TS Nguyễn Quân, Chủ tịch hội tự động hóa việt nam: Từ chuyển đổi số đến chuyển đổi kép – động lực thúc đẩy liên kết phát triển bền vững cho vùng ĐBSCL

Chuyển đổi số đang được Việt Nam coi là một cuộc cách mạng để nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tối ưu hóa nguồn lực và thúc đẩy phát triển bền vững. Trong bối cảnh này, ĐBSCL, với vai trò là trung tâm nông nghiệp và “vựa lúa, vựa hải sản, vựa trái cây” lớn nhất cả nước, cần đẩy mạnh và tận dụng chuyển đổi số để khắc phục các thách thức hiện hữu và tạo ra các cơ hội phát triển mới.

Sự liên kết với TP.HCM – trung tâm kinh tế, khoa học và công nghệ hàng đầu – chính là chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu này. Hội Tự động hóa Việt Nam, với vai trò là tổ chức xã hội nghề nghiệp chuyên ngành, sẵn sàng đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nông ĐBSCL và TP.HCM trong quá trình chuyển đổi số, hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh kinh tế ngày càng khốc liệt.

Cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, chế biến và dịch vụ nông – thủy sản tại ĐBSCL là lực lượng chủ đạo trong việc duy trì và phát triển kinh tế vùng kinh tế trọng điểm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm chi phí sản xuất cao, khó khăn trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế quản lý sản xuất và chất lượng sản phẩm hàng hóa nông sản (GlobalGAP, ISO, HACCP, GMP…) và hạn chế trong tiếp cận thị trường quốc tế.

Chuyển đổi số chính là chìa khóa để giải quyết các vấn đề này. Các công nghệ như IoT (Internet vạn vật) và blockchain đã được ứng dụng thành công trong giám sát và quản lý sản xuất. Ví dụ, việc triển khai hệ thống cảm biến IoT trong nuôi trồng thủy sản tại Cà Mau đã giúp doanh nghiệp tối ưu hóa việc kiểm soát chất lượng nước, tăng sản lượng nuôi trồng, đồng thời giảm đáng kể  chi phí vận hành.

Blockchain cũng đang thay đổi cách các doanh nghiệp quản lý chuỗi cung ứng. Nhờ công nghệ này, nhiều hợp tác xã ở ĐBSCL bước đầu đã cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như EU và Nhật Bản… Điều này không chỉ gia tăng giá trị sản phẩm mà còn giúp xây dựng thương hiệu nông sản ĐBSCL trên trường quốc tế.

Ngoài ra, thương mại điện tử đang mở ra các cơ hội mới cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các nền tảng mạng xã hội đã giúp hàng ngàn doanh nghiệp nông sản tại ĐBSCL tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng trên toàn quốc, đồng thời giảm phụ thuộc vào các kênh phân phối truyền thống vốn nhiều rủi ro.

Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh không thể tách rời nếu mục tiêu cuối cùng là phát triển bền vững. ĐBSCL, với lợi thế tự nhiên về năng lượng tái tạo như mặt trời và gió, với ứng dụng công nghệ số để tối ưu hóa trong nuôi trồng, thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính, có tiềm năng trở thành khu vực tiên phong trong chuyển đổi kép.

Các dự án năng lượng tái tạo đang được triển khai mạnh mẽ tại Trà Vinh, Bạc Liêu và Sóc Trăng… kết hợp cùng công nghệ số trong quản lý và vận hành, không chỉ giúp giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch mà còn tạo ra hệ sinh thái sản xuất xanh, thân thiện với môi trường.

Mô hình kinh tế tuần hoàn cũng đang được ứng dụng tại nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản. Tại nhiều địa phương, việc tận dụng vỏ trấu và rơm rạ để sản xuất năng lượng sinh học đã giúp giảm chi phí sản xuất đồng thời giảm thiểu lượng rác thải nông nghiệp. Các công nghệ tự động hóa và quản lý số hóa giúp tối ưu hóa quá trình này, đưa ĐBSCL tiến gần hơn tới mục tiêu phát triển kinh tế xanh.

Thành công của chuyển đổi số và chuyển đổi kép không thể thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa khu vực công và tư. Mối quan hệ hợp tác công – tư (PPP) là mô hình quan trọng để huy động nguồn lực và đảm bảo tính bền vững cho các dự án số hóa tại ĐBSCL.

Chính quyền TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL đã bước đầu triển khai một số mô hình hợp tác hiệu quả. Các dự án số hóa chuỗi cung ứng nông sản đã được thực hiện ở  nhiều địa  phương với sự tham gia của các doanh nghiệp nông nghiệp như Lộc Trời, doanh nghiệp công nghệ lớn như FPT, Viettel, RYNAN Holdings JSC… các dự án này không chỉ giúp cải thiện quy trình vận hành mà còn tăng khả năng tiếp cận thị trường cho nông sản địa phương.

