Sự việc ca sĩ Tùng Dương phát ngôn gây sốc về dòng nhạc Bolero đã gây nên nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận. Hai nhạc sĩ gạo côi của của âm nhạc Việt Nam là Vinh Sử và Y Vũ, Đình Văn, Ánh Tuyết, … đã lên tiếng cho rằng: Tùng Dương còn trẻ lắm chưa đủ tầm để nhận xét về Bolero.
Trong một phát biểu trước thềm liveshow Trời và Đất của mình sắp diễn ra tại Hà Nội, ca sĩ Tùng Dương đã có phát biểu với truyền thông và cho rằng “Bolero có giá trị về mặt hoài niệm nhưng nếu người già, trẻ, lớn, bé đều đắm đuối với dòng nhạc này thì đó thực sự là sự thụt lùi trong âm nhạc”.
Phát ngôn của ca sĩ Tùng Dương đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía các nhạc sĩ, ca sĩ và công chúng ái mộ dòng nhạc Bolero đang tồn tại và phát triển hơn nửa thế kỷ này. Đa số các nghệ sĩ đều cho rằng Tùng Dương còn quá trẻ để đưa ra một nhận định về một trường phái âm nhạc vốn nổi tiếng khắp nơi trên thế giới chứ chỉ chỉ riêng ở Việt Nam.
Nhiều nhạc sĩ, ca sĩ cũng cho rằng Tùng Dương đã “ảo tưởng” về sự hiểu biết âm nhạc cũng như đẳng cấp của mình nên mới có những ý kiến khá “ngông cuồng” về nhạc Bolero như vậy.
Nhạc sĩ Vinh Sử: “Tùng Dương biết gì về Bolero mà nhận xét”.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới sáng 22.8, “ông vua nhạc sến” Vinh Sử đã không ngại ngần bày tỏ quan điểm của mình trước phát ngôn của Tùng Dương: “Tùng Dương nói như vậy là rất ngông cuồng. Phát biểu một cách thiếu suy nghĩ như vậy là gây xúc phạm không chỉ với các nhạc sĩ mà còn xúc phạm đến một thể loại âm nhạc đang rất được nhiều người yêu thích.
Cách nói của Tùng Dương là “nói lấy được” chứ anh ta không đủ tầm để nhận xét như vậy. Chẳng lẽ Tùng Dương không hiểu rằng nhạc Bolero đang bùng nổ và phổ biến như hiện nay là bởi những thể loại âm nhạc khác không đủ sức để cạnh tranh với nó? Đừng coi thường khán giả yêu nhạc Bolero những người sáng tác Bolero là đang “thùi lùi”.
Bolero ra đời hơn 50 năm rồi, bản thân dòng nhạc này đủ sức tồn tại một cách bền bỉ, thì rõ nó đang tiến lên lên chứ không hề thụt lùi.
Tôi nghĩ tư tưởng của Tùng Dương đang thụt lùi và không bắt kịp sự phát triển của âm nhạc Việt Nam nên “cả gan” nói vậy thôi. Tôi không trách Tùng Dương, với tôi anh ta vẫn còn non trẻ lắm. Người trẻ thì hay ảo tưởng và ngông cuồng là điều thường thấy ở mọi nơi chứ không riêng gì trong giới nghệ sĩ.
Nhạc sĩ Y Vũ: “Tùng Dương thụt lùi trong nhận thức về Bolero”
Là một người sáng tác rất nhiều thể loại âm nhạc trong đó có một số bài Bolero nổi tiếng, nhạc sĩ Y Vũ tỏ ra khá nhạc nhiên với nhận định của ca sĩ Tùng Dương về Bolero. Ông cho biết: “Tôi có đọc phát biểu của Tùng Dương trên báo, tôi không hiểu từ đâu mà Tùng Dương lại lộng ngôn đến thế.
Bản thân của âm nhạc là sự sáng tạo, đã là sáng tạo là luôn đổi mới và không có sự thụt lùi nào. Nếu nói Bolero thùi lùi, thì bản thân nó không tồn tại đến ngày hôm nay. Mỗi thể loại âm nhạc đều có đời sống riêng công chúng riêng của nó. Tôi sáng tác nhiều thể loại cũng nhằm phục vụ cho các đối tượng khán thính giả khác nhau.
Bản thân tôi là nhạc sĩ lớn tuổi tôi còn thấy được sự phát triển không ngừng nghỉ của Bolero, tôi ngạc nhiên và thích trước những bài Bolero rất cũ được các nghệ sĩ dàn dựng phối âm phối và thể hiện rất mới mẽ. Điều đó cũng đồng nghĩa là nhu cầu thưởng thức của công chúng ngày càng cao và đang đi lên chứ chưa thấy sự thụt lùi nào cả.
