Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng: Chào đón mọi nguồn lực kiến tạo “không gian mới – giá trị mới”

An Giang có vị trí địa kinh tế, địa chính trị chiến lược của vùng ĐBSCL, giữa ĐBSCL và cả nước. Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là tiền đề, nền tảng trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong 30 năm tới. Các dự án đầu tư hạ tầng kết nối giao thông, việc triển khai Quy hoạch đang định hình tư duy mở trong việc kết nối nguồn lực hợp tác phát triển kinh tế, thương mại, công nghệ hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới. Suy nghĩ này ứng với chủ đề Mekong Connect 2024 diễn ra tại An Giang từ ngày 17-18/12/2024.
An Giang vừa kỷ niệm 200 năm vận hành kênh đào sử thi Vĩnh Tế, kỷ niệm 192 năm tỉnh An
Giang trong dòng chảy lịch sử cương thổ Tây Nam bộ từ thế kỷ 17. Ngày 26/11/2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang – chủ đề “An Giang: Không gian mới – Giá trị mới” với mong muốn gởi thông điệp rộng mở khi định hình tương lai.
Với tuyến biên giới giáp Vương quốc Campuchia gần 100km, tỉnh An Giang được Quy hoạch
thành 03 Khu vực kinh tế Cửa khẩu, với tổng diện tích hơn 30.000 héc ta có tính chất là Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Hiện nay, đã được quy hoạch một số phân khu chức năng phát triển thương mại – dịch vụ logistics và sản xuất công nghiệp sẵn sàng để các nhà đầu tư đến tìm hiểu cách vận hành, lợi ích khi khai thác các giá trị đầu tư công.
Là 1 trong 4 tỉnh ở Tây Nam bộ (chung đường biên giới trên bộ hơn 400 km với Vương quốc
Campuchia – gồm Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang) – An Giang có tiềm năng kết nối với Kandal, Takeo, thủ đô Phnom Penh qua hai (2) Cửa khẩu Quốc tế: Vĩnh Xương, Tịnh Biên và một (1) Cửa khẩu Quốc gia Khánh Bình chuẩn bị nâng cấp thành Cửa khẩu Quốc tế. Việc giao thương hữu nghị với Vương quốc Campuchia và các quốc gia tiểu vùng sông Mekong được Chính phủ coi trọng và Khu kinh tế Cửa khẩu An Giang là 01 trong 08 Khu kinh tế Cửa khẩu quan trọng ưu tiên đầu tư trong thời gian tới.
Để nơi đây trở thành trung tâm đầu mối, giao lưu, hợp tác quốc tế quan trọng của vùng ĐBSCL, Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: Công nghiệp – thương mại – dịch vụ – du lịch – logistics – đô thị và nông, lâm, ngư nghiệp… An Giang coi trọng các mối quan hệ hợp tác với các tỉnh có chung tuyến biên giới giáp Vương quốc Campuchia để có tiếng nói chung, hợp tác trên nhiều lĩnh vực với Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh trong vùng và cả nước để biến tiềm năng thành nguồn lực thực tế, thúc đẩy tăng trưởng rõ nét, bao trùm.
Tỉnh An Giang có tiềm năng phát triển nông nghiệp theo định hướng phát triển kinh tế nông
nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, giảm phát thải nhằm giảm giá thành, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp; An Giang đã và đang tích cực triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, gắn với phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023, theo đó, Tỉnh tập trung chỉ đạo tổ chức lại sản xuất thông qua việc xây dựng vùng sản xuất lúa chuyên canh, tập huấn nông dân canh tác theo quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với các giải pháp kỹ thuật thân thiện với môi trường, huy động nguồn lực và thúc đẩy đầu tư hạ tầng sản xuất… để đến năm 2025 An Giang đạt 44 ngàn ha lúa canh tác chất lượng cao và phát thải thấp, đạt 152 ngàn ha vào năm 2030. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tình hình cạnh tranh mới, việc định hướng trở thành trung tâm lúa gạo và thủy sản nước ngọt của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, An Giang có các yếu tố thuận lợi, cơ hội để tăng trưởng bền vững vượt địa giới hành chính, thậm chí xuyên quốc gia.
Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh theo hướng kinh tế xanh, từ thủy sản, rau màu, cây ăn trái cùng các nhóm sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học như nấm ăn, các loại dược liệu, thực phẩm có lợi cho sức khỏe, dinh dưỡng, chữa lành, thực phẩm chức năng cho đến lương thực – thực phẩm chủ lực được chế biến tinh, đa dạng hóa sản phẩm, tăng tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng theo chuỗi cung ứng khép kín, đồng bộ từ nguyên liệu đến thành phẩm… hoàn toàn có khả năng thúc đẩy thương mại xuyên biên giới.
Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng kết nối với Cảng biển Quốc tế Trần Đề thuộc tỉnh Sóc Trăng, Tuyến Quốc lộ N1 và cầu Châu Đốc kết nối với tỉnh Đồng Tháp và Kiên Giang, các tuyến kết nối với Cửa khẩu Tịnh Biên và Khánh Bình, liên thông với Cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương đến các khu, cụm công nghiệp, khu điểm du lịch, khu đô thị, thương mại, dịch vụ, cảng sông và các vùng nguyên liệu… Không gian kết nối nguồn lực đang mở rộng, do đó việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Khu kinh tế Cửa khẩu của tỉnh có ý nghĩa trong việc tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội, không chỉ cho An Giang mà còn sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân lực của các tỉnh trong vùng, từ các doanh nghiệp đặc biệt coi trọng các trục tương tác với Vương Quốc Campuchia – từ đó kết nối các thành viên cộng đồng kinh tế ASEAN (ACE).
Vì vậy, liên kết các tỉnh có chung đường biên giới trong vùng, hợp tác sản xuất, khai thác hiệu quả tiềm năng khu vực, phát huy những sắc thái văn hóa độc đáo của các dân tộc anh em cùng sinh sống từ nguồn nước sông Mekong, với Thành phố Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng trong học hỏi, chia sẻ nhận thức chuyển đổi – khơi dậy tiềm năng phát triển các ngành kinh tế mới như kinh tế dược liệu gắn kết du lịch văn hóa, tâm linh, nghỉ dưỡng, sinh thái, gia tăng các hoạt động phúc lợi cộng đồng, an sinh xã hội.
Dựa trên lợi thế tự nhiên vùng sông nước, sơn cước và đồng bằng châu thổ, An Giang gắn kết những ý tưởng vừa chăm sóc sức khỏe từ nền tảng đông y thế hệ mới vừa an yên với những điểm đến đặc sắc, coi trọng việc thu hút đầu tư phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng. Tỉnh An Giang đang tiếp tục phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông (đường bộ và đường thủy), đảm bảo các tuyến đường đến các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh được thông thoáng; khuyến khích đầu tư các bãi đỗ xe, bến tàu khách du lịch phục vụ khai thác loại hình du lịch đường thủy trên tuyến sông Tiền và sông Hậu. Kêu gọi đầu tư xây dựng các dịch vụ du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng tại các cồn, cù lao ven sông; đặc biệt mời gọi đầu tư phát triển loại hình, dịch vụ du lịch từ 3 đến 5 sao tại thành phố Long Xuyên, thành phố Châu Đốc và các cơ sơ lưu trú chất lượng từ 1 đến 3 sao trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố cũng như mời gọi đầu tư tại các khu, điểm du lịch được quy hoạch, chủ yếu tập trung vào 4 khu trọng điểm, có lợi thế cạnh tranh cao trong vùng: Khu Du lịch quốc gia Núi Sam – Miếu Bà Chúa Xứ (Châu Đốc), Khu Du lịch Núi Cấm – rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên), Khu du lịch Mỹ Hòa Hưng – cồn Phó Ba (Long Xuyên) và Khu di tích Văn hóa Óc Eo – Ba Thê (Thoại Sơn).