Bên cạnh đó, việc phối hợp xây dựng các trung tâm công nghệ số liên vùng cũng là một định hướng chiến lược. Các trung tâm này không chỉ đóng vai trò đào tạo nguồn nhân lực mà còn là nơi thử nghiệm và ứng dụng các giải pháp công nghệ mới, giúp nhân rộng các mô hình thành công ra toàn vùng.

Hội Tự động hóa Việt Nam, với vai trò là tổ chức xã hội nghề nghiệp chuyên sâu trong lĩnh vực công nghệ và tự động hóa, sở hữu mạng lưới chuyên gia và doanh nghiệp trong các lĩnh vực IoT, robot và trí tuệ nhân tạo, có thể đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi kép tại ĐBSCL. Hội có thể hỗ trợ ĐBSCL triển khai các giải pháp công nghệ tự động hóa trong sản xuất thông minh, nông nghiệp thông minh, đô thị và nông thôn thông minh, chế biến, bảo quản nông sản…

Thứ nhất, Hội đã và đang triển khai các giải pháp tự động hóa trong nông nghiệp, như hệ thống robot tự hành và cảm biến IoT. Các công nghệ này không chỉ tăng năng suất mà còn giảm phụ thuộc vào lao động thủ công, tạo điều kiện để nông nghiệp ĐBSCL tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng điều kiện khắt khe của các thị trường khó tính như Nhật Bản, Châu Âu và Hoa Kỳ. Nhiều giải pháp và công nghệ tự động hóa do các hội viên của hội thực hiện đã được trình diễn tại các Hội nghị khoa học và triển lãm quốc tế về Tự động hóa (VCCA) tổ chức năm 2017, 2022 tại TP.HCM, được nhiều doanh nghiệp vùng ĐBSCL quan tâm.

Thứ hai, Hội sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức địa phương để tổ chức các chương trình đào tạo về công nghệ số và tự động hóa, giới thiệu chuyên gia chuyển đổi số để hỗ trợ doanh nghiệp. Điều này không chỉ nâng cao năng lực của người lao động mà còn giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số thành công, thích nghi tốt hơn với yêu cầu của nền kinh tế số.

Thứ ba, Hội sẵn sàng làm cầu nối giữa các giữa các doanh nghiệp công nghệ quốc tế, doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam, trong đó có TP.HCM và các đơn vị sản xuất tại ĐBSCL. Sự kết nối này giúp lan tỏa các giải pháp công nghệ hiện đại, thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến vào Việt Nam, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để sáng tạo công nghệ mới thông qua hoạt động đổi mới sáng tạo tại các địa phương.

Chuyển đổi số và chuyển đổi kép là con đường tất yếu để ĐBSCL và TP.HCM không chỉ phát triển bền vững mà còn khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ chính quyền, doanh nghiệp đến các tổ chức khoa học công nghệ và viện nghiên cứu, trường đại học, các hội nghề nghiệp như Hội Tự động hóa Việt Nam, sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa ĐBSCL trở thành khu vực tiên phong trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế số của cả nước. Mối liên kết này không chỉ mở ra những cơ hội phát triển vượt bậc mà còn góp phần hiện thực hóa tầm nhìn chung về một Việt Nam phát triển bền vững và hội nhập toàn cầu.

Chuyển đổi số là lợi ích thiết thực cho người dân ĐBSCL

Chuyển đổi số không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp hay cơ quan quản lý, mà còn tác động sâu sắc đến đời sống của từng người dân tại ĐBSCL. Với sự phổ cập của Internet và các thiết bị thông minh, nông dân ngày càng có cơ hội tiếp cận các ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất và cải thiện thu nhập.

Các ứng dụng nông nghiệp thông minh, như hệ thống giám sát tưới tiêu tự động và cảm biến đo chất lượng nước, hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật và dinh dưỡng trong đất, giúp nông dân tối ưu hóa nguồn lực và giảm thiểu lãng phí. Ngoài ra, chuyển đổi số còn mở ra cơ hội kết nối trực tiếp người dân với thị trường tiêu thụ thông qua các sàn thương mại điện tử. Thay vì phụ thuộc vào thương lái, người nông dân có thể tự tiếp thị và bán sản phẩm của mình trên các nền tảng trực tuyến. Điều này không chỉ giúp họ nhận được giá trị xứng đáng mà còn tạo ra sự minh bạch và ổn định trong thu nhập.

Đặc biệt, chuyển đổi số còn mang lại những tiện ích trong đời sống hàng ngày, từ việc thanh toán không dùng tiền mặt, đăng ký dịch vụ công trực tuyến đến tiếp cận thông tin thời tiết, cảnh báo thiên tai. Ngày nay với công nghệ dữ liệu lớn (BigData) và trí tuệ nhân tạo (AI), các nền tảng công nghệ số sẽ giúp tối ưu hóa chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, điều hành sản xuất thông minh, chính xác. Những thay đổi này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện để người dân ĐBSCL tự tin thích nghi với sự phát triển của thời đại số.

TS NGUYỄN QUÂN, Nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam