UVTW Đảng, Bộ trưởng NN&TPNT Lê Minh Hoan: Câu chuyện vùng châu thổ chín rồng

 Ai đi miền xa nhớ về quê nhà
Thăm con đường xưa bến cũ miền Tây
Mỗi lần về lại miền Tây dạt dào cảm xúc trên từng nẻo đường, dòng sông, cánh đồng. Một vùng đất mới cuối cùng của Tổ quốc ghi dấu chân những bậc tiền nhân mở cỏi từ hơn 300 năm trước. Một vùng thiên nhiên trải rộng, mênh mông biển lúa, hình ảnh mùa nước nổi gắn với câu chuyện len trâu đầu thế kỷ giàu cảm xúc, đậm chất miền sông nước. Miền Tây lạ lắm à nghen!
Một vùng châu thổ trong nhóm những đồng bằng rộng lớn nhất thế giới, lưu vực cuối cùng bên dòng Mekong, cũng là một trong những con sông dài nhất trên thế giới. Một nền văn hoá kết tinh, giao thoa giữa người Kinh, Khmer, Hoa, Chăm, trên mỗi bước chân khẩn hoang, mở cỏi. “Miền Tây gạo trắng nước trong. Ai đi đến đó lòng không muốn về”. Từ Nam kỳ lục tỉnh, miệt vườn, miệt thứ, xuống tận bán đảo Cà Mau, kinh tế trù phú, văn hoá đặc trưng, trở thành đề tài cho nhiều bao tác phẩm văn học, khảo cứu về vùng đất phương Nam. “Từng chang đước đong đưa, nhớ người xưa từng ở nơi này. Cho ta thêm yêu dấu chân ngàn năm đi mở đất. Cho ta thêm yêu bầy chim sáo sổ lồng”.
Dấu tích văn hoá Ốc Eo trãi dài các tỉnh vùng biên giới. Những ngôi chùa Phật giáo Khmer Nam Tông, những đình chùa và ẩm thực của người Hoa. Những thánh thất cùng với nghề dệt lụa, món Tung Lò Mò của người Chăm. Áo bà ba và khăn rằn mộc mạc gắn liền với hình ảnh người nông dân Đồng bằng. Những nếp nhà sàn thích ứng với mùa nước nổi. Câu hò, điệu lý, đàn ca tài tử, làn điệu hò – xàng – xự – xang – xê – cống, ăn vào máu thịt người sông nước trên đồng ruộng và sinh hoạt hàng ngày.
Vùng đất một thời được thiên nhiên ưu đãi: mưa thuận gió hoà, phù sa nước ngọt quanh năm, trên cơm dưới cá. Miền Tây sung túc với nền nông nghiệp lúa nước, những vườn cây trái, những dòng sông, biển đảo thuận lợi phát triển thuỷ sản. Vùng đất rộng hơn 40.000 km2 đi vào nền kinh tế hàng hoá sớm nhất cả nước, đóng góp chủ yếu cho an ninh lương thực và xuất khẩu. Người miền Tây tự hào về mình, người cả nước nhắc đến người miền Tây như những con người chân chất, hào sảng, nghĩa hiệp, luôn thích ứng với sự thay đổi. “Ra đi gặp vịt cũng lùa. Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu”.
Nhìn đi ngoảnh lại, Đồng bằng với 13 tỉnh thành tưởng chừng rộng lớn, nhưng diện tích, dân số, quy mô nền kinh tế chỉ bằng một phần hai, phần tư, phần năm những địa phương bên kia biên giới phía bắc. Đất đai đâu còn “thẳng cánh cò bay” mà manh mún dần, do con người sinh sôi từ thế hệ này đến thế hệ khác. Phù sa, nước ngọt dòng Mê Kông ngày càng ít, mùa nước nổi không còn dồi dào cá tôm. Sụt lún, hạn mặn, sạt lỡ tác động lên một cấu trúc địa tầng non trẻ. Những vùng đất ngập nước ngày càng thu nhỏ lại do quá trình đô thị hoá. Những đàn chim trời thưa vắng báo hiệu đất không còn lành, do con người tận diệt và do các làm nông “đất ghiền phân vô cơ như người ghiền á phiện”.
 Hơn ba trăm năm trước những người tứ xứ tìm đến ngụ cư trên mảnh đất tiềm năng, nhưng hôm nay thế hệ con cháu lại rời đi tìm vùng đất mới trong nổi nhớ quê nhà khôn nguôi. Đồng bằng đối mặt với những thách thức lớn: biến đổi khí hậu, đất bạc màu, dòng nước ô nhiểm. Một vùng trũng được chỉ rõ: hạ tầng, giáo dục, nguồn nhân lực. Để vượt quả thách thách thức đó, câu chuyện liên kết vùng được đặt ra bằng Nghị quyết phát triển bền vững, thích ứng biển đổi khí hậu, bằng đề án Quy hoạch vùng được trao tận tay lãnh đạo từng địa phương,… Đó được xem như là một giải pháp cấp thiết, một cánh của mở ra vận hội mới cho vùng đất Chín Rồng. Tuy nhiên, do thể chế còn nhiều bất cập và tư duy liên kết chưa vượt qua được rào cản địa giới hành chính từng địa phương nên câu chuyện liên kết vẫn chưa có hồi kết.
