Tour trải nghiệm Xanh khám phá Nhà máy “3 không” của Duy Tân Recycling
Rác thải nhựa vẫn luôn là mối lo ngại tới sức khỏe con người lẫn môi trường. Mỗi năm, trên thế giới, có tới 300 triệu tấn rác thải nhựa bị thải ra môi trường. Tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường. Việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp hoặc đốt và chỉ có 10% còn lại được tái chế.
Trong chương trình góp sức cùng TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh chuyển đổi xanh và xây dựng kinh tế xanh, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng một chương trình tổng hợp để quảng bá những hoạt động này. Đó là những “Tour trải nghiệm Xanh” khám phá các nhà máy, mô hình sản xuất, kinh doanh. Ngày 10/11 vừa qua, “Tour trải nghiệm Xanh” đã đến thăm quan nhà máy Nhựa tái chế Duy Tân ở Long An – Duy Tân Recycling.
Chia sẻ với đoàn tham quan, ông Lê Anh – Giám đốc phát triển bền vững Duy Tân Recycling cho biết, để mở rộng nền kinh tế tuần hoàn, các nhà sản xuất cần phải thay đổi tư duy, thay vì sản xuất sản phẩm càng nhanh, càng rẻ càng tốt, thì độ bền của sản phẩm và quy trình sản xuất bền vững mới là yếu tố then chốt.
“Làm thế nào để giảm lượng rác thải ra mỗi ngày, làm sao để phân loại và xử lý rác hợp lý, từ đó giảm thiểu tác hại đến môi trường, rất cần ý thức, trách nhiệm của từng người dân, từng doanh nghiệp”, ông Huỳnh Ngọc Thạch – Giám đốc Điều hành Duy Tân Recycling thông tin.
Thông tin thêm với đoàn tham quan, lãnh đạo nhà máy Duy Tân Recycling cho hay, hiện doanh nghiệp đang được vận hành theo tiêu chí “3 không” trong quá trình sản xuất: không rác thải – không khí thải – không nước thải. Việc áp dụng tiêu chí này không chỉ giúp công ty thúc đẩy việc sản xuất không gây ô nhiễm môi trường mà còn quan tâm nhiều hơn đến việc tái sử dụng các nguồn năng lượng trong sản xuất.
Thậm chí, nước thải của nhà máy Duy Tân Recycling còn được dùng để nuôi những chú cá ở một không gian rộng lớn.
Một số khó khăn được ông Lê Anh chia sẻ với đoàn tham quan, như hiện nay vấn đề phân loại rác tại nguồn của Việt Nam chưa tốt, nên nguyên liệu đầu vào của nhà máy Duy Tân Recycling bị hao hụt, thu gom 100 tấn, sử dụng được khoảng 50 tấn.
Mặt khác, do nhiều điều kiện chưa phù hợp, nên hiện nay sản phẩm tái chế của Duy Tân Recycling đa phần xuất khẩu, thị trường trong nước chiếm khoảng 40 đến 45%.
Bên cạnh đó, một số khó khăn khác cũng được ông Lê Anh nêu lên, khi triển khai làm nhựa tái chế doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề thuế đầu vào, bởi đa phần các đơn vị thu gom là những người làm thu gom ve chai nhỏ, không có chức danh là công ty nên khó khăn trong việc làm việc về thuế.
“Nếu giải quyết được những khó khăn về thuế đầu vào như thế, tôi nghĩ không chỉ giúp ích cho ngành nhựa tái chế, mà còn là nhôm, thủy tinh, giấy… có thêm những ưu đãi để phát triển trong tương lai”, ông Lê Anh nói.
Đồng quan điểm này, theo ông Bùi Phước Hòa, chuyên gia Hội DN HVNCLC, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân để họ hiểu rõ hơn về ngành tái chế, tái sinh. Quan trọng hơn là cần sự chung tay hỗ trợ của nhà nước về thuế phí, vì khi sản xuất cái gì liên quan đến tái chế, tái sinh rất tốn kém.
Duy Tân Recycling tiên phong trong ngành nhựa tái chế Việt Nam
Nhà máy nhựa tái chế Duy Tân có tổng công suất 100.000 tấn/năm. Hiện nay, nhà máy có công suất sản xuất 30.000 tấn nhựa/năm, kế hoạch giai đoạn 2 sẽ nâng công suất xử lý lên 60.000 tấn nhựa/năm, tương đương 4,6 tỷ chai nước sẽ được tái chế. Chỉ riêng 10 tháng đầu năm nay, nhà máy đã thu gom và tái chế 18.200 tấn, tương đương 1,6 tỷ chai. Số lượng chai nhựa đã được xử lý tái chế không chỉ cung cấp nguyên liệu cho các công ty đối tác nhãn hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) lớn tại Việt Nam mà còn xuất khẩu sang 12 quốc gia bao gồm Hoa Kỳ và Châu Âu với sản lượng xuất khẩu 9.100 tấn/56%.
Ngoài các tiêu chuẩn ISO cho hệ thống quản lý, sản phẩm của công ty đáp ứng các tiêu chuẩn của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), chứng nhận từ Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA) là minh chứng cho chất lượng sản phẩm hạt nhựa tái sinh an toàn cho sức khỏe, phù hợp để sản xuất bao bì cho thực phẩm, bao gồm cả nước uống.
Ngày 30/10/2023, Duy Tân Recycling đạt Chứng nhận Doanh nghiệp Công nghệ cao do Bộ Khoa học & Công nghệ cấp. “Đây là niềm tự hào và là một trong những bước tiến quan trọng đối với Công ty nhằm kiểm soát và nâng cao chất lượng sản xuất, năng lực cạnh tranh và là bước khởi đầu cho kế hoạch phát triển trong tương lai” – ông Lê Anh nhấn mạnh.