Việc thu hút nguồn lực từ nhà đầu tư trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế đổi mới – sáng tạo, hợp tác công – tư tạo sự đột phá trong các lĩnh vực: Nông nghiệp công nghệ cao; mở rộng không gian ứng dụng kinh tế tuần hoàn; gia tăng tỷ lệ sản phẩm công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, dược liệu theo hướng liên kết chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, đồng thời tăng cường dịch vụ, du lịch, logistics và chuyển đổi số theo hướng tích hợp công nghệ, xây dựng mô hình thông minh là những lĩnh vực được tỉnh ưu tiên.
Tỉnh An Giang mời gọi đầu tư lĩnh vực xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (KCN), khu chức năng Khu kinh tế cửa khẩu gồm: KCN Định Thành (huyện Thoại Sơn), quy mô 155 ha (có quỹ đất để mở rộng thành 300 ha); KCN Xuân Tô mở rộng (thị xã Tịnh Biên), quy mô 83 ha (đã có quỹ đất công: 30 ha); KCN Hội An (huyện Chợ Mới), quy mô 100 ha; KCN Bình Hòa mở rộng (huyện Châu Thành), quy mô 120 ha; Khu thương mại – dịch vụ và vui chơi giải trí Tịnh Biên (105,88 ha); Trung tâm Logistics cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (25,1 ha); Khu thương mại và vui chơi giải trí khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương (62 ha); Khu Quản lý, Thương mại và Dịch vụ cửa khẩu Vĩnh Xương (21,5 ha); Khu Thương mại – Dịch vụ cửa khẩu Khánh Bình giai đoạn 2 (31 ha); Trung tâm Logistics và các khu chức năng huyện An Phú (32 ha).
Khu công nghiệp và các Khu Kinh tế cửa khẩu đã được phê duyệt là nơi thu hút các nhà đầu tư tư nhân vào dự án sản xuất – kinh doanh tỉnh ưu tiên, tạo công ăn việc làm, tạo động lực phát triển hành lang biên giới. Biên giới hữu nghị, thuận lợi giao thương, tăng trưởng phúc lợi là cách hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu phát triển đến năm 2030 tỉnh An Giang xác định và khẳng định ba lĩnh vực trọng tâm đó là: Kinh tế nông nghiệp, phát triển du lịch và kinh tế biên mậu – Đồng bộ hóa các hoạt động liên kết, vận hành sẽ là động lực tăng trưởng mới cho kinh tế An Giang trong thời gian tới. Với nỗ lực hình thành và phát huy hệ sinh thái phát triển kinh tế xanh, vừa qua tại Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang đã kết nối thành công với hơn 10 nhà đầu tư chiến lược từng quan tâm và đã có nghiên cứu khảo sát – cũng như đã xây dựng các dự án thuộc các lĩnh vực:
(1) Phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, các khu chức năng khu kinh tế cửa khẩu;
(2) Công nghiệp chế biến lương thực – thực phẩm, các công nghiệp nhẹ;
(3) Phát triển đô thị và nhà ở thương mại;
(4) Năng lượng tái tạo, năng lượng sạch;
(5) Thương mại – dịch vụ logistics – du lịch;
(6) Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn.
Với phương châm “sự thành công, phát triển của doanh nghiệp cũng là sự thành công và phát triển của tỉnh”, An Giang mong muốn được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành Trung ương, các tổ chức trong nước và Quốc tế, các tỉnh/thành bạn.
Đặc biệt luôn lắng nghe các ý kiến hiến kế đổi mới, sáng tạo, giúp kiến tạo “Không gian mới – Giá trị mới”, tự tin khi thực hiện sứ mệnh, tầm nhìn hội nhập quốc tế từ mạng lưới liên kết Mekong Connect và các chuyên gia trong và ngoài nước.
HỒ VĂN MỪNG