Tôi không hiểu vì sao một ca sĩ khá trẻ như Tùng Dương lại không thấy được điều này. Phải chăng từ một góc nhìn khá hẹp trong thể loại âm nhạc mà Tùng Dương đang theo đuổi đang dần kén khán giả nên anh ta ngộ nhận về sự am hiểu của mình?
Nói tóm lại, tôi khuyên Tùng Dương nên cẩn trọng hơn với những phát ngôn của mình về bất cứ một dòng nhạc nào mà anh không yêu thích. Âm nhạc được sinh ra theo nhu cầu của công chúng. Bản thân của âm nhạc luôn thay đổi và tiến lên. Chỉ có Tùng Dường là đang thụt lụt trong suy nghĩ mà thôi.
Ca sĩ-nhạc sĩ Đình Văn: “Tôi nhắn nhủ với Tùng Dương là em không đủ tầm để hiểu về Bolero”
Ca sĩ nhạc sĩ Đình Văn là người chuyên sáng tác và hát về dòng nhạc mang âm hưởng dân ca và Bolero. Hoạt động ca hát của anh được nhiều người biết đến vào thập kỉ 1990, đặc biệt là trong các chương trình Mưa bụi. Đình Văn trước đây trong nhóm Mưa bụi tình đời chung với các nghệ sĩ nổi tiếng như: Ngọc Hải, Tài Linh, Thạch thảo, Kim Tử Long, Vũ Linh, Ngọc Huyền, Tuấn Cảnh và cả Giang Tử, Yến Khoa…
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, nhạc sĩ Đình Văn khá bức xúc, anh nói: “Tôi muốn nhắn nhủ với Tùng Dương là em còn trẻ lắm, em chưa đủ tầm để nhận định về một dòng nhạc phổ biến ở miền Nam từ hơn nửa thế kỷ nay đâu. Bolero và cải lương đã trở thành máu thịt của người Nam bộ từ xưa tồn tại và phát triển, chưa có dấu hiệu thụt lùi. Em nói như vậy có nghĩa là em cho rằng âm nhạc miền Nam đang thụt lùi hay sao?.
Nói như vậy là đồng nghĩa với việc đánh đồng những chương trình Bolero trên sóng truyền hình trung ương và địa phương như: Solo cùng Bolero, Tình Bolero, Kịch cùng Bolero, Tuyệt đỉnh song ca, Thần tượng Bolero, Người hát tình ca, Tuyệt đỉnh song ca… cùng những nghệ sĩ gạo cội như Giao Linh, Phương Dung, Mạnh Đình, Thái Châu, Hương Lan, Phi Nhung… đang thụt lùi?. Với tôi nếu nói ví von duy tâm thì cải lương và âm nhạc Bolero miền Nam là hai ngôi đền thiêng liêng cần được tôn trọng.
Ca sĩ Ánh Tuyết: Tùng Dương quá kém về nhận thức văn hóa âm nhạc
Trao đổi với phóng viên về những nhận định của Tùng Dương, nữ ca sĩ Ánh Tuyết cho biết: “Tôi không ngạc nhiên với lối phát biểu này của Tùng Dương, nhưng tôi ngạc nhiên về tầm nhận thức của anh. Người nghệ sĩ, đặc biệt là người làm âm nhạc cần có một nền tảng nhận thức về văn hóa âm nhạc, văn hóa phát ngôn, văn hóa ứng xử…
Phát biểu như thế tôi cho rằng Tùng Dương là người quá kém về văn hóa. Phải thừa nhận Tùng Dương là một ca sĩ rất có tài, dòng nhạc Tùng Dương đang theo đuổi và làm nên tên tuổi của những bài dân ca đương đại. Tôi không ngờ Tùng Dương lại phát biểu như vậy trong khi anh được trưởng thành từ cái nôi âm nhạc như thế. Âm nhạc sinh ra từ những sinh hoạt trong cuộc sống của loài người, sau đó nó phát triển thành nhạc cung đình, nhạc bác học, nhạc hàn lâm, nhạc hiện đại, nhạc dân ca đương đại…
Dù có ở vị trí nào đi nữa thì âm nhạc vẫn được sinh ra từ những điều giản dị như vậy. Điều này ai cũng biết mà sao Tùng Dương không biết? Tùng Dương đang ngồi trên cái ngọn, đang thừa hưởng sự phát triển chung của âm nhạc mà quay sang đả kích một thể loại âm nhạc có lịch sử lâu đời của thế giới và Việt Nam thì nghĩ anh cần xem lại về khả năng nhận thức của mình.
Tiểu Vũ (Theo MTG)