(Vietnamtimes) – Người điều hành Vinschool khẳng định, việc tăng học phí là lộ trình 5 năm từ 2018-2019 đến 2022-2023 do chương trình và chất lượng dịch vụ giáo dục do Vinschool cung cấp được “nâng lên tầm cao mới”.
Cách đây vài ngày, các phụ huynh Trường phổ thông liên cấp Vinschool đồng loạt nhận được email thông báo về định hướng phát triển và nâng tầm chất lượng giáo dục của Vinschool, bao gồm lộ trình tăng học phí 40% – 50% từ năm học 2018 và những năm học sau.
Thông tin này ngay lập tức đã nhận được rất nhiều phản hồi từ mạng xã hội đến báo chí. Nhiều phụ huynh có con học tại hệ thống Vinschool bức xúc lên tiếng phản đối, thậm chí đòi tẩy chay…
Trao đổi với PV Người Đô Thị, bà Phan Hà Thủy, Tổng Giám đốc hệ thống Vinschool cho biết đã có buổi làm việc với Ban Phụ huynh học sinh vào sáng và chiều 23.9, một giao lưu trực tuyến với phụ huynh trên fanpage Vinschool sáng 25.9 nhằm giải thích cơ bản các thắc mắc về việc Vinschool tăng học phí mới đây.
Tăng học phí để tăng giáo viên tinh hoa…
Bà Thủy đã nhấn mạnh 2 điều: Thứ nhất, mức học phí mới của Vinschool chỉ áp dụng từ tháng 9.2018 (khoảng 1 năm nữa). Thứ hai, đối với học sinh vừa nhập học, việc tăng học phí sẽ được tiến hành theo lộ trình 3 năm. Trong năm học thứ 4 và năm thứ 5 (2021-2022; 2022-2023), Vingroup cam kết không điều chỉnh học phí.
Bà giải thích “về bản chất đây không phải việc tăng học phí đơn thuần, chúng tôi đang không tăng học phí trên nền chương trình và chất lượng giáo dục như trước, mà đây là việc cải cách để nâng cấp chất lượng trên toàn hệ thống”.

Cụ thể, theo TGĐ Vinschool thì chi phí tăng vào chất lượng nhân sự như tăng tỷ lệ “giáo viên tinh hoa”, tăng lương và khung lương để nâng chất lượng giáo viên hiện tại; giảm số tiết dạy của giáo viên để tăng thời gian “quản lý học sinh”, chuẩn bị bài giảng và tham gia đào tạo nâng cấp chất lượng trong khi số tiết học không giảm. Việc này dẫn đến số lượng giáo viên tăng kéo theo chi phí tăng đi kèm với tăng chi phí đào tạo giáo viên theo chương trình và các tiêu chuẩn mới.
Thứ hai là tăng chi phí do tăng số tiết tiếng Anh. Hệ chuẩn tăng 50% từ 8 lên 12 tiết và tăng tỷ lệ các tiết tiếng Anh với giáo viên nước ngoài (100% từ 3 lên 6 tiết). Hệ nâng cao sẽ tăng số môn Cambridge từ 3 môn lên 5 môn, số tiết với giáo viên nước ngoài ở bậc Tiểu học tăng từ 10 tiết lên 20 tiết/tuần, bậc Trung học cơ sở tăng từ 12 tiết lên 22 tiết/ tuần.
Việc tăng chi phí còn là để Vinshool “nâng cao chất lượng dịch vụ”, đặc biệt là chi phí do giảm sĩ số học sinh (Hệ chuẩn) từ 35 học sinh/lớp xuống còn 30 học sinh/lớp. Trong đó tính riêng do ảnh hưởng của việc giảm sĩ số thì học phí đã phải tăng 17% rồi. Hệ nâng cao sẽ duy trì 25 học sinh 1 lớp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.
“Chủ động và liên tục nâng tầm chất lượng là câu chuyện không chỉ Vinschool mà là tôn chỉ chung của Tập đoàn Vingroup”, bà Thủy nói với báo.
Bên cạnh đó, Vinschool đang làm thủ tục kiểm định với Hội đồng Các trường quốc tế – CIS (Council of International Schools) chuẩn bị cho cuộc làm việc, đánh giá vào tháng 12.2017 tới, để CIS xem xét đưa Vinschool vào danh sách thành viên. Vinschool đặt mục tiêu đến tháng 12.2020 các trường Vinschool thuộc Hệ Nâng cao sẽ được CIS kiểm định, sau đó đến Hệ chuẩn.