“Liên kết vùng ĐBSCL là yếu tố then chốt nhằm phát triển kinh tế, xã hội bền vững trong bối cảnh khu vực này đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, hạn chế hạ tầng, và phân tán nguồn lực. Các giải pháp liên kết vùng được tập trung vào các lĩnh vực hạ tầng, kinh tế, khoa học công nghệ, và quản lý tổng hợp”. “Liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ giúp tối ưu hóa tài nguyên mà còn góp phần nâng cao khả năng ứng phó với các thách thức, tạo động lực cho phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”. Đây không phải là kết luận của người viết bài này mà là trích trả lời của ChatGPT cho câu hỏi: “Hãy cho tôi biết về giải pháp liên kết vùng ĐBSCL”.
Một doanh nhân nước ngoài đầu tư ở Đồng Tháp chia sẻ thân tình: “Nói anh đừng buồn, người Úc chúng tôi không biết nhiều về Đồng Tháp hay Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, An Giang, Cần Thơ,… đâu. Nhưng nói đến Mekong Delta là biết ngay vì trong sách địa lý dạy chúng tôi rằng châu thổ Mekong là một trong những đồng bằng lớn trên thế giới có sông Mekong chảy qua. Các anh nên liên kết lại, cùng đi chung với nhau bằng thương hiệu Mekong Delta, khi ấy thế giới sẽ biết nhiều hơn. Chợt tỉnh thức, mình ở một địa phương nào thì thường nghĩ rằng người khác cũng hiểu biết về mình. Thế giới hai trăm quốc gia, vùng lãnh thổ, có bao nhiêu đơn vị hành chính cấp tỉnh thành và tương đương?
Người Đồng bằng hôm nay tiếp nối tinh thần không cam chịu như cha ông thuở trước. Nhiều mô hình nông nghiệp thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu là những sáng kiến từ người dân, doanh nghiệp, sáng kiến từ địa phương. Nhiều nông dân vẫn canh cánh giữ lại cây lúa mùa đặc sản như một nông dân tâm huyết: “Thương lắm lúa mùa ơi!”, gắn cây lúa với văn hoá đặc trưng. Nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái sáng tạo: tôm – lúa, tôm – cá, tôm – rừng, lúa – sen,… đang tạo ra những mô hình nông nghiệp sinh thái, mô phỏng tự nhiên.
Người Đồng bằng đang tự liên kết với nhau bằng liên kết cấp tiểu vùng: Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau, các tỉnh duyên hải. Người Đồng bằng liên kết với nhau thông qua những sáng kiến: Mekong Connect, Mekong xanh, các cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các hội chợ quảng bá nông sản, sản phẩm OCOP. Người Đồng bằng liên kết bằng Đề án “Quy hoạch 1 triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh”. Đây là một phép thử cho tinh thần liên kết trong ngành hàng lúa gạo để nhân rộng sang liên kết vùng chuyên canh cây ăn trái, thuỷ sản.
Thế giới đang vận hành theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế số. Những tư duy về không gian kinh tế mới sẽ tạo ra giá trị vượt trội, nhưng cũng đứng trước thách thức bởi không gian kinh tế quy mô nhỏ theo từng địa phương riêng rẽ. Khởi nghiệp đã giúp hình thành hàng ngàn doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu chăm chút hơn sẽ tiến đến con số hàng trăm ngàn doanh nghiệp. Khởi nghiệp không chỉ tạo ra những sản phẩm mới mà còn tạo ra những mô hình kinh tế mới, mô hình của tương lai.
Cụm liên kết ngành nông – công nghiệp – khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, gắn với các viện nghiên cứu chính sách, trường đại học cao đẳng, các hiệp hội ngành hàng trong Vùng sẽ phân bổ nguồn lực tập trung theo cấp độ liên tỉnh, tiểu vùng và cấp vùng. Đó sẽ là nơi đào tạo nông dân, thu hút tri thức trẻ. Đó cũng là bước người Đồng bằng chuyển giao thế hệ khởi nghiệp hôm nay cho tương lai mảnh đất này.
Những cây cầu dây văng cùng với hệ thống đường cao tốc dọc ngang sẽ thay đổi diện mạo Đồng bằng một thời gắn liền hình ảnh những chiếc “cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi”, những con đường nắng bụi, mưa bùn. Liên kết hệ thống hạ tầng giao thông, thuỷ lợi chỉ được phát huy khi gắn với liên kết không gian kinh tế giữa các địa phương. Đó là cách thoát cái bẩy của nền kinh tế quy mô kinh tế nhỏ đang níu kéo sự bức phá của Đồng bằng. Liên kết lại với nhau không chỉ cho hôm nay mà còn vì trách nhiệm đối với tương lai của vùng đất này.
Rồi đất chín Rồng sẽ cất cánh, sẽ hát mãi những lời ca: “Cánh chim tung trời về Đất Phương Nam. Người xưa lưu dấu in hình thuở mang gươm. Bao la tình đời, màu lục bình trôi”. Đã thấy cầu vồng xuất hiện ở phía chân trời!
Win: Thế giới đang vận hành theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế số. Những tư duy về không gian kinh tế mới sẽ tạo ra giá trị vượt trội, nhưng cũng đứng trước thách thức bởi không gian kinh tế quy mô nhỏ theo từng địa phương riêng rẽ.
 Lê Minh Hoan