản trên TikTok.

Trong báo cáo Yêu cầu xóa bỏ nội dung của Chính phủ hai năm một lần cho năm 2023, TikTok cho biết Malaysia dẫn đầu Đông Nam Á về số lượng yêu cầu xóa bỏ nội dung, với 1.862 trường hợp, trong nửa cuối năm 2023. Trong quý 1-2024, TikTok đã gỡ bỏ 28.000 video về nạn bắt nạt ở Malaysia.

Malaysia đã ban hành quy định cấp phép cho các nền tảng mạng xã hội vào tháng 8 trong nỗ lực mở rộng quyền giám sát của chính phủ. Chế độ cấp phép sẽ có hiệu lực vào năm 2025, nhằm mục đích bảo vệ người dùng trực tuyến giữa làn sóng lừa đảo, bắt nạt trên mạng, thông tin sai lệch và tội phạm tình dục đối với trẻ em.

Người kiểm duyệt đóng một vai trò quan trọng trong quá trình kiểm soát nội dung đăng tải trên mạng xã hội như TikTok, theo giải thích của Harris Zainul, phó giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Malaysia. Các quyết định của người kiểm duyệt được đưa vào các thuật toán dùng để đào tạo các mô hình AI.

Harris nói rằng hiện hệ thống tự động của TikTok đang làm việc ở mức độ hữu hiệu mà ByteDance cảm thẩy “thoải mái” khi cắt giảm số lượng nhân sự kiểm duyệt.

Ông cho rằng tiến độ áp dụng AI để kiểm duyệt phương tiện truyền thông xã hội sẽ tốt hơn, với điều kiện “hầu hết các công nghệ đều liên tục cải thiện”. Nhưng ông cho rằng vẫn có nhiều lo ngại.

“Khi chứng kiến các tác hại của mạng xã hội hàng ngày, chúng ta thường đặt câu hỏi là việc kiểm duyệt đã đủ hay chưa? Ai cũng mong đợi các tiêu chuẩn an toàn cao từ các ngành công nghiệp như dược phẩm, năng lượng hoặc xe hơi. Thế nhưng tại sao chúng ta lại không mong điều tương tự từ các nền tảng truyền thông xã hội”.

Theo Reuters, AFP

Ricky Hồ / BSA Media

Indonesia cấm iPhone 16 vì Apple “hứa lèo”