Việt Nam và ASEAN họp thượng đỉnh về chuỗi cung ứng với Mỹ trong tháng 5

Cuộc họp thượng đỉnh ASEAN - Mỹ sẽ được tổ chức lần thứ hai tại Washington trong hai ngày 12 và 13-5. Ảnh: Asean.org

ASEAN và Mỹ sẽ tiến hành cuộc họp thượng đỉnh đặc biệt để chào mừng 45 năm quan hệ đối thoại ASEAN – Mỹ trong hai ngày 12 và 13-5 sắp tới tại Washington D.C. – theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Campuchia, nước hiện giữ cương vị Chủ tịch ASEAN. Đây là cuộc họp thượng đỉnh đặc biệt lần thứ hai kể từ năm 2016 và là cuộc gặp trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo hai bên kể từ năm 2017.

Trong cuộc họp này, dự kiến Mỹ sẽ khởi động Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF)  khi Washington tìm cách thắt chặt hơn các mối quan hệ thương mại và chuỗi cung ứng với Nhật Bản và Đông Nam Á nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Thứ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Pamela Phan đã thảo luận về các mục tiêu của khuôn khổ này trong một hội thảo dài hai ngày đầu tháng 4 tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington.

Bà Phan cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden muốn tổ chức cuộc họp thượng định với các nhà lãnh đạo ASEAN trong vài tháng tới. Bà gọi đây là “một phần quan trọng để thúc đẩy mối quan hệ Mỹ với khu vực”. Cuộc họp này dự kiến diễn ra trong tuần rồi, nhưng Nhà Trắng đã hoãn vô thời hạn vì trùng thời gian với nhiều sự kiện khác.

Mỹ cũng hy vọng sẽ ký một bản ghi nhớ hợp tác với Malaysia về khả năng phục hồi chuỗi cung ứng khi Bộ trưởng Công thương Malaysia Mohamed Azmin Alithăm Washington vào tháng 5. Trong tháng 6 tới, một thứ trưởng Bộ thương mại Mỹ sẽ dẫn đầu một phái đoàn năng lượng sạch thăm và làm việc tại Việt Nam và Indonesia. Philippines hiện đang nằm trong kế hoạch dự trù của chuyến đi này.

Hiện đang là Chủ tịch khối G20, Indonesia sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh khối tại Bali trong hai ngày 30 và 31-10 sắp tới. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên kế hoạch tham dự hội nghị này.

Mỹ mong muốn ASEAN tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng chip trong khuôn khổ hợp tác kinh tế mới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang được soạn thảo. Ảnh: Nu Source Technologies

Ưu tiên chip và năng lượng sạch

Năng lượng sạch và các chuỗi cung ứng và liên minh mạnh mẽ hơn là trọng tâm của IPEF, nhằm duy trì thương mại tự do và cởi mở ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó là các tiêu chuẩn về môi trường, không gian mạng và tiêu chuẩn lao động trong khu vực.

“Đó không phải là hiệp định thương mại tự do truyền thống. Vì vậy, có rất nhiều câu hỏi vì vậy rất nhiều câu hỏi đặt ra về khuôn khổ IPEF sẽ hoạt động như thế nào. Đầu tiên và quan trọng nhất, với khuôn khổ IPEF, chúng tôi đang xem xét các cuộc thảo luận về cơ sở hạ tầng, giảm khí thải và năng lượng sạch như một lĩnh vực trọng tâm chính. Chúng ta càng có thể hòa nhập với IPEF, thì chúng ta càng có nhiều quốc gia trong khu vực tham gia vào các vấn đề này”.

Hồi tháng 9-2021, theo Nikkei Asia, Mỹ đã bí mật gửi một dự thảo văn bản cho chính phủ Nhật Bản nhằm khuyến khích các thành viên ASEAN. Washington dự kiến sẽ ra mắt trong năm nay Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới nhằm xây dựng cơ chế hợp tác kinh tế bền chặt hơn với các đối tác đáng tin cậy. Cho đến nay, thông tin chi tiết về kế hoạch vẫn chưa được tiết lộ.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn do cuộc chiến Nga – Ukraine và dịch Covid-19, khuôn khổ mới sẽ giảm rủi ro an ninh kinh tế bằng cách xây dựng lại chuỗi cung ứng để tập trung vào các quốc gia thân thiện, chẳng hạn như Nhật Bản. Khuôn khổ cũng góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Mỹ và khu vực.

Dự thảo cho biết việc đảm bảo các chuỗi cung ứng quốc tế hoạt động bình thường có thể củng cố các cơ sở sản xuất trong nước, đảm bảo nguồn cung cấp sản phẩm và duy trì việc làm. Nội dung của văn bản đòi hỏi các bên tham gia các chuẩn mực lao động quốc tế. Xác định chất bán dẫn và năng lượng sạch là các lĩnh vực ưu tiên, kế hoạch mới kêu gọi mở rộng hợp tác để đảm bảo tiếp cận các nguyên liệu cần thiết.

Ở mục về mức phát thải carbon, kế hoạch đã đề cập đến việc tập trung đầu tư vào các ngành công nghệ cần thiết để đẩy nhanh tiến trình triển khai năng lượng sạch. Kế hoạch do Mỹ đề xuất cũng nhắc đến hợp tác trong chuyển đổi số và tự do thương mại.

Dập tắt cuộc thương chiến Nhật – Hàn đang cháy âm ỉ

Ban đầu, Washington dự kiến ​​sẽ khuyến khích Hàn Quốc tham gia. Nhưng điều này có những thách thức nhất định với Nhật Bản. Mỹ đã tiếp cận cả Nhật Bản và Hàn Quốc vào mùa thu năm ngoái về việc thành lập một nhóm công tác về bảo đảm nguồn cung chất bán dẫn. Cũng có đề xuất đưa Đài Loan vào khuôn khổ hợp tác này bởi Đài Loan là nguồn cung chip lớn nhất thế giới.

Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia hồi tháng 1-2022 vừa rồi, bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim) – đại diện Đài Bắc tại Washington – đã nhấn mạnh rằng hòn đảo này hy vọng trở thành một phần trong khuôn khổ hợp tác kinh tế mới vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang được chính quyền Biden soạn thảo.

Nhưng kế hoạch đã không có tiến triển lớn nào dù sáu tháng đã trôi qua. Tất cả đều bắt nguồn từ những bất đồng giữa Tokyo và Seoul về vật liệu sản xuất chip nổ ra từ tháng 7-2019 – chỉ vài tháng sau khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bùng nổ. Nhật Bản hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc ba nguyên liệu quan trọng trong chế tạo chip sau khi giữa hai bên nổ ra các cuộc đấu khẩu về việc chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản phải bồi thường cho lao động bị cưỡng bức ở Hàn Quốc.

Hàn Quốc đã trả đũa bằng lệnh hạn chế xuất khẩu màn hình OLED sang Nhật Bản. Đây là mặt hàng chiến lược mà Hàn Quốc nắm giữ 90-95% thị trường toàn cầu. Cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc khu vực leo thang khi Nhật Bản loại Hàn Quốc ra khỏi “danh sách trắng” gồm 27 nước được ưu đãi thủ tục pháp lý thương mại. Hàn Quốc chịu thiệt hại lớn khi khoảng 1.100 mặt hàng xuất khẩu của Hàn Quốc nằm trong danh sách này. Hàn Quốc cũng đưa ra chính sách tương tự với hàng hóa và doanh nghiệp Nhật Bản. Cả hai sau đó kiện nhau ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)…

Tổng thống tân cử Yoon Suk-yeol sẽ nhậm chức vào tháng 5 tới tại Hàn Quốc. Những tín hiệu ban đầu cho thấy ông Yoon đang sẵn sàng tiến tới việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản. Nhưng điều này sẽ không hề dễ dàng bởi những chương lịch sử đau buồn đã qua vẫn luôn làm nhức nhối dư luận Hàn Quốc.

Nhưng Washington dự kiến sẽ tác động hơn nữa đến chính quyền của tân Tổng thống Yoon trong việc hợp tác với Tokyo xuống thang thương chiến. Hồi tháng 2-2022, ngoại trưởng của ba bên đã gặp nhau tại Hawaii và đưa ra tuyên bố nhấn mạnh “tầm quan trọng của sự hợp tác nhằm cải thiện an ninh kinh tế” cho khu vực và chính họ.

Bộ ba Mỹ – Hàn – Nhật cùng với Đài Loan chiếm hơn 70% sản lượng chip toàn cầu. Đầu tư vào ngành công nghệ này cũng đang gia tăng ở Đông Nam Á khi các nước thành viên trong khu vực đều muốn có vai trò lớn hơn và tự chủ hơn trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.

Ricky Hồ / BSA

Dưa hấu và thanh long Việt Nam đang được giá trên thị trường Trung Quốc