Vĩnh Long muốn nghe tiếng nói của DN để tháo gỡ các ‘điểm nghẽn’, phát triển bền vững
Phát biểu khai mạc hội thảo “Tiền Mekong Connect 2024”, sáng 14/12, ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, bày tỏ mong muốn “các nhà khoa học, đặc biệt là các doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long để nói lên tiếng nói cho các vấn đề địa phương, nói lên các điểm nghẽn để chúng ta cùng nhau tìm cách tháo gỡ”.
Hội thảo “Kích hoạt mô hình kinh tế xanh – phát triển đội ngũ doanh nhân theo hướng bền vững” nằm trong chuỗi hoạt động hướng đến Diễn đàn Mekong Connect 2024, được tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long sáng 14/12. Hội thảo do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao phối hợp cùng UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chứ.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết trong thời gian qua tỉnh Vĩnh Long tăng cường hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư thương mại, giáo dục, y tế. Đặc biệt, tháng 11/2024 Vĩnh Long đã tổ chức thành công Festival “Gạch gốm đỏ – Kinh tế xanh” tỉnh Vĩnh Long năm 2024. “Đây là hoạt động tôn vinh giá trị ngành gốm và khẳng định kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số là mục tiêu chiến lược của tỉnh, hướng đến phát triển bền vững” – ông Lữ Quang Ngời nói.
Theo ông Lữ Quang Ngời, đến nay tỉnh Vĩnh Long đã có 945 trang trại ứng dụng khoa học kỹ thuật thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, cùng với đó là 12 mô hình kinh tế tuần hoàn trên cây lúa với diện tích 317 ha. Mục tiêu của tỉnh trong thời gian tới sẽ hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi số, sản xuất xanh. Tỉnh Vĩnh Long ưu tiên mời gọi các dự án năng lượng tái tạo, công nghệ cao, các dự án sử dụng nguyên liệu đầu vào là các sản phẩm của Vĩnh long và của cả vùng ĐBSCL.
Đánh giá cao vai trò kết nối của Mekong Connect, ông Lữ Quang Ngòi cho rằng: Câu lạc bộ Thương hiệu dẫn đầu, tiêu biểu cho đội ngũ tiên phong theo hướng xanh của tỉnh Vĩnh Long. Câu lạc bộ này sẽ nối kết với Câu lạc bộ Doanh nông – Khởi nghiệp xanh thuộc mạng lưới Mekong Connect, nhằm mở ra cơ hội phát triển mới cho tỉnh Vĩnh Long và khu vực ĐBSCL.
Ông Ngời đánh giá, việc tham gia Mekong Connect – Diễn đàn Đổi mới sáng tạo, Vĩnh Long xem đây là cơ hội quý báu để học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương trong khu vực ĐBSCL, TP.HCM và cả nước để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, công nghệ hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới.
“Riêng trong hội thảo hôm nay, chúng tôi mong muốn các nhà khoa học, đặc biệt là các doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long để nói lên tiếng nói cho các vấn đề địa phương, nói lên các điểm nghẽn để chúng ta cùng nhau tìm cách tháo gỡ. Chúng tôi cũng mong muốn nhận được các ý kiến, sáng kiến mới từ các doanh nhân, nhà khoa học cho sự phát triển của Vĩnh Long và các tỉnh thành khu vực. Tỉnh cũng cam kết tập trung xây dựng đội ngũ doanh nhân theo hướng bền vững, tạo môi trường bình đẳng, thông thoáng để mọi thành phần doanh nghiệp cùng phát triển, đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển của tỉnh cũng như toàn vùng ĐBSCL” – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long khẳng định.
Ra mắt CLB Doanh nghiệp dẫn đầu – Thương hiệu tiêu biểu Vĩnh Long
Nói về sự ra đời CLB Doanh nghiệp dẫn đầu – Thương hiệu tiêu biểu tỉnh Vĩnh Long, ông Nguyễn Tường Nam – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long, hơn 200 hội viên với nhiều ngành nghề quy mô khác nhau với nhiều nhu cầu, mong muốn khác nhau, nhưng cũng có nhiều sự tương đồng ở quy mô tổ chức, cũng như giá trị. Trong đó, có những doanh nghiệp tiên phong trong những ngành nghề, lĩnh vực, đây là lực lượng doanh nghiệp mới, có khả năng phát triển sáng tạo và đóng góp cho sự phát triển bền vững.
Theo ông Nam, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Vĩnh Long có quy mô lớn, thương hiệu tốt nhưng khi tham gia vào các diễn đàn mang tính quốc gia thì vẫn còn hạn chế. Do đó, bằng việc thành lập CLB dẫn đầu, tỉnh Vĩnh Long kỳ vọng có thể phát huy được thế mạnh vốn có của doanh nghiệp, liên kết, phối hợp để có thể hòa vào đội ngũ doanh nhân theo hướng xanh hóa nền kinh tế. Bởi vì, theo đánh giá, trong bối cảnh chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn thì các doanh nghiệp trong CLB cũng là đội ngũ có nhiều ưu thế để chuyển đổi.
“Qua việc hình thành CLB sẽ hình thành đội ngũ 20% doanh nghiệp đóng góp 80% giá trị. Và chính đội ngũ 20% này sẽ dẫn dắt 80% còn lại” – ông Nam nói.
Các doanh nghiệp được lựa chọn vào CLB căn cứ 5 tiêu chí đánh giá: Quản lý chất lượng; Đổi mới sáng tạo; Quản trị thương hiệu; Năng lực phát triển; Kết quả kinh doanh. Nguồn doanh nghiệp từ bốn nhóm: Doanh nghiệp theo chương trình doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh (hiện bình chọn 2 năm một lần, sắp tới là 3 năm). Thứ hai là các doanh nghiệp OCOP từ 4 sao trở lên. Thứ ba là các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (hiện có 6 doanh nghiệp). Thứ tư là các doanh nghiệp được xét chọn trong Đề án 20 thương hiệu mạnh tỉnh Vĩnh Long.
Vĩnh Long và Hậu Giang là hai thành viên mới nhất chính thức tham gia Diễn đàn Mekong Connect từ năm 2024.
Diễn đàn Mekong Connect năm 2024 sẽ diễn ra trong hai ngày 17 và 18/12/2024 tại Đại học An Giang, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, với chủ đề: “Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và công nghệ vùng ĐBSCL – TP.HCM và cả nước, hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới”.
Mekong Connect 2024 với sự bảo trợ của Bộ NN&PTNT, Bộ KHCN, do UBND tỉnh An Giang và UBND TP.HCM đồng tổ chức và chủ trì. Cùng với đó là sự đồng hành của các tỉnh thành: Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang và Vĩnh Long.
Sự kiện được phối hợp thực hiện bởi: Sở Công Thương TP.HCM, Sở Công Thương An Giang, Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang, VCCI Đồng bằng sông Cửu Long và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC). Mekong Connect 2024 được điều phối bởi: Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp – BSA.