Trung tâm hành chính mới TP.HCM: 1700 người làm việc

Trụ sở UBND TP.HCM hiện nay

Lãnh đạo TP  vừa duyệt nhiệm vụ thiết kế để tổ chức tuyển chọn “Phương án thiết kế quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và kiến trúc công trình xây dựng mở rộng, nâng cấp trụ sở HĐND và UBND TP”.

Phối cảnh khối nhà làm việc kéo dài đến góc đường Lê Thánh Tôn và Đồng Khơi

Theo UBND TP, việc mở rộng và nâng cấp nhằm hoàn chỉnh quy hoạch kiến trúc để xây dựng trung tâm hành chính mới gắn với nhu cầu bố trí sử dụng các cơ quan hành chính thuộc thành phố theo hướng tiết kiệm, sử dụng có hiệu quả nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước; phù hợp với xu thế cải cách chính quyền của các nước tiên tiến trên thế giới.


Dự kiến TP.HCM sẽ bố trí 8 cơ quan nhà nước làm việc tại trung tâm hành chính mới gồm: Văn phòng UBND TP.HCM, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM, Sở Nội vụ, Sở TT-TT, Sở Công thương, Ban Đổi mới doanh nghiệp, Sở TN-MT và Sở GTVT với 95 phòng ban trực thuộc, với khoảng 1.700 người làm việc.

Phối cảnh tòa nhà làm việc của UBND TP.HCM mặt tiền đường Lê Thánh Tôn

Về phương án bảo tồn, UBND TP yêu cầu bảo tồn khối công trình phía mặt tiền đường Lê Thánh Tôn (khối công trình cũ hơn 100 năm tuổi, có hình thức kiến trúc đặc trưng với các họa tiết hoa văn mang đậm phong cách kiến trúc cổ điển miền Bắc nước Pháp).

Tại khối công trình được bảo tồn này sẽ bố trí phòng làm việc của Thường trực HĐND, UBND TP, nơi tiếp khách, thư viện, khu trưng bày về thành tựu của TP ở tầng dưới để người dân có thể vào tham quan.


Trước đó, trong cuộc thi tuyển phương án thiết kế Qui hoạch tổng mặt bằng tỉ lệ 1/500 và thiết kế kiến trúc các công trình trong khu Trung tâm hành chính TP.HCM, phương án qui hoạch, thiết kế của công ty Nikken Sekkei Ltd đạt giải nhì (không có giải nhất)

Phương án thiết kế đạt giải nhất của công ty Nikken Sekkei được đánh giá là phương án thiết kế tốt nhất để bảo tồn khối nhà trước của trụ sở UBND TP hiện tại.

Các nhà thiết kế đến từ Nhật Bản thiết kế các tòa nhà cao tầng của trung tâm hành chính TP ra làm hai khối nằm ở hai bên (một khối nằm sát mép đường Đồng Khởi, một khối nằm sát mép đường Pasteur).

Tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng được di dời ra phía sau tòa nhà 86 Lê Thánh Tôn và biến thành sảnh đón khách cho hai khối nhà cao tầng hai bên.

Cách bố trí này tạo ra hai khối nền đối xứng qua trục chính của công trình 86 Lê Thánh Tôn và che chắn các công trình cao tầng nhô lên phía sau tòa nhà này. Đồng thời, phối cảnh cho thấy tháp chính và cột cờ của trụ sở UBND TP nổi bật lên nền trời xanh.

Khách đến liên hệ trụ sở hành chính sẽ vào trụ sở ở cổng đường Lý Tự Trọng, lối lên xuống của nhân viên  ở đường Pasteur, lãnh đạo UBND TP và khách VIP đi qua cổng Lê Thánh Tôn.
T.H