Phản hồi về bình luận tăng học phí đồng nghĩa với việc VinSchool đi theo con đường siêu lợi nhuận, bà tổng giám đốc nói rằng: Vinschool đã chuyển sang mô hình hoạt động phi lợi nhuận cuối năm 2016. Báo cáo tài chính của Vingroup cho thấy tập đoàn này “không thu hồi bất cứ một khoản nào mà để lại toàn bộ lợi nhuận 129 tỷ đồng cho Vinschool tái đầu tư”.
Theo kế hoạch tài chính lập cho 5 năm tới, đại diện Vinschool cho biết sẽ “không lấy bất cứ một đồng lợi nhuận nào”. Ngay cả mức học phí áp dụng cho học sinh mới trong năm học 2018-2019 cũng căn cứ dựa trên điểm hoà vốn, chứ hệ thống hoàn toàn không có lãi với mức học phí này.

Đặt phụ huynh vào thế đã rồi?
Mặc dù Tổng giám đốc Vinschool cho biết đã có cuộc gặp với phụ huynh học sinh của trường, nhưng dường như đôi bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung hay sự đồng thuận như mong muốn.
Trên Fanpage Vinschool đăng thông tin: Ban Giám hiệu sẽ luôn xử lý vấn đề trên tinh thần cầu thị. Nhà trường mong muốn phụ huynh trao đổi trực tiếp, thẳng thắn với Ban Giám hiệu, thay vì đưa thông tin lên Facebook. Vinschool sẽ không thể cùng đồng hành với những phụ huynh đưa thông tin sai lệch lên Facebook ảnh hưởng đến uy tín nhà trường và sẽ xử lý tình trạng này kiên quyết hơn…
Tuy nhiên, phụ huynh vẫn có lý do để “tức giận” khi nói rằng, thông báo (của Vinschool) giống như đặt phụ huynh vào thế đã rồi, tức hoặc là chấp nhận mức tăng học phí của trường hoặc chuyển con sang trường khác.
Có phụ huynh phân tích: Ngoài tiền học phí họ còn phải đóng thêm các loại tiền khác như tiền bán trú, tiền học phẩm, tiền phí phát triển trường… tổng cộng khoảng 2-3 triệu đồng/tháng. Như vậy, mỗi tháng tổng tiền học sẽ là 8-9 triệu đồng. Nếu học sinh nào học hệ song ngữ thì học phí đắt gấp đôi hệ tiêu chuẩn, cấp càng cao học phí càng tăng. Đây là những con số không hề nhỏ.
Theo bậc cha mẹ học sinh, Vinschool “đùng một cái” thông báo tăng học phí 40-50%, dù là năm sau mới tăng đi nữa thì nó cũng “hơi ngược” so với cam kết trước đó, rằng mỗi năm sẽ không tăng học phí quá 10%.
Từ đó dẫn đến sự nghi ngờ: Liệu tăng học phí thì định hướng phát triển cũng như chất lượng đào tạo của trường có tăng theo tương xứng như tuyên bố với báo chí hay không?
Doanh thu từ mảng giáo dục của Vingroup
Trong báo cáo nửa đầu năm 2017 của Vingroup (mã VIC), doanh thu từ dịch vụ y tế, giáo dục đều duy trì tốc độ tăng trưởng tốt với tỷ lệ tăng 17-53% so với cùng kỳ năm 2016. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm, mảng dịch vụ giáo dục (Vinschool) đã đạt 404 tỷ đồng. Với giá vốn 318,7 tỷ đồng, tương ứng lợi nhuận gộp của mảng này đạt hơn 85 tỷ đồng.
Tỷ suất lợi nhuận/doanh thu của mảng này cũng không hề nhỏ, hầu như đều đạt trên 20%. Năm 2015 từng lên tới 31%.
Lợi nhuận đến từ giáo dục của VIC trong 2 năm trước lần lượt là 162 và 166 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2016, hệ thống Vinschool đạt quy mô 10 cơ sở và tiếp nhận hơn 13.000 học sinh.
T.H